Đại biểu Quốc hội cơ bản đồng tình với sự cần thiết sửa đổi Luật Đất đai

Trường Giang| 14/11/2022 14:14

(TN&MT) - Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, sáng 14/11, tại Nhà Quốc hội, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội tiến hành thảo luận tại hội trường về dự án Luật Đất đai (sửa đổi).

Điều hành thảo luận tại hội trường về dự án Luật Đất đai (sửa đổi), Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết Luật Đất đai được một đạo luật rất quan trọng, phức tạp, giữ vai trò căn bản trong hệ thống pháp luật về đất đai, có mối quan hệ và ảnh hưởng sâu sắc đến việc thực thi các chính sách quy định trong rất nhiều luật khác.

141120220847-z3878842767575_6aca09246f57575b6a6db5ff0e8777f4.jpg
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành thảo luận tại hội trường về dự án Luật Đất đai (sửa đổi)

Đây cũng là luật tác động đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội tới tất cả các tổ chức và từ người dân. Việc sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai là nhiệm vụ trọng tâm của công tác xây dựng pháp luật trong nhiệm kỳ, dự kiến phải 3 kỳ họp để có thời gian rà soát kỹ lưỡng với tinh thần vì lợi ích quốc gia, dân tộc, cộng đồng doanh nghiệp và người dân. Quốc hội đã thảo luận tại tổ về dự án Luật này với 228 lượt ý kiến phát biểu tại 19 tổ. Thảo luận tại tổ, về cơ bản các ý kiến đồng tình với sự cần thiết sửa đổi luật để thể chế hóa chủ trương của Đảng, hoàn thiện hành lang pháp lý nhằm khai thác và sử dụng hiệu quả nguồn lực đất đai cho phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh và bảo vệ môi trường khắc phục bất cập, hạn chế của Luật hiện hành.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị tại phiên họp này, tập trung thảo luận và các nội dung đã nêu trong Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế; đề nghị các vị đại biểu phát biểu đi thẳng vào các vấn đề, tránh trùng lặp.

Tại Phiên thảo luận, nhiều Đại biểu Quốc hội đã bày tỏ nhất trí với sự cần thiết phải ban hành Luật Đất đai (sửa đổi) nhằm khắc phục những bất cập hiện hành trong quản lý, sử dụng đất đai và cụ thể hóa các nhiệm vụ, giải pháp đã đặt ra trong Nghị quyết 18-NQ/TW về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất đai, tạo động lực đưa đất nước ta phát triển có thu nhập cao. Đồng thời, cho ý kiến góp ý và các nội dung nhằm hoàn thiện Dự thảo.

141120220921-z3878899533285_5d53cafe4f90a75492e7271deee034fd.jpg
Quang cảnh phiên họp sáng 14/11

Góp ý về các chính sách tập trung đất đai, Đại biểu Huỳnh Thanh Phương - Đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh đồng tình cao với quy định mở rộng hạn mức nhượng quyền sử dụng đất của hộ gia đình, cá nhân lên không quá 15 lần tại Điều 181 của dự thảo. Theo Đại biểu, qua thực tiễn cho thấy chưa phát sinh vướng mắc gì trong việc thực hiện quy định này và với tốc độ phát triển như hiện này, việc nhìn nhận nâng hạn mức là phù hợp.

Về quy định mở rộng đối tượng chuyển nhượng đất trồng lúa tại Điều 57, Đại biểu Huỳnh Thanh Phương cho rằng, việc không hạn chế tổ chức, cá nhân, hộ gia đình trực tiếp sản xuất nông, lâm nghiệp nhận quyền chuyển nhượng đất trồng lúa trong Dự thảo là phù hợp với thực tiễn đang diễn ra hiện nay. Song để đảm bảo diện tích đất trồng lúa của địa phương và của cả nước, Đại biểu đề nghị cần phải có biện pháp tăng cường công tác quản lý Nhà nước trong việc nhận chuyển nhượng, kiểm soát việc chuyển đổi mục đích của chuyển nhượng để tránh tình trạng cá nhân lợi dụng chính sách thu gom đất này mà phải không nhằm mục đích sản xuất nông nghiệp.

Góp ý vào nội dung quyền và trách nhiệm công dân về đất đai, Đại biểu Trần Thị Thanh Hương - Đoàn ĐBQH tỉnh An Giang cho rằng, dự án Luật cần nêu cụ thể về quyền và trách nhiệm của công dân khi tham gia góp ý vào thảo luận, kiến nghị với cơ quan với Nhà nước về sử dụng đất đai; tham gia ý kiến về định giá đất, bồi thường, quy hoạch đất đai ở địa phương.

Theo Đại biểu ngoài quyền và nghĩa vụ của công dân đối với đất đai tại Mục 3, Chương II, qua nghiên cứu cho thấy, việc dự thảo Luật bổ sung một mục mới về quyền và nghĩa vụ của công dân đối với đất đai là rất phù hợp nhằm đảm bảo thể chế hóa quan điểm của Đảng. Đó là nhân dân được tạo điều kiện tiếp cận, sử dụng đất công bằng, công khai, hiệu quả và bền vững.

Trong toàn bộ Chương 2 của dự thảo luật quy định về quyền và trách nhiệm của Nhà nước và công dân đối với đất đai có tất cả 21 Điều nhưng có đến 18 Điều quy định rất chi tiết về quyền, trách nhiệm của Nhà nước và chỉ dành có 3 Điều để đề cập rất khái quát những vấn đề chung về quyền và nghĩa vụ của công dân là chưa rõ và chưa có sự tương xứng cả về bố cục và thể hiện nội dung. Chính vì vậy, đề nghị nghiên cứu bổ sung thêm nội hàm làm rõ hơn những quy định có liên quan đến quyền và nghĩa vụ của công dân tại Mục 3, Chương II, nhất là các khoản có liên quan đến người dân như là tham gia góp ý kiến về quy luật, kế hoạch sử dụng đất, tham gia góp ý về phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giám sát việc tổ chức thực hiện chính sách pháp luật về đất đai, tham gia thảo luận, kiến nghị với cơ quan nhà nước về công tác quản lý, sử dụng đất đai nhằm tạo điều kiện để người dân dễ tiếp cận và dễ áp dụng hơn trong thực tiễn.

Quan tâm đến quy định về điều kiện thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh, hoặc để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng, Đại biểu Mai Thị Phương Hoa - Đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định cho rằng, các quy định về điều kiện thu hồi đất còn chưa đầy đủ, cụ thể. Đại biểu cho biết, Điều 54 Hiến pháp năm 2013 quy định: “Nhà nước thu hồi đất do tổ chức, cá nhân đang sử dụng trong trường hợp thật cần thiết do luật định vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng. Việc thu hồi đất phải công khai, minh bạch và được bồi thường theo quy định của pháp luật.”

Đại biểu nhấn mạnh, trong điều kiện thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh, hoặc để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng, cần làm rõ yếu tố “thật cần thiết”, quy định rõ các điều kiện nào là “thật cần thiết” để đảm bảo quá trình thu hồi đất diễn ra minh bạch, tuân thủ đúng quy định trong Hiến pháp năm 2013. Đại biểu cũng nhấn mạnh, trong việc thu hồi đất, Nhà nước phải đảm bảo quyền lợi và nghĩa vụ hợp pháp của 3 bên: Nhà nước, người dân, doanh nghiệp, trong đó, cần quan tâm hơn đến người dân bị thu hồi đất, vì họ ở thế bị động.

Đại biểu đề nghị cần chú trọng hơn nữa đến chính sách đền bù, hỗ trợ tái định cư để người dân bị thu hồi đất không bị thiệt thòi. Về các trường hợp thu hồi đất vì mục đích phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng, đại biểu cho biết, dự thảo Luật lần này có mở rộng thêm các trường hợp thu hồi đất, hoặc mở rộng phạm vi hơn so với các trường hợp đã quy định trong luật hiện hành.

Đại biểu đề nghị, cần rà soát, đánh giá lại các trường hợp thu hồi đất theo quy định của Luật hiện hành xem còn phù hợp hay không. Với những trường hợp mới bổ sung, cần đánh giá tác động kỹ lưỡng, tránh tình trạng quy định quá nhiều trường hợp thu hồi, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân, tiềm ẩn nguy cơ tăng khiếu kiện về đất đai.

Liên quan tới vấn đề này, Đại biểu Quốc hội Tô Văn Tám - Đoàn Kon Tum đề nghị tiếp cận theo hướng: Những dự án vì mục đích quốc phòng, an ninh, những dự án phát triển kinh tế xã hội mang tính chiến lược, quy định sự phát triển một vùng, một khu vực, một tỉnh hoặc của cả nước hoặc các công trình công cộng thì thu hồi.

141120220954-to-van-tam-kon-tum.jpg
Đại biểu Quốc hội Tô Văn Tám - Đoàn Kon Tum cho rằng, các dự án phát triển kinh tế đơn thuần, thương mại theo quy hoạch thì thương lượng với người dân để mua lại hoặc thỏa thuận cho họ góp vốn bằng quyền sử dụng đất.

Còn các dự án phát triển kinh tế đơn thuần, thương mại theo quy hoạch mang lại lợi ích chủ yếu cho nhà đầu tư, thương lượng với người dân để mua lại hoặc thỏa thuận cho họ góp vốn bằng quyền sử dụng đất.

Chiều nay, Quốc hội sẽ tiếp tục thảo luận tại hội trường về dự án Luật Đất đai (sửa đổi). Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà sẽ giải trình, làm rõ một số vấn đề các đại biểu nêu.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đại biểu Quốc hội cơ bản đồng tình với sự cần thiết sửa đổi Luật Đất đai
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO