Đắk Lắk: Xử lý rác thải y tế độc hại còn nhiều bất cập

30/09/2015 00:00

(TN&MT) - Điều đáng lo ngại là tất cả các bệnh viện trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đều nằm trong khu dân cư đông đúc, và lò đất rác thải y tế độc hại lại nằm trong...

 

(TN&MT) - Đắk Lắk hiện có 24 bệnh viện đang hoạt động, trong đó có 20 bệnh viện do Sở Y tế quản lý trực tiếp còn lại 4 bệnh viện tư nhân và ngành khác quản lý. Số giường bệnh theo kế hoạch là 3.550 giường. Nhưng số giường thực kê là 4.496 giường. Bình quân mỗi ngày các bệnh viện thải ra gần 1 tấn chất thải y tế rắn nguy hại, và 4,4 tấn rác thải sinh hoạt. Với số lượng lớn rác thải y tế rắn nguy hại trên địa bàn tỉnh, thì khâu xử lý cần phải được quan tâm đặc biệt, để tránh lây lan mầm bệnh ra cộng đồng.

Tro đốt còn nguyên ống thuốc kim tiêm được chôn dưới đất tại bệnh viện đa khoa Krông Pắc.
Tro đốt còn nguyên ống thuốc kim tiêm được chôn dưới đất tại bệnh viện đa khoa Krông Pắc.

Chưa được đầu tư đồng bộ.

Trong tổng số 24 bệnh viện trên địa bàn thì có 20 bệnh viện thuộc sở Y tế Đắk Lắk quản lý đã được đầu tư hệ thống xử lý rác thải y tế nguy hại, 4 bệnh viện còn lại chưa có. Trong đó, có 17 lò đốt và 3 hệ thống hấp tuyệt trùng. Tất cả các bệnh viện đều được xây dựng hệ thống xử lý nước thải, chất thải lỏng. Thế nhưng trên thực tế việc đầu tư này cũng mỗi nơi một kiểu. Chính vì vậy công tác xử lý vẫn chưa đạt được như mong muốn.

Lò đốt rác thải, nhiều bệnh viện đã và đang bị xuống cấp, hoặc đầu tư lò công suất nhỏ nhưng phải xử lý số lượng rác thải lớn nên hoạt động quá tải, dẫn đến sự cố xả ra nhiều, gây ô nhiễm môi trường làm ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân xung quanh. Trường hợp xảy ra tại bệnh viện đa khoa huyện Krông Năng là minh chứng. Giữa tháng 6 vừa qua, lò đốt rác liên tục gặp sự cố, đã gây ra khói, bụi, mùi khét làm ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân. Các hộ dân sống xung quanh bệnh viện đã viết đơn gửi nhiều cơ quan chức năng để khiếu nại. Về phía bệnh viện cũng đã tích cực khắc phục. Nhưng ông Trần Ngọc Anh – Giám đốc Bệnh viện đa khoa huyện Krông Năng, tỉnh Đắk Lắk không dám chắc sự cố này lại không tái diễn bởi thực tế lò đốt rác đã xảy ra sự cố nhiều lần, và nay đang bị xuống cấp nghiêm trọng.

Điều đáng lo ngại là tất cả các bệnh viện trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đều nằm trong khu dân cư đông đúc, và lò đất rác thải y tế độc hại lại nằm trong khuôn viên bệnh viện. Nên, trong quá trình xử lý rác thải y tế độc hại, chỉ cần một sự cố nhỏ về lò đốt cũng gây ra khói, bụi, mùi khét làm ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân xung quanh. Trong khi đó, việc xử lý rác thải y tế độc hại thường giao cho bảo vệ bệnh viện kiêm nhiệm, làm việc bán chuyên trách, thiếu trình độ chuyên môn, nghiệp vụ nên việc xử lý cũng còn gặp nhiều trở ngại, và hiệu quả chưa cao.

Phân loại thu gom rác thải y tế độc hại tại bệnh viện khu vực 333.
Phân loại thu gom rác thải y tế độc hại tại bệnh viện khu vực 333.

Vẫn còn nguy cơ gây ô nhiễm

Theo trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Đắk Lắk Lắk, rác thải y tế độc hại sau khi đưa vào lò đốt thì mọi thứ trở thành tro, kể cả ống thủy tinh đựng thuốc, kim tiêm cũng bị cháy keo tròn. 1kg rác thải y tế độc hại sau khi đốt thì số tro thu lại không đáng kể, và không có vi khuẩn gây bệnh có thể lây lan ra cộng đồng. Thế nhưng, tại bệnh viện đa Khoa huyện Krông Pắc, tỉnh Đắk Lắk tro đốt của lò xử lý rác thải y tế độc hại thu được là không nhỏ. Điều đáng lo ngại là tro mới chỉ bị cháy đen, ống thủy tinh đựng thuốc, kim tiêm còn nguyên vẹn và tất cả được đào hố chôn trong khuôn viên bệnh viện. Không ai dám chắc trong tro đốt không còn mầm bệnh hay những loại hóa chất, kim loại nặng có thể thấm vào lòng đất, gây ô nhiễm đất và đặc biệt là nguồn nước ngầm.

Hay hệ thống xử lý nước thải của bệnh viện đa khoa huyện Ea Kar mỗi ngày đêm xử lý khoảng 50m3 nước thải bệnh viện bằng công nghệ sinh hóa. Chất lượng nước thải sau khi xử lý đạt loại B. Theo quy định, nước thải loại B phải được xả vào hệ thống nước thải chung của hệ thống nước thải đô thị để tiếp tục xử lý. Thế nhưng tại đây, nước thải này được bệnh viện đào hố tự thấm ngay trong khuôn viên bệnh viện.

Vấn đề này, Lãnh đạo bệnh viện đa khoa huyện Ea Kar vẫn biết là vi phạm nhưng vẫn làm vì thực tế tại đây không có hệ thống nước thải chung của thị trấn Ea Kar. Còn việc xả thải ra môi trường sông ngòi thì chưa thể đấu nối. Để dẫn nước thải sau xử lý ra điểm xả thải, phải lắp đặt hệ thống ống, máy bơm dài khoảng 3km với kinh phí đầu tư hơn 1 tỷ đồng, nên chưa có vốn để đầu tư. Hơn nữa việc xả thải này vẫn là sai phạm vì nước xả thải không đủ tiêu chuẩn loại A để thải trực tiếp ra môi trường. Trong khi đó, người dân sống xung quanh bệnh viện Ea Kar đang sử dụng nước giếng đào, giếng khoan khai thác nước ngầm trực tiếp để sinh hoạt. Liệu rằng, nguồn nước ngầm xung quanh khu vực bệnh viện đa khoa Ea Kar có an toàn, khi mà nước thải bệnh viện sau xử lý vẫn ngày đêm được đưa vào hố tự thấm sâu trong lòng đất.

Nước thải y tế sau xử lý được cho thấm xuống đất tại bệnh viện đa khoa Ea Kar
Nước thải y tế sau xử lý được cho thấm xuống đất tại bệnh viện đa khoa Ea Kar

Chính vì gây ô nhiễm môi trường nên trong năm 2014, Đắk Lắk đã có 7 bệnh viện bị xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền lên đến 829.300.000đồng. Đơn vị bị xử phạt nặng nhất là Bệnh viện đa khoa Ea Kar với số tiền là  265.000.000đồng. và đơn vị nhẹ nhất là Bệnh viện đa khoa Buôn Hồ bị xử phạt:  8.000.000đồng. Điều đáng nói là vẫn còn đến 4 trong bảy bệnh viện bị xử phạt chưa chấp hành nộp phạt. Điều này cho thấy, công tác xử lý môi trường bệnh viện, xử lý rác thải Y tế độc hại ở Đắk Lắk vẫn chưa đi vào tiềm thức của ngành y tế. Với cách hành xử này liệu rằng việc xử phạt vi phạm hành chính có mang lại hiệu quả, đủ sức răn đe các cơ sở y tế vi phạm?.

Thiếu giải pháp đồng bộ

Điểm bất cập dễ thấy nhấy nhất trong việc xử lý chất thải y tế độc hại ở Đắk Lắk là việc thu gom và xử lý nước thải rửa phim Xquang. Loại chất thải phóng xạ gây nguy hiểm trực tiếp cho sức khỏa của con người. Song tại các bệnh viện đã hơn 1 năm nay, không biết phải làm gì với loại chất thải phóng xạ nguy hại này. Hiện nay, các bệnh viện chỉ biết dùng can nhựa, bồn nhựa để đựng và cất giữ vào kho lưu trữ chất thải nguy hiểm độc hại. Nhiều bệnh viện cũng đã hợp đồng với một vài đơn vị tại thành phố Hồ Chí Minh để xử lý nhưng không hiệu quả. Đa số các đơn vị sau khi ký kết hợp đồng thì không thấy quay lại thu gom như: Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Đắk Lắk, Bệnh viện đa khoa Ea Kar…

Làm việc với phóng viên Báo Tài nguyên & Môi trường lãnh đạo các bệnh viện đều có nguyện vọng là Sở Y tế Đắk Lắk nên làm đầu mối để hợp đồng với một đơn vị có chức năng và đủ điều kiện thu gom xử lý thì mới hiệu quả. Thực tế, lượng nước thải rửa phim Xquang tuy độc hại nhưng số lượng ít. Trong khi đó, từ khâu vận chuyển, đến việc xử lý nó lại rất phúc tạp. Vấn đề này, các bệnh viện cũng đã đề đạt lên lãnh đạo Sở y tế nhưng đến nay vẫn chưa có giải pháp.

Bác sỹ Nguyễn Văn Bịch – Giám đốc bệnh viện lao và bệnh phổi Đắk Lắk chia sẻ: nếu xử lý được nước thải Xquang thì Đắk Lắk sẽ tít kiệm được khoản tiền không nhỏ để đầu tư máy Xquang kỷ thuật số. Hiện nay, những máy Xquang này vẫn đang hoạt động hiệu quả. Nguồn vốn tiết kiệm được có thể đầu tư cho những vấn đề khác thiết yếu hơn.

Lò đốt rác thải y tế bệnh viện đa khoa huyện Krông Năng xả khói, mùi hôi, khét gây bức cho người dân xung quanh.
Lò đốt rác thải y tế bệnh viện đa khoa huyện Krông Năng xả khói, mùi hôi, khét gây bức cho người dân xung quanh.

Một thực tế nữa là hiện nay, mỗi bệnh viện đầu tư một lò đốt hoặc hấp vô trùng rác thải y tế độc hại. Việc đầu tư là những lò nhỏ, công nghệ cũ nên việc xử lý cũng gặp nhiều hạn chế. Hơn nữa, việc vận hành lò thường giao cho bảo vệ bệnh viện, làm việc kiêm nhiệm, thông không có chuyên môn thì việc xử lý sẽ không hiệu quả. Chính vì vậy, các bệnh viện đều mong muốn cần có quy hoạch đầu tư khu xử lý rác thải y tế độc hại tập trung cho từng khu vực, với công nghệ hiện đại, nguồn nhân lực chuyên nghiệp sẽ mang lại hiệu quả cao, đảm bảo an toàn cho môi sinh, môi trường.

Về vấn đề này, lãnh đạo sở Y tế Đắk Lắk, cùng các phòng chức năng đều nhận thấy nếu làm được khu xử lý rác thải y tế độc hại tập trung, đầu tư công nghệ hiện đại, với nguồn nhân lực chuyên nghiệp thì sẽ rất hiệu quả, và xử lý triệt để được các vướng mắc bất cập hiện nay. Thế nhưng đến nay, ngành y tế Đắk Lắk cũng chưa nghĩ đến. Vậy, đến bao giờ việc xử lý rác thải y tế độc hại trên địa bàn Đắk Lắk mới thực sự đạt hiệu quả như mong muốn, câu hỏi này xin dành cho lãnh đạo sở Y tế và các cấp chính quyền tỉnh Đắk Lắk./.  

Đình Thắng

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đắk Lắk: Xử lý rác thải y tế độc hại còn nhiều bất cập
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO