Quang cảnh Đại lễ tại Việt Nam Quốc Tự |
Đại lễ kỳ siêu tổ chức không giới hạn, hướng đến tất cả những người đã qua đời vì đại dịch Covid-19. Trong tình hình dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp, Đại lễ được tổ chức theo hình thức trực tuyến. Đông đảo Tăng Ni, Phật tử, thân nhân các nạn nhân, đồng bào các giới tùy duyên cùng tham gia cầu nguyện.
Chương trình Đại lễ được cử hành theo 2 phần: Nghi thức đại chúng và Nghi lễ tâm linh truyền thống. Địa điểm cử hành trung tâm tại Việt Nam Quốc Tự - quận 10, TP.HCM, truyền thông rộng rãi trên nền tảng Zoom qua Cổng thông tin điện tử Phật giáo TP.HCM (pgtphcm.vn) và Giác Ngộ Online (giacngo.vn), Giác Ngộ TV trên YouTube, Fanpage Báo Giác Ngộ để đông đảo mọi người tùy duyên tham gia cầu nguyện.
Đại lễ bao gồm hai phần: Nghi lễ đại chúng và nghi lễ truyền thống tâm linh, nhờ năng lực cầu nguyện của đại Tăng cầu nguyện chư hương linh siêu thoát về cõi lành, đồng nguyện quốc thới dân an, dịch bệnh tiêu trừ.
Quang lâm chứng minh, tham dự Đại lễ kỳ siêu có sự hiện diện của Trưởng lão Hòa thượng Thích Trí Quảng, Đệ nhất Phó Pháp chủ, Trưởng ban Trị sự GHPGVN TP.HCM, Trưởng lão Hòa thượng Thích Đức Nghiệp, Phó Pháp chủ Hội đồng Chứng minh; chư vị giáo phẩm Ủy viên Thường trực Hội đồng Chứng minh: Hòa thượng Thích Như Niệm, Hòa thượng Thích Giác Tường; Hòa thượng Thích Tịnh Hạnh, Hòa thượng Như Tín, Hòa Thượng Giác Hà, đồng Thành viên Hội đồng Chứng minh.
Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch Hội đồng Trị sự; chư Hòa thượng Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự: Hòa thượng Thích Thiện Tánh, Hòa thượng Thích Thiện Tâm; Hòa thượng Thích Giác Toàn, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự, Viện trưởng Viên Nghiên cứu Phật học Việt Nam, chư tôn đức Hội đồng Trị sự, Ban, Viện Trung ương; chư tôn đức Ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN TP.HCM, 21 Ban Trị sự quận huyện, TP.Thủ Đức và Phật tử về tham gia cầu nguyện.
Đại diện các cơ quan Trung ương, TP.HCM có ông Trà Quang Thanh, Vụ trưởng Vụ Công tác Tôn giáo phía Nam - Ban Tôn giáo Chính phủ; bà Tô Thị Bích Châu, Chủ tịch Ủy ban MTTQVN TP.HCM; ông Nguyễn Văn Lưu, Phó Trưởng ban Dân vận Thành ủy; bà Trần Hải Yến, Phó Trưởng ban Ban Văn hóa - Xã hội Hội đồng Nhân dân, cùng đại diện sở, ban, đoàn thể Thành phố, quận 10, phường 12 sở tại.
Mở đầu Đại lễ kỳ siêu, chư tôn đức giáo phẩm và toàn thể hội chúng đã thực hiện Nghi thức niệm Phật đại chúng cầu gia hộ, nhập từ bi quán hướng tâm lành cầu nguyện chư hương linh được siêu sanh cảnh Tịnh, hướng niệm tình thương đến muôn người, cầu nguyện bình an.
Trong không khí trang nghiêm của buổi lễ, chư tôn giáo phẩm Hội đồng Chứng minh, Hội đồng Trị sự, Ban Trị sự GHPGVN TP.HCM đã niêm hương, chư Tăng cầu nguyện nạn nhân tử vong trong đại dịch bệnh Covid-19 qua khỏi ải khổ đau, siêu về cõi Tịnh, nguyện quốc thới dân an, dịch bệnh sớm tiêu trừ, người người lạc nghiệp an cư.
Chư tôn đức giáo phẩm niêm hương tưởng niệm trong Đại lễ kỳ siêu đồng bào tử vong trong đại dịch Covid-19 tại Việt Nam Quốc Tự |
Tiếp đó, phần Nghi thức tâm linh theo truyền thống Phật giáo được cử hành bởi Hòa thượng Thích Lệ Trang, Phó Trưởng ban Trị sự kiêm Trưởng ban Nghi lễ GHPGVN TP.HCM, cùng chư tôn đức kinh sư trong Ban Nghi lễ Phật giáo TP.HCM.
Chư tôn đức Tăng, Ni cùng Phật tử đã cùng tụng thời kinh A Di Đà, nguyện cầu cho các hương linh tử vong trong đại dịch Covid-19 nương nhờ Phật lực để chuyển hóa nỗi đau, siêu sanh cõi Tịnh; Chư tôn đức Ban Nghi lễ thực hiện nghi thức triệu thỉnh chư hương linh, phổ thí pháp thực; nhờ sức thiêng gia trì của chư Tăng để người mất được no đủ. Đồng thời, nhờ lời kinh tiếng kệ, an ủi nỗi đau mất mát cho người ở lại.
“Chúng ta cầu siêu, nhưng lấy gì để giúp cho thân nhân được siêu độ? Đó chính là năng lượng do sự tập trung vào một cảnh, giữ tâm thanh tịnh, nghĩ thân nhân của mình đang cùng chúng ta nghe kinh, lạy Phật, niệm Phật. Với lòng hiếu kính, tình thương của mọi người sẽ cảm ứng với thức thân của người mất, vì ngay lúc đó người thân làm gì thì người mất cũng nhìn đó mà làm theo” - Hòa thượng Thích Lệ Trang.
Ở tư gia của mình, thân nhân người mất đã sửa soạn hoa quả dâng cúng lên bàn thờ Phật, bàn thờ gia tiên hay người thân đã qua đời, tùy duyên các pháp môn mà mình thường thực tập để hành trì, niệm Phật, tụng chú, thiền tọa… cảm ứng với thức thân của người mất và chuyển ý thân này tới Phật. Với người chưa từng có kinh nghiệm thực hành một pháp môn nào, trang nghiêm bàn thờ bằng hoa quả, phẩm vật thanh tịnh, tùy hỷ và duyên theo lời kinh, nghi lễ mà chư Tăng đã cử hành, tập trung nghĩ đến thân nhân đã mất, hoặc niệm danh hiệu Đức Phật Di Đà (Nam-mô A Di Đà Phật).
Sự mất mát do đại dịch là quá lớn, cho người qua đời cũng như thân nhân còn lại. Do đó, hoạt động kỳ siêu sẽ được tiếp tục bằng nhiều hình thức khi nhân duyên hội đủ. Đặc biệt, tối ngày 19/11 (nhằm ngày rằm tháng 10 Tân Sửu), thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng tại Công văn số 2276/CV-VPTW của Văn phòng Trung ương Đảng, Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam sẽ phối hợp với Thành ủy TP.HCM tổ chức Lễ Tưởng niệm đồng bào tử vong và cán bộ, chiến sĩ hy sinh trong đại dịch Covid-19 trên quy mô toàn quốc. Trung ương GHPGVN, GHPGVN TP.HCM, các tự viện cùng nhiều địa phương, đồng bào trong và ngoài nước tùy duyên cử hành nghi lễ truyền thống trong mục đích hồi hướng mong ước sự an lành, lợi lạc cho người đã mất cũng như người ở lại; niệm cầu quốc thới dân an, dịch bệnh sớm tiêu trừ, người người lạc nghiệp an cư.
Tối ngày 19/11 (nhằm ngày rằm tháng 10 Tân Sửu), Lễ Tưởng niệm đồng bào tử vong và cán bộ, chiến sĩ hy sinh trong đại dịch Covid-19 sẽ được Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Thành ủy TP.HCM tổ chức trên quy mô toàn quốc, GHPGVN các cấp, các tự viện, cùng nhiều địa phương, đồng bào trong và ngoài nước tùy duyên cử hành nghi lễ |