Đắk Lắk: Chuyển biến tích cực về quản lý đất đai ở 3 cấp

Phạm Hoài | 11/10/2021 14:45

(TN&MT) - Sau gần 10 năm thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI, nhìn chung công tác quản lý Nhà nước về đất đai trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đã có những chuyển biến tích cực. Hệ thống quản lý Nhà nước về đất đai được tăng cường ở cả 3 cấp (tỉnh, huyện, xã), việc phân cấp quản lý theo hướng phân cấp nhiều hơn cho các địa phương đã được cụ thể hóa về thẩm quyền theo quy định của Luật Đất đai.

Tốc độ đô thị hoá của TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk trong những năm qua phát triển rất nhanh

Theo đại diện lãnh đạo UBND tỉnh Đắk Lắk, tính đến thời điểm này, công tác quản lý Nhà nước về đất đai trên địa bàn tỉnh đã có những bước chuyển mình hết sức khởi sắc; công tác lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, đo đạc và lập bản đồ địa chính, đăng ký, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đạt được những kết quả đáng khích lệ; các văn bản pháp luật, chính sách về đất đai và thị trường bất động sản (BĐS) từng bước chặt chẽ, phù hợp thực tiễn. Hệ thống tổ chức bộ máy, cán bộ làm công tác quản lý Nhà nước về đất đai ngày càng được kiện toàn, trình độ chuyên môn từng bước được nâng cao.

Các văn bản pháp luật, chính sách về đất đai và thị trường BĐS được ban hành, đã từng bước xây dựng hình thành và quản lý được thị trường BĐS, trong đó có quyền sử dụng đất (QSDĐ). Cơ chế xây dựng và quản lý giá trị QSDĐ, giá trị BĐS gắn liền với đất được ban hành đã tạo hành lang pháp lý, môi trường kinh tế cho việc khai thác, phát huy hiệu quả sử dụng quỹ đất trong mọi lĩnh vực liên quan đến đất đai. QSDĐ đã trở thành một nguồn lực quan trọng để huy động các nguồn vốn trong xã hội để phát triển sản xuất, kinh doanh. Các nguồn thu về đất đai đã trở thành một nguồn thu quan trọng trong thu ngân sách của tỉnh.

Riêng đối với việc tổng kết thi hành Luật Đất đai năm 2013 trên địa bàn tỉnh, Đắk Lắk tiến hành đảm bảo đầy đủ nội dung, khách quan và toàn diện. Theo đó, tỉnh Đắk Lắk đã đánh giá được kết quả thực hiện công tác quản lý đất đai tại địa phương; đánh giá sự chồng chéo, mẫu thuẫn giữa quy định trong Luật Đất đai năm 2013 với luật chuyên ngành có liên quan; những hạn chế, bất cập trong các quy định của Luật Đất đai…

Nhiều dự án bất động sản trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đang được triển khai thực hiện

Liên quan đến nội dung này, ngày 13/7/2021, tại buổi họp tổng kết tình hình thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW, ông Nguyễn Đình Trung - Bí thư Tỉnh uỷ Đắk Lắk cho rằng, bên cạnh những kết quả đạt được trong thời gian qua thì trên thực tế vẫn còn bộc lộ một số tồn tại, hạn chế, trong đó đáng chú ý là công tác lập quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2011-2020, chưa đánh giá hết lợi thế, tiềm năng đất đai của tỉnh; công tác quản lý đất đai ở cơ sở còn lỏng lẻo; việc thực hiện thủ tục thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư còn thiếu linh hoạt; phần lớn diện tích đất các nông, lâm trường bàn giao về địa phương quản lý đã bị lấn chiếm.

Ngoài ra, hệ thống pháp luật về đất đai trong quá trình triển khai chỉnh sửa, bổ sung một số chỗ chưa đồng bộ, dẫn đến khó khăn khi thực thi. "Là tỉnh có nguồn thu ngân sách hằng năm thấp nên kinh phí đầu tư cho công tác quản lý đất đai, nhất là việc đo đạc, lập bản đồ địa chính, xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai của Đắk Lắk gặp khó khăn, chưa đáp ứng được yêu cầu của công tác quản lý” - Bí thư Tỉnh uỷ Đắk Lắk, ông Nguyễn Đình Trung nói thêm. 

Để khắc phục những khó khăn hạn chế đang gặp phải trong quá trình thực thi Luật Đất đai, đại diện lãnh đạo UBND tỉnh Đắk Lắk cho biết, thời gian tới, tỉnh sẽ đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm cho cán bộ, đảng viên, doanh nghiệp và người dân trong việc sử dụng đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất. Còn về lâu dài. tỉnh Đắk Lắk mong muốn các Bộ, ban, ngành Trung ương sẽ có những chính sách, giải pháp đột phá nhằm giải quyết những tồn tại, hạn chế, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về đất đai của địa phương. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đắk Lắk: Chuyển biến tích cực về quản lý đất đai ở 3 cấp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO