Đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách cho ý kiến về Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi)

Khương Trung | 04/09/2020 19:08

(TN&MT) - Ngày 4/9, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã chủ trì Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách thảo luận dự án luật BVMT (sửa đổi) trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV.

Thực hiện sự phân công của UBTVQH về kế hoạch tổ chức Hội nghị ĐBQH hoạt động chuyên trách, Thường trực Ủy ban KH,CN&MT đã phối hợp với Bộ TN&MT chuẩn bị tài liệu về dự án Luật. Tại Hội nghị, Chủ nhiệm Ủy ban KH,CN&MT báo cáo một số nội dung lớn giải trình tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật BVMT.

Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã chủ trì Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách thảo luận dự án luật BVMT (sửa đổi) trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV.

Theo ông Phan Xuân Dũng, Uỷ viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Quốc hội, đối với vấn đề đánh giá tác động môi trường, một số ý kiến đề nghị xem lại đối tượng phải thực hiện đánh giá tác động môi trường (ĐTM); cân nhắc quy định về chứng chỉ hành nghề đối với tổ chức tư vấn làm báo cáo ĐTM; quy định rõ hơn trách nhiệm của Hội đồng thẩm định; bổ sung quy định về tổ chức và hoạt động của Hội đồng thẩm định.

Thu hẹp khoảng 20% đối tượng phải đánh giá ĐTM

Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường 2014 sửa đổi dự kiến sẽ thu hẹp khoảng 20% đối tượng phải đánh giá tác động môi trường.

Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, giữa Luật Đầu tư và Luật Đầu tư công đang có quy định khác nhau về việc xác định đối tượng phải thực hiện đánh giá sơ bộ tác động môi trường. Luật Đầu tư dẫn chiếu thực hiện theo pháp luật về bảo vệ môi trường, trong khi Luật Đầu tư công quy định tất cả các dự án đầu tư công phải có phê duyệt chủ trương đầu tư và phải thực hiện đánh giá sơ bộ tác động môi trường. Thực tế, có nhiều dự án đầu tư công quy mô nhỏ, chỉ mua sắm tài sản, trang thiết bị cũng phải đánh giá sơ bộ tác động môi trường, điều này không thực sự cần thiết. Rất nhiều dự án phải quyết định chủ trương đầu tư, có đánh giá sơ bộ tác động môi trường nhưng không thuộc đối tượng phải đánh giá tác động môi trường do không có tác động hoặc tác động đến môi trường rất ít theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường hiện hành.

Hiện nhiều nước trên thế giới cũng chỉ xem báo cáo đánh giá tác động môi trường là công cụ dự báo tác động môi trường, không thể chính xác hoàn toàn. Sau khi doanh nghiệp quyết định đầu tư còn có rất nhiều thay đổi. Vì vậy, việc coi quyết định phê duyệt và báo cáo đánh giá tác động môi trường ban đầu là căn cứ quan trọng nhất để cơ quan quản lý giám sát, thanh tra, kiểm tra trong giai đoạn vận hành là không hợp lý.

Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chỉnh lý Dự thảo Luật theo hướng phân loại dự án theo các nhóm tiêu chí tác động đến môi trường; đổi tên “đánh giá sơ bộ tác động môi trường” thành “đánh giá tác động môi trường sơ bộ” để phù hợp với nguyên lý thực hiện đánh giá tác động môi trường trên thế giới, đánh giá tác động môi trường sơ bộ là một bước trong quá trình nghiên cứu đánh giá tác động môi trường của chủ dự án.

Theo đó, ĐTM sơ bộ là một bước của quá trình ĐTM của dự án thuộc nhóm I (dự án tác động môi trường ở mức độ cao), được xây dựng trong giai đoạn nghiên cứu tiền khả thi hoặc đề xuất chủ trương đầu tư của dự án theo quy định của pháp luật về đầu tư, đầu tư công, đầu tư theo phương thức đối tác công tư, xây dựng. Đồng thời, để đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất, không phải chỉnh sửa các quy định pháp luật hiện hành có liên quan về vấn đề này, dự thảo Luật cũng đã bổ sung quy định về đánh giá sơ bộ tác động môi trường trong luật khác đã được ban hành trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành được thực hiện theo quy định về ĐTM sơ bộ của Luật này.

Bộ trưởng Bộ TN&MT cho rằng, đánh giá sơ bộ làm cơ sở khoa học để đưa dự báo và quyết định chủ trương đầu tư, quyết định đưa ra giải pháp cụ thể về công nghệ, quản lý đối với dự án ở giai đoạn chuẩn bị đầu tư để đáp ứng tiêu chuẩn môi trường. Về từ ngữ là đánh giá sơ bộ tác động môi trường hay tác động môi trường sơ bộ đều là bước đầu tiên của những dự án phải đánh giá tác động môi trường. Chúng ta cần thống nhất về thuật ngữ mà thôi.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà phát biểu tại Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách thảo luận dự án luật BVMT (sửa đổi) trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV.

Sửa đổi quy định về thẩm quyền thẩm định ĐTM

Về thẩm quyền thẩm định báo cáo ĐTM, hiện có 2 nhóm ý kiến. Thứ nhất, giao Bộ quản lý công trình xây dựng chuyên ngành theo quy định của pháp luật về xây dựng (Bộ Xây dựng, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) chủ trì, phối hợp với UBND cấp tỉnh tổ chức thẩm định báo cáo ĐTM đối với dự án thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư của mình nhằm phát huy vai trò, năng lực, nguồn lực của các Bộ chuyên ngành, thuận lợi cho việc thực hiện thủ tục hành chính liên thông.

Thứ hai, không nên giao các Bộ quản lý công trình xây dựng chuyên ngành thẩm định báo cáo ĐTM mà chỉ giao cho Bộ TN&MT và UBND cấp tỉnh, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an đối với dự án thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư và dự án thuộc bí mật quốc phòng, an ninh. Đối với các dự án thuộc thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư của các Bộ, cơ quan ngang bộ (trừ Bộ TN&MT, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an), UBND cấp tỉnh phải phối hợp với các Bộ, cơ quan ngang bộ trong quá trình thẩm định báo cáo ĐTM.

Thường trực Ủy ban KH,CN&MT cũng như các đại biểu đã đồng tình với phương án thứ hai.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà khẳng định, với mục tiêu hướng đến một bộ luật mang tính tổng thể, thống nhất về môi trường, Bộ TN&MT đã nghiên cứu để đưa các quy định đang rải rác, phân tán về BVMT trong các luật khác vào dự thảo Luật. Để bảo đảm mục tiêu này, dự thảo Luật đã phân định nhiệm vụ của các cơ quan dựa trên nguyên tắc “một việc chỉ giao cho một cơ quan chủ trì thực hiện” và “những việc liên quan đến nhiều cơ quan cùng thực hiện thì phải xác định rõ cơ quan chủ trì, chịu trách nhiệm chính; thẩm quyền của cơ quan phối hợp; cơ chế phối hợp”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách cho ý kiến về Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi)
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO