Cũng như nhiều hộ gia đình khác, gia đình ông KThanh (ở thị trấn Phước An, huyện Krông Pắc) sinh ra và lớn lên qua bao đời trên mảnh đất đầy nắng và gió này. Đời sống của gia đình ông KThanh đã thay đổi rất lớn trong khoảng 5 năm trở lại đây. Trao đổi với chúng tôi, ông KThanh không dấu được sự xúc động và tỏ lòng cảm ơn Đảng, Nhà nước đã tạo điều kiện để bản thân ông và gia đình có thể phát triển kinh tế ngày một ổn định hơn.
Hỗ trợ vật chất, kỹ thuật để chăn nuôi có hiệu quả |
Cũng theo ông KThanh, cách đây khoảng 10 năm, cuộc sống gia đình ông thiếu đủ bề, con cái đi học gặp nhiều khó khăn. Thế nhưng, với sự hỗ trợ về vốn vay ưu đãi cộng thêm một số chính sách hỗ trợ về con giống, vật nuôi, chuyển giao khoa học kỹ thuật nên gia đình đã có nguồn thu ổn định. “Nhờ sự hỗ trợ của Đảng và chính quyền mà gia đình tôi đã thoát được nghèo, vươn lên ổn định và giúp con cái có cái chữ để phát triển” - ông KThanh chia sẻ.
Theo báo cáo của UBND tỉnh Đắk Lắk, giai đoạn 2015 - 2020, trên cơ sở cân đối nguồn lực và dự báo tình hình trong thời gian tới, Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk lần thứ XVII (2020 - 2025) xác định mục tiêu tăng trưởng kinh tế bình quân của tỉnh giai đoạn tới đạt trên 7%/năm. Trong đó, nông, lâm, thủy sản tăng 4,33%/năm; công nghiệp - xây dựng tăng 11,65%/năm; dịch vụ tăng 7,16%/năm; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 9,45%/năm. Về cơ cấu kinh tế, đến năm 2025, nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 28,28%; công nghiệp - xây dựng chiếm 23,82%; dịch vụ chiếm 42,95% và thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 4,95%.
Ông Phạm Ngọc Nghị - Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk cho biết: Để đạt được mục tiêu trên, đặc biệt là trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, tỉnh Đắk Lắk xác định sẽ tập trung triển khai tốt các nhiệm vụ, giải pháp về “Chương trình hành động 5 năm 2020 - 2025” mà Chính phủ, Tỉnh ủy, HĐND tỉnh Đắk Lắk đã đề ra. Theo đó, Đắk Lắk sẽ phát triển nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, gắn với xây dựng nông thôn mới; ưu tiên phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp theo hướng hữu cơ kết hợp với du lịch, theo chuỗi giá trị, kết nối với công nghiệp chế biến và thị trường.
Đồng bào M’Nông đang thu hoạch cà phê |
Mới đây, tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đắk Lắk, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng đề nghị trong thời gian tới, tỉnh Đắk Lắk cần quan tâm, tập trung phát triển hơn nữa vùng DTTS; thực hiện chính sách dân tộc, giảm nghèo bền vững. Tỉnh Đắk Lắk cũng cần trở thành tỉnh đi đầu trong thực hiện Nghị quyết số 88 của Quốc hội về phê duyệt “Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030”; hoàn thành tốt công tác quy hoạch địa phương gắn với bảo tồn bản sắc văn hóa Tây Nguyên.
Chia sẻ về vấn đề này, Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk Bùi Văn Cường cho biết: Năm 2019, Quốc hội đã phê duyệt “Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030” và đây là một dấu mốc lịch sử trong công tác dân tộc, là sự kiện có ý nghĩa chính trị, xã hội và nhân văn sâu sắc, thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước đối với vùng đồng bào DTTS và miền núi.
Theo ông Bùi Văn Cường, để giúp cho người đồng bào có điều kiện phát triển tốt hơn nữa trong thời gian tới, tỉnh Đắk Lắk sẽ đề ra giải pháp phù hợp để nâng cao chất lượng giáo dục vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS; thực hiện tốt các chính sách dân tộc và triển khai có hiệu quả Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi; ưu tiên các nguồn vốn đầu tư, hỗ trợ cho vùng đồng bào DTTS, nhất là vùng đặc biệt khó khăn.
“Đặc biệt, tỉnh Đắk Lắk hướng tới hoàn thành mục tiêu vào năm 2025, đời sống vật chất, tinh thần của người dân đại phương đạt mức trung bình của cả nước; đến năm 2030, sẽ xây dựng tỉnh Đắk Lắk cơ bản trở thành trung tâm vùng, là tỉnh phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững của khu vực Tây Nguyên. Từ đó, kết nối nhiều hướng phát triển kinh tế để đời sống người dân tỉnh Đắk Lắk nói chung và người đồng bào DTTS nói riêng ngày một nâng cao” - ông Bùi Văn Cường cho hay.