Đại biểu Quốc hội thảo luận ở tổ: "Nóng" vấn đề vốn xây dựng sân bay Long Thành

05/11/2014 00:00

(TN&MT) - Chiều 4/11, đại biểu Quốc hội thảo luận ở tổ về chủ trương xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành.

   
(TN&MT) - Chiều 4/11, đại biểu Quốc hội thảo luận ở tổ về chủ trương xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành. Đa số ý kiến đại biểu Quốc hội đều thống nhất về chủ trương cần xây dựng cảng hàng không quốc tế này để phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế của đất nước. 
    
   Tuy nhiên, các đại biểu cũng cho rằng hiện nay chưa đến mức cấp thiết và còn nhiều băn khoăn về vốn khi tình trạng nợ công tăng cao như hiện nay.

Cần có sự cạnh tranh với các sân bay trong khu vực
    
    
   Tán thành sự cần thiết xây dựng sân bay long Thành, đại biểu Chu Sơn Hà (đoàn Hà Nội) cho rằng, nếu mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất thì kinh phí tương tự làm sân bay Long Thành, trong khi xây dựng mới sân bay Long Thành thì có ý nghĩa về lâu dài, có không lưu tốt hơn, cải tiến được công tác quản lý, phục vụ của ngành hàng không, cạnh tranh được với các sân bay trung chuyển của khu vực Đông Nam Á.
    
Các đại biểu Quốc hội đoàn Hà Nội thảo luận ở tổ. Ảnh: Chinhphu.vn
    
   Tuy nhiên, theo một số đại biểu, nếu coi đây là tạo cú hích cho đất nước là sân bay trung chuyển cho khu vực thì không đúng, bởi chắc chắn Việt Nam chỉ đi sau một số nước. Sân bay Long Thành khó cạnh tranh với sân bay ở Thái Lan, Singapore, Malaysia. Ngay sân bay Nội Bài, và Tân Sơn Nhất còn bị kêu ca nhiều, trình độ quản lý không thể ngay một lúc mà từ thấp lên cao.
    
   Đồng tình với quan điểm cho rằng cần sự cạnh tranh với sân bay khác trong khu vực, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phân tích: Chính phủ nói đáp ứng yêu cầu phát triển trong nước, hướng tới cạnh tranh trong khu vực. Rõ ràng, nếu không làm sân bay này sẽ hạn chế sự phát triển của đất nước. Làm sân bay Long Thành là vừa để đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước, vừa trở thành cảng trung chuyển của Singapore. Chúng ta cũng phải tính đến bộ máy quản lý, con người… “Khả năng cạnh tranh gay gắt chứ không đơn giản” – Phó Chủ tịch Quốc hội khẳng định.
    
   Đồng thời, khi mở ra sân bay này phải đặt trong điều kiện phát triển hệ thống đường bộ, cao tốc… đồng bộ và nếu có thể cải tạo, nâng cấp đường sắt Bắc - Nam thì cũng phải tính đến sự phát triển của các phương tiện khác nữa để có bài toán đầu tư từng giai đoạn.
    
   Về hiệu quả kinh tế, đại biểu Nguyễn Anh Dũng và Nguyễn Văn Tiên (đoàn Tiền Giang) cho rằng, hệ số hiệu quả kinh tế IRR chưa đảm bảo tính chặt chẽ. Vì IRR phụ thuộc nhiều vào doanh thu khi vận hành. 
    
   Đại biểu Nguyễn Văn Tiên băn khoăn trước dự đoán giai đoạn 1 là 49 triệu khách, giai đoạn 3 là 100 triệu khách. Bởi lẽ, theo đại biểu, tính khả thi khi trung chuyển mấy chục triệu khách là rất khó. Nếu cạnh tranh với nội địa thì người ta sẽ chọn đi sân bay Tân Sơn Nhất. 
    
   Qua trao đổi với nhiều chuyên gia hàng không cho biết nếu sân bay Tân Sơn Nhất phát huy hết khả năng vẫn đảm bảo được nhu cầu. Vì vậy, đại biểu đề nghị cần tổ chức nhiều cuộc hội thảo để lấy ý kiến của chuyên gia trong nước và quốc tế để có căn cứ vững chắc hơn.
    
   Đại biểu Huỳnh Ngọc Đáng (đoàn Bình Dương) thì lại kiến nghị, cần làm rõ thêm lộ trình xây dựng xong ở giai đoạn 1 thì sau bao nhiêu năm Long Thành sẽ trở thành sân bay trung chuyển. Ngoài ra, để trở thành sân bay trung chuyển thì cần phải đi đôi với chất lượng dịch vụ cho hành khách. Nếu phương án này không được chi tiết thì khó trở thành trọng tâm để thống nhât xây dựng cảng này.
    
Vẫn băn khoăn về vốn
    
   Tại phiên thảo luận chiều nay, nhiều đại biểu băn khoăn về vốn đầu tư. Theo đại biểu Huỳnh Ngọc Đáng, trong tình hình nợ công việc xây dựng sân bay ở giai đoạn 1 cũng sẽ ảnh hưởng đến nợ công của đất nước. Các báo cáo chỉ ra sẽ không ảnh hưởng nhưng đại biểu cho rằng chưa thuyết phục vì chiến lược nợ công vào trong năm 2016 là 60-64% và tiến tới giảm dần vào năm 2020. Từ năm 2016-2025 mà vốn đầu tư dự kiến cho giai đoạn 1 gần 8 tỷ USD. Nếu triển khai dễ dẫn đến tình trạng đội vốn. Đại biểu đề nghị, Chính phủ cần tính toán phương án vốn NSNN đổ vào sân bay Long Thành chỉ được dưới 20% còn nếu là 50/50 thì sẽ dẫn đến tăng nợ công.
    
   Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng cho rằng, vấn đề đặt ra, lo nhất là tình hình nợ công như hiện nay thì vốn xây dựng sân bay lấy ở đâu ra. Theo Phó Chủ tịch Quốc hội, quan trọng hơn lúc này, Quốc hội rất cần nghị quyết để minh bạch hiệu quả đầu tư, chi phí đầu tư sân bay, vì theo khái toán là cao so với các sân bay khu vực. Bộ Giao thông Vận tải chưa đưa ra con số cụ thể để nói cao hay thấp. Nếu không tính để Quốc hội so sánh, xem suất đầu tư chia cho hành khách là bao nhiêu tiền đầu tư/m2.
    
   Phó Chủ tịch Nguyễn Thị Kim Ngân cũng đề nghị khi trình ra thì tổng mức đầu tư phải rõ ràng, khái toán phải so sánh bằng, cao hay thấp hơn với các sân bay trong cùng khu vực… Theo Phó chủ tịch, cũng cần phải tính lại tỷ lệ hoàn vốn rõ ràng, cụ thể hơn. Khi khai thác Long Thành đồng thời với khai thác sân bay Tân Sơn Nhất chứ không phải đóng cửa Tân Sơn Nhất. Có nghĩa, chúng ta phải tính khai thác hết công công suất của sân bay Tân Sơn Nhất (25 triệu lượt hành khách/năm), rồi tính hành khách, hàng hóa khi đầu tư Long Thành.
    
   Phó Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị Bộ GTVT tiếp tục giải thích rõ ràng hơn nguyên nhân không xây dựng sân bay trung chuyển quốc tế ở Biên Hòa, việc thu hồi vốn đầu tư để Quốc hội nắm rõ. 
Minh Trang
    
    
   
   
  
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đại biểu Quốc hội thảo luận ở tổ: "Nóng" vấn đề vốn xây dựng sân bay Long Thành
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO