Đại biểu Quốc hội đề nghị tăng cường phương án PCCC rừng

Hải Ngọc (lược ghi)| 13/11/2019 18:55

(TN&MT) - Phát biểu thảo luận tại Hội trường Quốc hội sáng 13/11, đại biểu Đoàn Thị Thanh Mai (Đoàn ĐBQH tỉnh Hưng Yên) đề nghị để bảo vệ những cánh rừng xanh tươi trở thành những tấm khiên vững chắc bảo vệ con người cần có phương án phòng cháy, chữa cháy rừng một cách hiệu quả

Đại biểu Đoàn Thị Thanh Mai phát biểu tại Hội trường Quốc hội sáng 13/11. Ảnh: Quốc Khánh

Đại biểu Đoàn Thị Thanh Mai phân tích: thời gian vừa qua, tình hình cháy nổ diễn biến phức tạp, nhiều vụ cháy lớn đã xảy ra, nhất là tại các đô thị, địa bàn tập trung đông dân cư, gây những thiệt hại nghiêm trọng, ảnh hưởng đến an ninh trật tự, hoạt động sản xuất kinh doanh và cuộc sống của nhân dân.

Theo đại biểu, báo cáo của Đoàn giám sát đã phản ánh tương đối toàn diện việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy trong giai đoạn 2014-2018. Để góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác phòng cháy, chữa cháy, ngăn chặn giảm thiểu số vụ và thiệt hại do cháy nổ gây ra.

Cần rà soát xây dựng hệ thống hạ tầng PCCC ở đô thị

Góp ý kiến về việc xây dựng hệ thống hạ tầng đáp ứng yêu cầu về phòng cháy, chữa cháy tại các đô thị, đại biểu dẫn ra các con số: theo Báo cáo của Đoàn giám sát, trong giai đoạn từ tháng 7/2014 đến tháng 7/2018 cả nước đã xảy ra 13.149 vụ cháy, địa bàn xảy ra cháy ở thành thị chiếm 60,11%...

Vì vậy, đại biểu mai cho rằng việc tổ chức hệ thống hạ tầng phục vụ phòng cháy, chữa cháy trong đô thị rất cần được quan tâm đúng mức. Các quy định pháp luật, quy chuẩn kỹ thuật về phòng cháy, chữa cháy trong lập quy hoạch đô thị cũng như thiết kế các công trình đã được ban hành khá đầy đủ.

Tuy nhiên, trên thực tế, hạ tầng kỹ thuật giao thông phục vụ công tác phòng cháy, chữa cháy còn nhiều bất cập, các quy chuẩn chưa được tuân thủ nghiêm ngặt. Ví dụ, hiện nay ở thành phố Hà Nội có rất nhiều tuyến phố nhỏ, ngõ sâu, xe cứu hỏa không vào được, mật độ dân cư đông đúc, thường xuyên xảy ra ùn tắc vào giờ cao điểm, ảnh hưởng không nhỏ đến công tác chữa cháy, cứu hộ, cứu nạn.

Không chỉ vậy, thành phố còn thiếu đến 7.000 trụ nước, 300 bể nước, 400 bến nước lấy nước chữa cháy so với tiêu chuẩn, quy chuẩn... “Do đó, việc rà soát xây dựng hệ thống hạ tầng đáp ứng tốt yêu cầu về phòng cháy, chữa cháy là vấn đề rất cấp bách hiện nay” - Đại biểu Đoàn Thị Thanh Mai nói.

Đại biểu Mai đề nghị: thứ nhất, trong quy hoạch đô thị cần tuân thủ các quy chuẩn, tiêu chuẩn về phòng cháy, chữa cháy, từ việc bố trí đường giao thông, các họng nước chữa cháy đến đảm bảo lưu lượng nước phục vụ cho công tác chữa cháy.

Thứ hai, thiết kế của các công trình cần tuân thủ các tiêu chuẩn, quy chuẩn về phòng cháy, chữa cháy. Bất cứ công trình nào cũng chỉ được đưa vào sử dụng sau khi đã được các cơ quan chức năng nghiệm thu hệ thống phòng cháy, chữa cháy. Hệ thống này cần được kiểm tra định kỳ, kết hợp với tổ chức các buổi diễn tập chữa cháy để nâng cao khả năng ứng phó với hỏa hoạn của người dân. Đặc biệt, các công trình nhà chung cư cao tầng cần thực hiện nghiêm quy định về gian lánh nạn…

Công tác PCCC rừng còn nhiều hạn chế

Đề cập đến công tác phòng cháy, chữa cháy rừng, đại biểu Mai dẫn con số: Theo số liệu thống kê về tài nguyên rừng, Việt Nam có khoảng 6 triệu hecta rừng dễ cháy, bao gồm các loại rừng thông, rừng tre nứa, rừng bạch đàn, rừng tràm, rừng phi lao. Cùng với đó, tình hình biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp ở Việt Nam cũng làm gia tăng nguy cơ cháy rừng.

Qua hàng loạt vụ cháy rừng từ ngày 25/6 đến ngày 01/7/2019 ở các tỉnh miền Trung như Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Đà Nẵng, Thừa Thiên - Huế chúng ta có thể thấy rằng công tác phòng cháy, chữa cháy rừng còn nhiều hạn chế như thiếu hệ thống đường băng xanh hoặc đường băng trắng làm nhiệm vụ phòng cháy, chữa cháy. Việc chữa cháy vẫn dùng các phương tiện thô sơ để dập lửa như cành cây, dao phát và can đựng nước…

Do vậy, để bảo vệ những cánh rừng xanh tươi trở thành những tấm khiên vững chắc bảo vệ con người cần có phương án phòng cháy, chữa cháy rừng một cách hiệu quả, đại biểu Đoàn Thị Thanh Mai đề xuất các phương án:

Thứ nhất, chính quyền địa phương, kiểm lâm cùng với chủ rừng phối hợp chặt chẽ, chủ động thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục, nâng cao ý thức của người dân trong công tác phòng cháy, chữa cháy rừng. Lực lượng kiểm lâm cùng với đơn vị chủ rừng và địa phương hàng năm phải tổ chức diễn tập công tác phòng cháy, chữa cháy rừng.

Thứ hai, cần có phương án phòng cháy rừng như tạo đường băng xanh hoặc đường băng trắng xen kẽ đường băng cản lửa cũng đồng thời là đường dùng để di chuyển lực lượng, phương tiện khi xảy ra cháy rừng. Đường tuần tra bảo vệ rừng và phục vụ các hoạt động sản xuất, khu nào có điều kiện thuận lợi, có thể xây hồ chứa nước làm nguồn chữa cháy sau này.

Thứ ba, một số vùng có điều kiện thuận lợi có thể đốt các thảm thực bì dưới tán rừng để giảm vật liệu cháy nổ, cháy khô trước khi vào mùa khô; Thứ tư, trong mùa khô cao điểm cần duy trì chế độ thường trực 24/24 giờ nhằm kiểm soát chặt chẽ, giảm nguy cơ cháy rừng và kịp thời phát hiện địa điểm cháy. Khi phát hiện địa điểm cháy cần nhanh chóng huy động lực lượng để tham gia chữa cháy, xử lý kịp thời, không để cháy lan.

Thứ năm, cần tăng cường đầu tư cho công tác phòng cháy, chữa cháy cả về hạng mục phòng cháy và các dụng cụ chữa cháy. Qua đó nâng cao cao hiệu quả của việc hoạt động chữa cháy rừng.

Thực hiện các biện pháp đảm bảo vệ sinh môi trường

Đề cập đến công tác khắc phục hậu quả sau khi cháy, lấy một ví dụ gần đây là vụ cháy kho xưởng của Công ty CP Bóng đèn Phích nước Rạng Đông, đại biểu Thanh Mai cho rằng, rõ ràng là các đám cháy bao giờ cũng gây ra ô nhiễm môi trường ở một khu vực nhất định bởi khói bụi, những chất do nhiệt độ phát ra từ những khu vực đám cháy, đặc biệt là những cơ sở sản xuất công nghiệp. Do vậy, việc khắc phục hậu quả sau hỏa hoạn là hết sức quan trọng.

Nữ đại biểu tỉnh Hưng Yên nhấn mạnh một số giải pháp cần thiết thực hiện sau đây: Thứ nhất, bảo đảm sức khỏe cho người dân sinh sống trong khu vực cháy, triển khai y tế, bác sĩ, y tá trực 24/24 giờ tại các khu vực xảy ra các đám cháy, tổ chức khám sức khỏe miễn phí theo yêu cầu của người dân sinh sống trong khu vực. Tuyên truyền, hướng dẫn người dân tổ chức các biện pháp phòng ngừa nhằm giảm đến mức thấp nhất các tác động đến sức khỏe và môi trường.

Thứ hai, thực hiện các biện pháp đảm bảo vệ sinh môi trường, giám định để xác định mức độ ô nhiễm môi trường về đất và không khí trong vùng bị ảnh hưởng, trên cơ sở kết quả thu thập được đối chiếu với các tiêu chuẩn, quy chuẩn của Việt Nam, của Tổ chức Y tế Thế giới để công khai, minh bạch tới người dân và các cơ quan thông tin đại chúng kịp thời thực hiện các biện pháp tẩy độc vùng ảnh hưởng trong trường hợp cần thiết.

Thứ ba, xử lý trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân để ra xảy ra cháy, yêu cầu bồi thường, khắc phục hiệu quả.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đại biểu Quốc hội đề nghị tăng cường phương án PCCC rừng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO