Đại học TN&MT Hà Nội nâng cao chất lượng tuyển sinh, đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực ngành

Mai Đan| 07/01/2022 21:42

(TN&MT) - Năm 2021, Trường Đại học TN&MT Hà Nội có khoảng 70.000 thí sinh đăng ký xét tuyển vào trường, điểm chuẩn đầu vào ngành cao nhất là 26 điểm, đa số các ngành có điểm chuẩn từ 20 điểm trở lên. Qua đó, khẳng định thương hiệu và uy tín của nhà trường ngày càng được xã hội quan tâm.

Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. Ảnh: Đoàn Phòng

Kết quả trên được PGS.TS. Hoàng Anh Huy – Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học TN&MT Hà Nội nhấn mạnh và nhiều đại biểu đánh giá cao tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2021 và triển khai kế hoạch công tác năm 2022 vào chiều 7/1 tại Hà Nội. Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị. Cùng dự có đại diện Lãnh đạo các Tổng cục, các Vụ chức năng thuộc Bộ.

PGS.TS. Hoàng Anh Huy cho biết: Năm học 2020-2021 vừa qua, Trường Đại học TN&MT Hà Nội đã tiến hành điều chỉnh và cập nhật chương trình đào tạo, đề cương chi tiết học phần cho 21 ngành đào tạo trình độ đại học và 6 ngành đào tạo trình độ thạc sĩ theo hướng tiếp cận chuẩn CDIO nhằm nâng cao chất lượng đào tạo phù hợp với Khung năng lực Quốc gia.

Trên cơ sở tiếp thu ý kiến phản hồi của các bên liên quan về chất lượng các hoạt động dạy học, quy trình thiết kế và phát triển chương trình đào tạo đã được Nhà trường cập nhật, cải tiến một cách mạnh mẽ, thống nhất và khoa học đảm bảo tính liên thông, kết nối giữa các ngành đào tạo; đồng thời tăng tỷ lệ thực hành, thực tập và bổ sung một số học phần phù hợp với xu thế phát triển hiện tại của xã hội, phù hợp với triết lý của đào tạo nguồn nhân lực thời đại công nghệ 4.0: số hóa, đổi mới, sáng tạo và khởi nghiệp.

Nhà trường đã thực hiện công tác xây dựng chương trình đào tạo và đề án mở chuyên ngành đào tạo thạc sĩ Quản lý kinh tế; xây dựng đề án áp dụng cơ chế đặc thù đào tạo cho 2 ngành công nghệ thông tin và quản trị khách sạn; triển khai tổ chức thực hiện đề án Ngoại ngữ Quốc gia năm 2021.

Công tác tuyển sinh đảm bảo chỉ tiêu, chất lượng tuyển sinh năm sau cao hơn năm trước, nguồn tuyển sinh dồi dào, chất lượng tuyển sinh ngày càng được nâng cao. Ngành nghề đào tạo được mở rộng, đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực của ngành TN&MT và xã hội (hiện có 23 ngành đào tạo đại học và 6 chuyên ngành thạc sĩ).

Năm 2021, hoạt động nghiên cứu khoa học sinh viên của Trường được thúc đẩy cả về số lượng, chất lượng dưới nhiều hình thức khác nhau: nghiên cứu khoa học cấp trường, tham dự các cuộc thi trong trong nước như Giải thưởng khoa học và công nghệ dành cho giảng viên trẻ và sinh viên trong cơ sở giáo dục đại học (Bộ GD&ĐT), Giải thưởng Sinh viên Nghiên cứu khoa học – Euréka (Thành đoàn TP.HCM), Sinh viên nghiên cứu khoa học về thích ứng với biến đổi khí hậu (Khối các trường kỹ thuật)… và một số cuộc thi quốc tế.

Đặc biệt, 2 nhóm sinh viên của trường tham gia Cuộc thi “Hành động cho Trái đất - thách thức lãnh đạo toàn cầu 2021" do Quỹ Hemispheres phối hợp cùng Tổng cục Du lịch Singapore tổ chức. Sau vòng loại, vòng tứ kết, vòng bán kết, 2 nhóm đã vượt qua hơn 60 nhóm sinh viên từ 20 quốc gia trên thế giới và lọt vào tốp 11 đội tham dự vòng chung kết vào tháng 8/2022.

PGS.TS. Hoàng Anh Huy – Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học TN&MT Hà Nội phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Đoàn Phòng

Theo PGS. TS. Hoàng Anh Huy, trong năm 2022, Nhà trường sẽ triển khai kế hoạch đào tạo năm học 2021 - 2022 theo đúng tiến độ đã được ban hành; chủ động, linh hoạt thích ứng với những thay đổi do diễn biến của dịch bệnh COVID-19 và yêu cầu của các cấp lãnh đạo, sẵn sàng các kịch bản học và thi trực tuyến để đảm bảo tiến độ, kế hoạch đào tạo của năm học; nhanh chóng hoàn thiện để đưa vào sử dụng phần mềm quản lý đào tạo mới.

Trường sẽ tiếp tục cập nhật, rà soát các chương trình đào tạo khi có những sửa đổi, bổ sung và thay đổi liên quan đến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về giáo dục và đào tạo; tiếp tục chủ động thiết kế và phát triển linh hoạt chương trình đào tạo phù hợp, hiệu quả hơn nữa, đặc biệt đối với hoạt động dạy và học trực tuyến do tình hình dịch bệnh.

Nhà trường cũng sẽ đôn đốc, kiểm soát các đơn vị trong việc xây dựng Báo cáo kết quả thực hiện Kế hoạch cải tiến chất lượng sau đánh giá ngoài chương trình đào tạo năm 2022; theo dõi, triển khai thực hiện hiệu quả công tác cải tiến và đảm bảo chất lượng trong nhà trường theo các kế hoạch đã được phê duyệt.

Chúc mừng các kết quả đạt được của Trường Đại học TN&MT Hà Nội trong năm qua, đại diện Lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ TN&MT: Tổng cục Môi trường; Vụ Kế hoạch – Tài chính đã định hướng một số nhiệm vụ trọng tâm của Trường, cũng như đề xuất giải pháp phối hợp hiệu quả giữa Trường và các đơn vị thuộc Bộ trong năm 2022 và những năm tiếp theo.

Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân ghi nhận và biểu dương những kết quả của Trường Đại học TN&MT Hà Nội trong suốt năm 2021. Thứ trưởng đánh giá: “Mặc dù, trải qua nhiều khó khăn do dịch bệnh COVID-19, nhưng Nhà trường đã nỗ lực quyết tâm và đạt được nhiều kết quả, hoàn thành tốt nhiệm vụ dạy và học. Đặc biệt, Trường đã quan tâm xây dựng cơ sở vật chất; sắp xếp tổ chức bộ máy; cải cách thủ tục hành chính; công tác tuyển sinh; chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và sinh viên của Nhà trường…”

Quang cảnh Hội nghị tại điểm cầu Bộ TN&MT. Ảnh: Đoàn Phòng

Thứ trưởng chỉ đạo, trong năm 2022, Trường tiếp tục chú trọng công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống, thực hiện chính sách pháp luật; đề ra các giải pháp đột phá, trọng tâm trong năm 2022 và những năm tiếp theo, chú ý bám sát vào 9 nhiệm vụ trọng tâm năm 2022 của Bộ (trong đó có nhiệm vụ số hóa đại học).

Đối với đề xuất của Nhà trường về việc nên có cơ chế tự chủ phù hợp cho Trường, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân đề nghị Trường xây dựng Đề án đại học tự chủ trong năm 2022.

Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân ủng hộ việc Trường thành lập Viện Kinh tế và Quản lý (nâng cấp từ Khoa Kinh tế TN&MT của trường) trong năm 2022, tuy vậy cần cân nhắc kỹ về tên Viện cho hợp lý để thể hiện nội hàm thế mạnh của lĩnh vực tài nguyên và môi trường, đồng thời có thị trường để làm nghiên cứu, làm nhiệm vụ tư vấn và thực hiện công tác giảng dạy, mang lại công ăn việc làm cho cán bộ công nhân viên chức. Thứ trưởng kỳ vọng, Viện sẽ phát huy được tác dụng, xứng đáng được đưa vào quy hoạch là đơn vị khoa học công nghệ.

Năm 2021, Nhà trường đã triển khai kiểm định chất lượng 6 chương trình đào tạo đại học chính quy. Cụ thể, Nhà trường thực hiện đánh giá ngoài 3 chương trình đào tạo (Quản lý tài nguyên và môi trường, Kinh tế tài nguyên thiên nhiên, Kỹ thuật Trắc địa - Bản đồ) vào tháng 1/2021 (đã triển khai tự đánh giá trong năm 2020) và được Hội đồng Đảm bảo chất lượng giáo dục, Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội cấp Giấy chứng nhận kiểm định tháng 3/2021.
Nhà trường tiếp tục thực hiện đánh giá ngoài 3 chương trình đào tạo (Công nghệ thông tin, Thủy văn học, Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành) vào tháng 12/2021 và được Hội đồng Đảm bảo chất lượng giáo dục, Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội đánh giá cao.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đại học TN&MT Hà Nội nâng cao chất lượng tuyển sinh, đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực ngành
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO