Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Đỉnh cao của giá trị Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh  

 Mai Thắng| 25/08/2021 09:15

(TN&MT) - Thế kỷ XX, đồng hành với cuộc chiến tranh vệ quốc của dân tộc Việt Nam là công lao to lớn của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ông không chỉ là đỉnh cao của một vị tướng kiệt xuất về thao tài quân sự; mà còn là một hiền nhân sống giữa lòng dân. Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã thành giá trị Việt Nam bất diệt sống mãi trong lòng nhân dân và thời đại.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng các đồng chí lãnh đạo chỉ huy chiến dịch.  Ảnh tác giả chụp lại ảnh TL

Hội tụ “4 đặc trưng” của thiên tài quân sự

Có thể nói rằng, trong cuộc đấu tranh vệ quốc của dân tộc Việt Nam ở thế kỷ XX, Tướng Giáp là người “độc nhất vô nhị” có tư tưởng quân sự lỗi lạc độc đáo. Lịch sử chiến tranh nhân dân Việt Nam tổng kết rằng, ở Đại tướng Võ Nguyên Giáp toả ra nhiều giá trị của một nhà quân sự thiên tài, là biểu hiện cao đẹp nhất của con người thời đại Hồ Chí Minh một cách toàn diện “võ, văn song toàn”. Đỉnh cao của “võ văn song toàn” ấy là “dĩ công vi thượng”, tức là chiến đấu, hi sinh vì nhân dân, vì Tổ quốc. Bởi vậy, ông được nhân dân Việt Nam gọi với cái tên trìu mến thân thương: Đại tướng nhân dân.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Ảnh: Tư liệu 

Giá trị thiên tài quân sự của Tướng Giáp phải kể đến 4 đặc trưng cơ bản:  “đánh chắc, tiến chắc”, “chớp thời cơ”, “tin, dựa vào quần chúng”, “nhân văn, nhân đạo”.

Đặc trưng thứ nhất được thể hiện trong kháng chiến chống Thực dân Pháp ở Hà Nội cuối năm 1946 và Việt Bắc Thu Đông năm 1947, là sử dụng “binh pháp” “đánh nhanh thắng nhanh” khiến kẻ thù không kịp trở tay. Trong chiến dịch Biên Giới năm 1950, Đại tướng sử dụng cách “đánh điểm diệt viện” buộc tướng Na-va phải “xé lẻ lực lượng” để đối phó với quân ta. Đây là kế “làm quân địch hoảng loạn”, “chặt đầu chốt đuôi”, “tướng mất, quân rời” khiến địch xung yếu và bị tiêu diệt.

Đặc biệt trong chiến dịch Điện Biên Phủ 1954, để tránh đổ xương máu của bộ đội một cách uổng phí, Đại tướng  đã “hoãn” dùng chiến thuật “đánh nhanh, thắng nhanh”, sang “đánh chắc, thắng chắc”. Đánh đến đâu, chắc thắng đến đó, giữ vững trận địa, củng cố chiến hào, làm “bàn đạp” cho các lực lương khác tiến lên tiêu diệt địch. Chính vì “chuyển kế cách đánh” mà đã hạn chế đến mức thấp nhất đổ máu, hi sinh của bộ đội. Sau này, tổng kết trận đánh Điện Biên Phủ mới thấy rằng, kế sách đánh địch “đánh chắc tiến chắc” của Đại tướng Võ Nguyên Giáp là tiên quyết, khoa học, tài tình.

 Đặc trưng thứ hai của Đại tướng được thể hiện trong chiến thắng mùa Xuân 1975. Đó là sau khi điểm đúng “tử huyệt Buôn Ma Thuột”, quân đội Ngụy hoảng loạn và nhanh chóng tan rã. Phán đoán địch sẽ rút khỏi Tây Nguyên, Đại tướng đã kịp thời nắm bắt thời cơ chiến lược quyết định giải phóng miền Nam trong năm 1975. Cùng với đó là mở các chiến dịch Huế - Đà Nẵng, chỉ đạo giải phóng quần đảo Trường Sa, ra mệnh lệnh: “Thần tốc, thần tốc, thần tốc hơn nữa. Táo bạo, táo bạo, táo bạo hơn nữa” cho toàn quân tiến lên, cùng với 4 cánh quân khác tiến về Sài Gòn giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

Đặc trưng thứ ba của Đại tướng trong suốt quá trình cầm quân đánh giặc là “Lấy sức mạnh của quần chúng, dựa vào quần chúng” để tiêu diệt giặc. Đại tướng cho rằng, “lấy khoan thư sức dân làm kế gốc rễ lâu bền”. Tức là bất kỳ cuộc chiến tranh nào nổ ra trong phạm vi của một dân tộc, phải lấy dân làm gốc. Nền chiến tranh nhân dân là nền chiến tranh dựa vào dân, chiến đấu vì dân. Chính tư tưởng kiệt xuất này mà Đại tướng đã tham mưu cho Đảng, Nhà nước ta chiến thuật kháng chiến “cả nước đánh giặc, toàn dân đánh giặc”, “lấy ít địch nhiều, lấy yếu thắng mạnh”. Nhờ vào quần chúng, nhân sức mạnh từ quần chúng nhân dân, mà những trận chiến đấu đã giành được thắng lợi vẻ vang chưa từng có như Đường 9-Nam Lào, Xuân- Hè 1972, Hà Nội- Điện Biên Phủ trên không, Đại thắng mùa Xuân năm 1975...

Đặc trưng thứ tư của Đại tướng là “đậm chất nhân văn, nhân đạo hoà bình”. Dẫu là “tướng” cầm quân của một đội quân, nhưng Đại tướng chưa bao giờ có tư tưởng “thắng bằng mọi giá”, mà là quyết chiến, quyết thắng trên cơ sở hạn chế thấp nhất sự hy sinh, mất mát của bộ đội.  Ông quý từng giọt máu của người chiến sĩ khi xung trận. Khi xây dựng một kế hoạch tác chiến, trước mỗi trận đánh, ông đau đáu làm sao để giảm tổn thất nhất cho bộ đội. Trong các trận đánh, ông cũng không có tư tưởng “tiêu diệt sạch sành sanh”. Đó chính là tư tưởng quân sự mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc trong con người Đại tướng. Là người chỉ huy nhưng ông còn như một người cha, người anh luôn luôn gần gũi với bộ đội, với mọi người.

Bộ đội Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu cấp miễn phí lương thực, thực phẩm đến bà con vùng dịch Long Hải Bà Rịa- Vũng Tàu, ảnh Mai Thắng

 Ngời sáng mãi “trái tim Việt Nam”

Tối 22-8-2021, Đài Truyền hình Việt Nam phát sóng chương trình “Trái tim Việt Nam” nhân kỷ niệm 110 ngày sinh Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Do đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nên thay vì một chương trình hoành tráng, đông người tham dự, là một kết nối online với những trái tim trên mọi miền Tổ quốc.

Toàn bộ chương trình là những câu chuyện kể trọn vẹn thành kính về Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua những dấu mốc lịch sử quan trọng trong cuộc đời cầm quân và cả đến lúc ông đi vào cõi vĩnh hằng. Một thầy giáo lịch sử với với tình yêu nước thủy chung và sắt son, một vị tướng với sự nghiệp giải phóng dân tộc chấn động thế giới, một con người với nếp sống giản dị, chừng mực, chất nhân văn xuyên suốt một thế kỷ chiến tranh và hòa bình. Cái tên “Võ Nguyên Giáp” đã vượt qua giới hạn thời gian, ở lại mãi trong trái tim Việt Nam. Và tên Đại tướng Võ Nguyên Giáp sẽ mãi vững bền cùng mỗi bước đi của dân tộc.

Là người am tường, nghiên cứu về thao tài quân sự của Đại tướng, cựu binh Trung tá Hải quân Nguyễn Viết Chức xúc động chia sẻ qua mạng zalo: “Chương trình “trái tim Việt Nam” đã thêm một lần kết nối triệu triệu trái tim các tầng lớp nhân dân trêm mọi miền Tổ quốc hiểu về sự nghiệp chiến tranh vệ quốc và giá trị cuộc sống thời bình mà dân tộc Việt Nam đã trải qua. Dù thời gian có dài bao nhiêu, thế hệ người Việt vẫn đời đời nhớ ơn Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ông đã tạc vào lòng dân tộc một trái tim bất tử về lòng yêu nước. Ông sống mãi trong lòng dân tộc về sự hàm ơn. Và điều đó mãi mãi ở mọi thời đại”.

Các chiến sĩ Quân khu 7 chốt trực trên một đoạn đường chống covid tại TP Hồ Chí Minh, ảnh Phan Duyên

Quyết tâm chiến thắng giặc Covid-19

 Kỷ niệm 110 năm ngày sinh Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng là thời gian cả dân tộc Việt Nam đang căng mình chống “giặc” Covid-19 – loại giặc nguy hiểm chẳng khác gì giặc “hữu hình” trên chiến trận thế kỷ XX.

Ngày 22-8-2021, hàng ngàn chiến sĩ Quân đội Nhân dân Việt Nam hành quân từ miền Bắc vào miền Nam ruột thịt cùng bà con chống dịch. Cuộc hành quân giữa thời bình lặng im tiếng súng không tránh khỏi những giọt nước mắt chia xa, những cái ôm siết chặt, và cả những ánh mắt đỏ hoe ngậm ngùi qua lớp kính chắn giọt bắn giữa người đi và người ở lại. Tất cả vì miền Nam ruột thịt, tất cả vì sự bình yên của Tổ quốc, hàng ngàn sĩ quan  cấp tá, cấp uý; hàng triệu chiến sĩ binh nhất binh nhì đang thầm lặng hi sinh tuổi thanh xuân của mình để chặn dịch bệnh, đem lại cuộc sống bình yên cho nhân dân thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa- Vũng Tàu, Long An...

Chia tay lên đường vào miền Nam ruột thịt giúp nhân dân chống covid-19, ảnh Ngọc Thăng

 Năm xưa dưới sự cầm quân của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, các anh ra chiến trường với vũ khí, gươm, dao; hôm nay các anh vào thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam chiến đấu “giặc vô hình” với tình yêu nước và thương dân hơn chính bản thân mình.

Kế thừa chiến thuật “đánh nhanh thắng nhanh”, “đánh chắc giữ vững”, nhất địch toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta sẽ chiến thắng đại dịch Covid-19, Việt Nam sẽ sẽ trở lại cuộc sống yên bình. Và những người lính mang trong tim danh hiệu cao quí “bộ đội Cụ Hồ”, “lính của Tướng Giáp” sẽ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trở về.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Đỉnh cao của giá trị Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh  
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO