Đài KTTV khu vực Trung bộ: Từng bước nâng cao năng lực dự báo

Tuyết Chinh| 20/03/2020 17:21

(TN&MT) - Để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác dự báo, Đài Khí tượng thủy văn (KTTV) khu vực Trung Trung Bộ chú trọng nghiên cứu, xây dựng công nghệ dự báo từ phạm vi hẹp, quy mô nhỏ đến phạm vi lớn, từ đơn giản đến phức tạp…

Bão, lũ thường xuyên uy hiếp

Với dải bờ biển dài hơn 500km, khu vực Trung Trung Bộ thường xuyên có bão đổ bộ hoặc ảnh hưởng trực tiếp, đặc biệt là vào thời gian từ tháng 9 đến tháng 12. Bão, lũ là hai hiện tượng thiên tai nguy hiểm nhất, thường xuyên uy hiếp đến các địa phương trong khu vực này.

Hàng năm, khu vực Trung Trung Bộ chịu ảnh hưởng trực tiếp của 2-3 xoáy thuận nhiệt đới, đặc biệt trong những năm gần đây đã xuất hiện các cơn bão mạnh, siêu bão ảnh hưởng trực tiếp đến khu vực. Điển hình như bão số 6 – 2006 (XANGSENE) đổ bộ vào TP Đà Nẵng ngày 01/10/2006 với sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão cấp 12, gió giật cấp 14; bão số 9 (KETSANA) đổ bộ vào đất liền trên địa phận phía bắc tỉnh Quảng Ngãi ngày 29/9/2009 với sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão cấp 11, giật cấp 12-13… gây thiệt hại lớn về người và của tại các địa phương trong khu vực.

Khu vực Trung Trung Bộ thường xuyên xảy ra bão, lũ lụt

Khu vực Trung Trung Bộ cũng có mạng lưới sông suối rất phức tạp, trung bình hàng năm có 3-4 trận lũ, năm nhiều nhất có 6-7 trận lũ đổ bộ. Ngoài bão, lũ, khu vực Trung Trung Bộ còn chịu nhiều loại hình thiên tai khác như: nắng nóng, khô hạn, rét đậm, rét hại, dông tố lốc, mưa đá, sạt lở đất, xâm nhập mặn…

Với những đặc thù đó, nền kinh tế khu vực này chủ yếu là nông nghiệp nhưng lại bấp bênh vì phụ thuộc vào diễn biến của thời tiết, khí hậu. Do vậy, Đài KTTV Trung Trung Bộ luôn xác định nâng cao chất lượng dự báo là nhiệm vụ quan trọng đặt lên hàng đầu để góp phần đạt được mục tiêu Chiến lược quốc gia phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai của Chính phủ đã đề ra.

Hạn chế từ dự báo thủ công

Nhìn lại thực trạng công tác dự báo, ông Nguyễn Văn Chiến – Đài KTTV khu vực Trung Trung Bộ cho biết, những năm trước đây, hệ thống trạm quan trắc trong khu vực thưa thớt, số liệu đo thủ công, truyền về các đơn vị dự báo qua hệ thống vô tuyến điện được thực hiện trực tiếp bởi những quan trắc viên, những điện báo viên. Công nghệ dự báo khí tượng là bản đồ Synop, thuỷ văn là các phương án truyền thống thể hiện bằng các biểu đồ dự báo trên giấy. Số liệu được thu thập, tổng hợp thực hiện bản tin dự báo theo cách thủ công.

Chính vì vậy, sản phẩm dự báo chủ yếu là dự báo thời tiết hàng ngày (24 giờ), dự báo lũ trước vài giờ; hầu như ít có khả năng cảnh báo, dự báo sớm hơn về diễn biến thời tiết, thuỷ văn, thiên tai cho cộng đồng; hạng mục dự báo cũng rất hạn chế, thông tin dự báo chưa cụ thể.

“Việc cung cấp thông tin dự báo cho các cấp, các ngành và cộng đồng cũng chưa kịp thời do mất nhiều thời gian thực hiện các công đoạn dự báo thủ công”, ông Chiến nói và khẳng định, để nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác dự báo, không có cách nào khác là phải phát triển, ứng dụng khoa học công nghệ, song song với việc đầu tư trang thiết bị, máy móc hiện đại và đào tạo nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ làm công tác dự báo.

Từng bước đổi mới

Với quan điểm như trên, công tác nghiên cứu ứng dụng khoa học, công nghệ dự báo và các lĩnh vực liên quan đã được Đài KTTV khu vực Trung Trung Bộ sớm thực hiện. Các cán bộ Đài KTTV khu vực Trung Trung Bộ từng bước nghiên cứu, xây dựng công nghệ dự báo từ phạm vi hẹp, quy mô nhỏ đến phạm vi lớn, từ đơn giản đến phức tạp.

Đài KTTV khu vực Trung Trung Bộ từng bước nâng cao năng lực công tác dự báo

Bước đầu, các cán bộ Đài đã nghiên cứu các giải pháp hỗ trợ nghiệp vụ, làm giảm thời gian thực hiện như: công nghệ tổng hợp dữ liệu, mô hình hoá các phương án dự báo thủ công thực hiện trên giấy để có thế sử dụng trực tiếp trên máy tính. Đồng thời, đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng các mô hình dự báo tiên tiến cho hầu hết các sông trong khu vực, như hệ thống Sông Gianh, Thạch Hãn, Sông Hương, Vu Gia- Thu Bồn, Trà Khúc…

Đặc biệt, nhiều nội dung nghiên cứu được thực hiện việc đề xuất, đăng ký nhiệm vụ khoa học công nghệ cấp tỉnh, thành phố, cấp cơ sở. Sản phẩm của những công trình nghiên cứu khoa học, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật đã góp phần nâng cao trình độ chuyên môn, nghiên cứu khoa học cho cán bộ Đài KTTV Trung Trung Bộ; tạo lập được nhiều sản phẩm công nghệ hỗ trợ thiết thực trong dự báo tác nghiệp và phục vụ địa phương; đa dạng, chi tiết hoá sản phẩm dự báo với chất lượng cao hơn, sản phẩm dự báo được phục vụ kịp thời hơn đến cộng đồng.

Những sản phẩm khoa học công nghệ đã cho thấy năng lực dự báo, cảnh báo KTTV của các Dự báo viên tại Đài khu vực, các Đài tỉnh đã được nâng cao rõ rệt, có khả năng chủ động tiếp cận, khai thác ứng dụng có hiệu quả các công nghệ mới trong xu thế phát triển khoa học công nghệ hiện nay và trong tương lai.

Mặc dù vậy, trước diễn biến thiên tai ngày càng phức tạp và dị thường, công tác nghiên cứu khoa học phục vụ dự báo của Đài KTTV khu vực Trung Trung Bộ những năm tới cần chú trọng nghiên cứu ứng dụng mô hình cảnh báo lũ quét, cụ thể hoá phạm vi có nguy cơ ảnh hưởng của lũ quét; hiệu chỉnh sản phẩm mô hình trong dự báo mưa; cảnh báo, dự báo ngập lụt theo thời gian thực; cảnh báo sóng lớn, nước dâng do bão, ngập lụt ven biển do nước dâng; cảnhbáo mưa dông, mưa lớn cục bộ; cụ thể hoá cấp độ rủi ro thiên tai theo không gian và thời gian;

Ngoài ra, tích hợp các công nghệ dự báo hỗ trợ thực hiện nghiệp vụ dự báo theo đúng quy trình kỹ thuật hiện hành; kết nối thông tin thiên tai giữa đơn vị dự báo và các đơn vị sử dụng, đảm bảo thông tin thiên tai, dự báo, cảnh báo thiên tai được cung cấp sớm, kịp thời nhất đến cộng đồng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đài KTTV khu vực Trung bộ: Từng bước nâng cao năng lực dự báo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO