Đắk Lắk: Người dân phấn khởi vì nước sạch về tới vùng sâu vùng xa

Phạm Hoài | 08/10/2021, 16:28

(TN&MT) - Những năm qua, với quyết tâm của các cấp, các ngành ngành trong tỉnh cùng với sự hỗ trợ từ nguồn vốn Chương trình Mở rộng quy mô nước sạch và vệ sinh môi trường, công trình cấp nước sinh hoạt tập trung ở một số địa phương trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đã được triển khai xây dựng và đưa vào hoạt động, giúp người dân tiếp cận được nguồn nước sạch, sử dụng đảm bảo vệ sinh.

Nước sạch về tới buôn làng

Từ nhiều năm nay, các hộ dân sống tại buôn A Riêng B, xã Ea Răl, huyện Ea H’Leo, tỉnh Đắk Lắk rất phấn khởi và an tâm vì nguồn nước sinh hoạt trong gia đình đảm bảo tiêu chuẩn nhờ công trình nước sạch được Nhà nước đầu tư, nước cung cấp đến tận từng nhà.

Theo anh Y’Thanh - một hộ dân sinh sống lâu năm ở buôn A Riêng B, nhờ có nước sạch mà người dân trong buôn không còn lo về bệnh tật, dịch bệnh do sử dụng nguồn nước không đảm bảo vệ sinh. “Ngày trước, chúng tôi sử dụng nguồn nước từ các hồ, giếng đào… Có những năm nắng nóng kéo dài khiến nguồn nước bị cạn gây thiếu nước, buộc phải khoan giếng, nhưng chi phí đầu tư cao quá nên nhà có nhà không. Vừa qua, được Nhà nước hỗ trợ công trình nước sạch, bà con rất phấn khởi” - Anh Y’Thanh tâm sự.

Trẻ em vui mừng có nguồn nước sạch về

Tương tự, tại xã Tân Tiến, huyện Krông Pắc, bà con cũng rất vui mừng vì công trình cấp nước sinh hoạt tập trung được đầu tư xây dựng từ Chương trình Mở rộng quy mô nước sạch và vệ sinh môi trường dựa trên kết quả với tổng kinh phí thực hiện gần 15 tỷ đồng. Công trình cấp nước cho 950 hộ dân thuộc 6 thôn, buôn trên địa bàn xã.

Theo người dân, những năm qua, nguồn nước sinh hoạt chủ yếu của bà con đều từ giếng đào, chỉ có số ít sử dụng giếng khoan. Vào mùa khô, rất nhiều giếng đào của người dân không đủ nước để dùng. Nhiều hộ phải đi lấy nước ở sông, suối về sinh hoạt, còn nước uống thì mua những bình nước lọc dung tích 20 lít để dùng. Do đó, khi công trình cấp nước được đầu tư và đưa vào sử dụng, bà con rất phấn khởi bởi mong ước có nguồn nước sạch để sử dụng bấy lâu nay đã trở thành sự thật.

Được biết, xã Tân Tiến hiện có trên 2.500 hộ dân, đa số đều sử dụng nguồn nước giếng đào, một số thì sử dụng nguồn nước ở các sông suối trên địa bàn. Dẫu biết nhu cầu sử dụng nước sạch của các hộ dân là rất thiết thực nhưng do địa phương không có công trình cấp nước sạch nên bao nhiêu năm nay họ vẫn phải sử dụng nguồn nước đó. Đến năm 2019, khi được Chương trình Mở rộng quy mô nước sạch và vệ sinh môi trường dựa trên kết quả đầu tư xây dựng công trình cấp nước, người dân ai cũng vui mừng. Đến nay, công trình đã đi vào vận hành và cung cấp nước cho người dân đã được gần 1 năm.

Nhanh chóng khắc phục công trình bị sự cố

Chương trình Mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn dựa vào kết quả được triển khai tại Đắk Lắk từ năm 2016. Giai đoạn 2016 - 2018, Hợp phần 1 (cấp nước nông thôn) trong đó Tiểu hợp phần 1 (cấp nước cho cộng đồng dân cư) đã kiểm đếm 4.551 đấu nối, đạt tỷ lệ 32,3% và Tiểu hợp phần 2 (cấp nước và vệ sinh trường học) đã có 13 số trường xây mới, cải tạo, đạt tỷ lệ 11,4%. Đối với Hợp phần 2 (vệ sinh nông thôn) đã thực hiện 1.098 nhà tiêu xây mới/cải tạo, đạt 25%; 17 trạm y tế xây mới, cải tạo, đạt 28, 3%; 5 xã đăng ký vệ sinh toàn xã, đạt 16,6%. Hợp phần 3 (Nâng cao năng lực, truyền thông, giám sát, theo dõi và đánh giá Chương trình) đã hoàn thành các hoạt động cốt lõi theo yêu cầu truyền thông thay đổi hành vi vệ sinh và tăng cường năng lực Chương trình.

Người dân phấn khởi đi lấy nước sạch về phục vụ sinh hoạt

Tại Đắk Lắk, ở Hợp phần 1 (cấp nước nông thôn), hiện đang thi công 4 tiểu dự án, dự kiến sẽ đấu nối cho 2.550 hộ; triển khai đầu tư xây mới, cải tạo 63 công trình cấp nước và vệ sinh cho các trường học. Đối với hợp phần vệ sinh nông thôn, tỉnh có 10 xã đăng ký đạt vệ sinh, 12 trạm y tế xây dựng mới, cải tạo công trình cấp nước và vệ sinh; 2.356 hộ được hỗ trợ xây nhà tiêu hợp vệ sinh. Về Hợp phần 3 (nâng cao năng lực truyền thông, giám sát, theo dõi và đánh giá Chương trình), tỉnh đã xây dựng các kế hoạch và tổ chức thực hiện về truyền thông thay đổi hành vi vệ sinh, tăng cường năng lực, truyền thông hợp phần cấp nước; kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả thực hiện Chương trình.

Ngoài những công trình đã và đang hoạt động ổn định thì vẫn còn một số công trình nước sạch bị hư hỏng và gián đoạn một thời gian khiến người dân bị ảnh hưởng rất lớn đến việc tiếp cận nước sạch. Cụ thể, Công trình cấp nước tập trung tự chảy Thăng Lễ được khởi công xây dựng với tổng kinh phí 580 triệu đồng, khai thác nguồn nước tự chảy từ núi Chư Yang Sin. Công trình có công suất thiết kế 20 m3/giờ, cung cấp nước cho 250 hộ dân trên địa bàn thôn 1, 2 và một số hộ thôn 3 (xã Hòa Lễ, huyện Krông Bông). Điều đáng nói, mặc dù nguồn nước không thiếu nhưng kể từ cuối năm 2006, công trình chỉ hoạt động cầm chừng, việc cung cấp nước trong tình trạng không ổn định.

Trước thực trạng đó, Ban Quản lý Hội Sử dụng nước đã đề xuất bàn giao công trình cho Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh quản lý, sửa chữa, nâng cấp. Công trình cấp nước sinh hoạt Thăng Lễ được hoàn thành và đưa vào sử dụng từ giữa năm 2019, đến nay đã cấp nước sạch cho 386 hộ (đạt 98%), “giải cơn khát” nước sinh hoạt hợp vệ sinh của người dân.

Để công trình cấp nước ở các địa phương hoạt động hiệu quả, bảo đảm nguồn nước sạch phục vụ nhân dân, Trung tâm Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh đã thành lập Ban Quản lý công trình để điều hành, kịp thời xử lý khi gặp sự cố.

Bài liên quan
  • Thanh Hóa: Cần sớm di dời các hộ dân vùng nguy cơ sạt lở cao
    (TN&MT) - Thời gian cao điểm của mùa mưa bão, hàng trăm hộ dân ở 2 huyện miền núi Quan Sơn và Quan Hóa (Thanh Hóa) đang nơm nớp lo sợ khi sống trong vùng có nguy cơ sạt lở cao. Người dân trông chờ từng ngày được di dời tới nơi an toàn để an tâm sinh sống.

(0) Bình luận
Nổi bật
Vietjet được đạtTop 50 doanh nghiệp phát triển bền vững tiêu biểu 2024
Giải thưởng Top 50 doanh nghiệp phát triển bền vững tiêu biểu 2024 vừa được công bố với các tên tuổi hàng đầu như FPT, Masan Group, Vinamilk, Vietjet...
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO