"Đại nạn" cá chết ở miền Trung: Nguy cơ ô nhiễm nguồn nước

26/04/2016 00:00

(TN&MT) - Những ngày qua, người dân ở các xã ven biển dọc dải miền Trung điêu đứng, không những thiệt hại về kinh tế do hiện tượng cá nuôi và cá tự nhiên chết hàng loạt, mà ảnh hưởng nghiêm trọng về mức độ ô nhiễm nguồn nước.

Những ngày qua, hiện tượng cá chết hàng loạt ở miền Trung, đã ảnh hưởng nghiêm trọng về mức độ ô nhiễm nguồn nước
Những ngày qua, hiện tượng cá chết hàng loạt ở miền Trung, đã ảnh hưởng nghiêm trọng về mức độ ô nhiễm nguồn nước

Tại tỉnh Quảng Trị, theo con số thống kê chưa đầy đủ của Chi Cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh Quảng Trị, sau gần một tuần, số lượng cá bị chết trôi dạt vào bờ biển được người dân thu gom lại lên tới khoảng 30 tấn. Một số ngư dân vùng biển Quảng Trị cho biết, hơn 1 tuần qua, từ khu vực xã Vĩnh Thái đến xã Vĩnh Thạch, thị trấn Cửa Tùng (huyện Vĩnh Linh) và xã Trung Giang, thị trấn Cửa Việt (huyện Gio Linh), họ phát hiện cá chết hàng loạt, mỗi ngày ngư dân vớt hàng tấn cá các loại, chủ yếu là loại cá đáy vùng rạn như: cá hồng, mú, cá hanh, cá chình, cá đuối và mực nang.

Tại tỉnh Thừa Thiên Huế, khi đi dọc bãi biển Lộc Vĩnh, đoạn từ bãi tắm Bình An kéo dài xuống tận cảng Chân Mây, không khó để thấy cảnh cá chết tấp dày đặt vào các mép bờ. Chứng kiến cảnh người dân ra biển để lượm cá chết, trôi lềnh bềnh, nhiều người không khỏi xót xa. Các loài cá biển chết trôi vào bờ chủ yếu là cá đuối, cá ong căn, cá nhói xanh, cá đục, cá bò, cá móm, cá lạc, cá chình biển… Theo nhiều người dân trong vùng, hiện tượng cá chết trắng trôi dạt vào bờ chỉ xảy ra cách đây chưa lâu, nhiều nhất vào thời điểm ban đêm khi thủy triều lên.

Tại tỉnh Quảng Nam, trên địa bàn huyện Núi Thành, nhiều người dân sống gần biển cho hay, các loại hải sản gần bờ như nghêu, sò… đã chết trong thời gian qua, khiến nguồn hải sản khan hiếm. Theo họ, có thể  do nghêu lớn chết nhiều trong thời gian qua nên không có nguồn sinh sản, cũng có thể thể loài này tuyệt diệt bởi nguồn nước ngày càng ô nhiễm hơn. “Rất nhiều lần bắt gặp hiện tượng nổi váng trên mặt nước ở khu vực cửa Lở. Khi vớt lên thì có hiện tượng chất nhày như keo mỏng, dính vào tay, bốc lên mùi hôi như dầu mỡ” - một người dân ở xã Tam Hải (Núi Thành, Quảng Nam) cho hay.

Xác cá chết trước đó đã phân hủy trong nhiều ngày, nên khiến dòng nước tại các bãi biển ở địa bàn có ảnh hưởng
Xác cá chết trước đó đã phân hủy trong nhiều ngày, nên khiến dòng nước tại các bãi biển ở địa bàn có ảnh hưởng

Là người có nhiều năm nuôi hàu, nghêu ở khu vực Cửa Lở, ông Bùi Ngọc Hoành (thôn Xuân Mỹ, xã Tam Hải) cho hay, các loài nhuyễn thể chết hàng loạt trong thời gian qua khiến cho việc sản xuất thua lỗ. “Gần đây, mỗi khi xuống vớt hàu thấy nguồn nước nóng và đục hơn, nhiều chỗ loang các vệt đen đục kéo dài hàng chục mét. Nguồn nước ngày càng biến đổi mà mình là nông dân, không phân tích được gì để có thể cứu chữa cho hàu, nghêu. Mong các ngành chức năng vào cuộc, tìm hiểu để giúp các hộ nuôi hàu, nghêu, tu hài trở lại sản xuất, để ổn định sinh kế” - ông Hoành nói.

Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Quang Vinh Bình, Chi cục trưởng Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, xác cá chết trước đó đã phân hủy trong nhiều ngày, nên khiến dòng nước tại các bãi biển ở địa bàn có ảnh hưởng. Theo ông Bình, trước khi cá chết xảy ra hàng loạt ở miền Trung, cá nuôi ở Lăng Cô cũng đã chết và hệ lụy của nó không dừng lại ở thiệt hại về kinh tế, mà nguồn nước tại đây cũng bị ô nhiễm nặng.

Ban Quản lý Khu kinh tế mở Chu Lai (Quảng Nam) cũng thừa nhận có tình trạng ô nhiễm nguồn nước tại khu vực hạ lưu sông Trường Giang đoạn qua địa bàn các xã Tam Hải, Tam Quang, Tam Giang trước khi tiếp xúc với biển. Bởi khu vực này có 3 khu công nghiệp nhưng mới chỉ có Khu công nghiệp Bắc Chu Lai đưa hệ thống xử lý nước thải vào hoạt động. Qua phân tích, nguồn nước mặt tiếp nhận nước thải của 2 khu công nghiệp khác chưa được đầu tư hệ thống xử lý chất thải bị ô nhiễm dầu mỡ và chất rắn lơ lửng ở cả hai mùa khô và mưa. Vào mùa khô, nguồn tiếp nhận nước thải từ Khu hậu cần cảng Tam Hiệp (gọi tắt là Khu Tam Hiệp) còn có dấu hiệu nhiễm mặn. Trong khi đó, tại nguồn tiếp nhận nước thải của Khu công nghiệp cơ khí ô tô Trường Hải (gọi tắt là Khu Trường Hải) còn xuất hiện thêm dấu hiệu ô nhiễm chất hữu cơ.

Người dân lo lắng về
Người dân lo lắng về "đại nạn" cá chết ở miền Trung sẽ gây ô nhiễm nguồn nước

Trao đổi với chúng tôi, bà Phạm Thị Hoàng Tâm - Chi cục trưởng Chi cục Nuôi trồng thủy sản Quảng Nam cho biết, các loài hải sản như nghêu, hàu, tu hài, tôm thẻ chân trắng được nuôi ở khu vực ven biển chết nhiều trong thời gian qua là do biến động của môi trường nước. Biến động này chủ yếu bị gây nên bởi 2 yếu tố: ô nhiễm do xả thải chưa qua xử lý và biến đổi của thời tiết, khí hậu. Bà Tâm cho biết thêm, nguồn nước ở các khu vực nuôi thủy sản có nhiệt độ cao hơn so với trước đây, độ mặn cũng lớn hơn. Khi các yếu tố này thay đổi thì các loài hải sản rất dễ chết đi do không thích nghi kịp với ngưỡng đã thay đổi. Còn các váng đen, vàng đục nổi lềnh bềnh, loang lổ, trôi trên nước rất có thể là dầu mỡ bị thải ra môi trường bên ngoài mà chưa qua xử lý.

Bài & ảnh: Xuân Lam

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
"Đại nạn" cá chết ở miền Trung: Nguy cơ ô nhiễm nguồn nước
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO