Đắk Lắk: Có cầu mới, dân hết phải đu dây qua sông

14/09/2015 00:00

(TN&MT) - Sau hơn 10 năm "liều mình" đu dây qua sông Krông Ana bằng cáp treo tự chế, người dân xã Hoà Lễ (huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk) đã Nhà nước quan tâm,...

 

(TN&MT) - Sau hơn 10 năm “liều mình” đu dây qua sông Krông Ana bằng cáp treo tự chế, người dân xã Hoà Lễ (huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk) đã Nhà nước quan tâm, đầu tư xây dựng những cây cầu kiên cố, an toàn.

Trước đây, người dân xã Hoà Lễ phải “liều mình” đu dây vượt sông.
Trước đây, người dân xã Hoà Lễ phải “liều mình” đu dây vượt sông.

Cách đây hơn 1 năm, đi dọc bờ sông Krông Ana đoạn chảy qua địa bàn xã Hòa Lễ, chúng ta thường bắt gặp cảnh nhiều người dân mạo hiểm đu dây cáp vận chuyển hàng hóa qua sông. Những chiếc cáp treo ở đây được thiết kế khá đơn giản, chỉ gồm một sợi dây cáp treo qua những chiếc cọc tự chế (bằng gỗ hoặc sắt) đóng cố định ở 2 bờ sông. Muốn qua sông, người dân phải tự cột mình vào một sợi dây chắc chắn, móc vào ròng rọc tự chế rồi “vắt vẻo” đu theo dây cáp.

Theo ông Võ Châu Thắng - cán bộ phụ trách giao thông thủy lợi của UBND xã Hòa Lễ, hiện người dân trong xã đang canh tác trên khoảng 300ha đất dọc theo 18km bờ sông Krông Ana qua địa phận xã Cư Kty (huyện Krông Bông) và 2 xã Ea Yiêng, Vụ Bổn (huyện Krông Pắk). Trước đây, người dân thường bắc những cây cầu khỉ đi lại và vận chuyển hàng hóa qua sông nhưng cứ có lũ lớn là những cây cầu này bị cuốn trôi hết. Do đi bằng thuyền, bè rất nguy hiểm trong mùa nước lớn nên hơn 10 năm trước, nhiều người dân trong xã đã “phát minh” ra cáp treo để đu người, vận chuyển hàng hoá qua sông.

Có cầu mới kiên cố, người dân ở xã Hoà Lễ hết cảnh phải đu dây qua sông.
Có cầu mới kiên cố, người dân ở xã Hoà Lễ hết cảnh phải đu dây qua sông.

Thế nhưng, quãng sông Krông Ana rất rộng (trung bình khoảng 50m), dòng nước vào mùa mưa luôn chảy xiết, là mối hiểm nguy đe dọa tính mạng đối với những người đu dây qua sông. Vào tháng 7/2014, trong lúc đu dây qua sông Krông Ana, bà Nguyễn Thị Thọ (ở thôn 6, xã Hoà Lễ) đã bị rơi xuống sông, phải đưa đến bệnh viện cấp cứu. Đến tháng 10/2014, ông Nguyễn Chua (chồng bà Thọ) đã bị ngã từ cáp treo xuống sông và tử vong. Theo người dân địa phương, đây là những vụ tai nạn thường xuyên xảy ra khi đu dây qua sông đến rẫy sản xuất. Mặc dù biết nguy hiểm nhưng vì miếng cơm manh áo, họ vẫn phải “liều mình” vượt sông.

Tại tỉnh Đắk Lắk, ở một số huyện vùng sâu như Krông Bông, Buôn Đôn… vẫn còn tình trạng người dân phải đu đây qua sông hàng ngày để đến nơi học tập, sản xuất vì không có cầu. Sau khi nắm được thông tin, Bộ GTVT đã triển khai xây dựng 9 cầu dân sinh trong năm 2015 tại các huyện này. Riêng tại xã Hoà Lễ, cây cầu kiên cố dưới dạng dây võng một nhịp bắc qua thôn 6 dài 60m, bề rộng mặt cắt ngang 2m, với vốn đầu tư 7 tỷ đồng từ nguồn vốn của Bộ GTVT bắt đầu khởi công từ tháng 6/2015 và hiện đã hoàn thành các hạng mục. Khi đưa vào sử dụng, cây cầu này sẽ nối liền các thôn 6, 7, 8, 9 (xã Hòa Lễ) với xã Ea Yiêng (huyện Krông Pắk) và phục vụ hàng trăm lượt người qua lại mỗi ngày.

Chở bao bắp mới thu hoạch bằng xe máy qua cây cầu mới, anh Trương Công Lý (thôn 6, xã Hòa Lễ) không giấu được niềm vui: “Gia đình tôi có 1,2ha rẫy cà phê và bắp bên xã Ea Yiêng nên trước đây mỗi ngày phải đu dây qua sông cả chục lần. Nhiều hôm đi làm về muộn, trời tối om nhưng vẫn phải liều mình leo lên dây cáp, đu qua sông để về nhà. Nhưng bây giờ đã có cầu kiên cố, chúng tôi có thể đi xe máy qua sông để đi làm, vận chuyển nông sản… an toàn và nhanh chóng hơn. Chúng tôi rất biết ơn Đảng và Nhà nước đã quan tâm, đầu tư “cây cầu mơ ước” cho người dân chúng tôi”.

Theo ông Nguyễn Minh Sơn - Phó Chủ tịch UBND xã Hoà Lễ, ngoài cây cầu ở thôn 6, xã còn được đầu tư 1 cây cầu khác ở thôn 2 (2 cầu cách nhau khoảng 5km). “Sau khi Nhà nước có chủ trương và chính quyền địa phương vận động, toàn bộ người dân trong xã đã tự động tháo bỏ hoàn toàn hệ thống dây cáp nối đôi bờ, chấm dứt tình trạng đu dây qua sông. Khi đưa vào sử dụng, 2 cây cầu sẽ đảm bảo an toàn cho những người qua sông trong mùa mưa lũ, đồng thời cũng tạo “động lực” cho sự phát triển kinh tế địa phương” - ông Sơn phấn khởi nói.

Lê Phước

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đắk Lắk: Có cầu mới, dân hết phải đu dây qua sông
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO