SỬA ĐỔI LUẬT ĐẤT ĐAI 2013

Đại biểu Quốc hội chuyên trách xem xét, cho ý kiến về một số vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau đối với dự án Luật Đất đai (sửa đổi)

Khương Trung (tổng hợp) 30/08/2023 - 15:40

Sáng 30/8, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Hội nghị ĐBQH hoạt động chuyên trách, nhiệm kỳ khoá XV xem xét, cho ý kiến về một số vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau đối với dự án Luật Đất đai (sửa đổi).

Điều hành nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, tiếp tục chương trình Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, sáng nay, các đại biểu sẽ thảo luận về dự án Luật Đất đai (sửa đổi).

300820230802-z4648212836304_aa09eeae1dce1bb8925a3f16f4df2e57.jpg
Sáng 30/8/2023, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Hội nghị ĐBQH hoạt động chuyên trách, nhiệm kỳ khoá XV xem xét, cho ý kiến về một số vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau đối với dự án Luật Đất đai (sửa đổi).

Tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật Đất đai (sửa đổi) được chỉnh lý trên cơ sở ý kiến đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 4 và ý kiến Nhân dân. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự thảo Luật tại Phiên họp thứ 25. Thực hiện kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thường trực Ủy ban Kinh tế đã phối hợp với Thường trực Ủy ban Pháp luật, Bộ Tài nguyên và Môi trường và các cơ quan thực tiếp tục rà soát, hoàn thiện dự thảo Luật.

Tiếp tục rà soát, hoàn thiện dự thảo Luật

Báo cáo một số vấn đề lớn tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, đây là dự án Luật lớn, có phạm vi điều chỉnh rộng, nội dung khó, phức tạp, tác động lớn đến đời sống Nhân dân và các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội, quá trình tiếp thu, chỉnh lý tiếp tục nhận được nhiều ý kiến khác nhau.

300820230834-1.jpg
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành nội dung thảo luận về dự án Luật Đất đai (sửa đổi).

Về nội dung cụ thể liên quan đến quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, việc quy định các chỉ tiêu sử dụng đất trong quy hoạch sử dụng đất có ảnh hưởng rất lớn đến thẩm quyền quản lý của từng cấp, thủ tục hành chính liên quan tới đất đai và quyền, lợi ích hợp pháp của người dân, doanh nghiệp, theo đó cần được đánh giá tác động kỹ lưỡng. Việc phân loại quá chi tiết các chỉ tiêu sử dụng đất có thể dẫn đến sự thiếu linh hoạt, không đầy đủ hoặc không thể đáp ứng được thay đổi nhanh trong thực tiễn, gây khó khăn trong quá trình triển khai và ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, doanh nghiệp, phát sinh thêm thủ tục hành chính. Đồng thời, các chỉ tiêu sử dụng đất theo quy hoạch sử dụng đất và theo quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng tại Luật Quy hoạch đô thị, Luật Xây dựng phải có sự tương thích với nhau.

Do vậy, Thường trực Ủy ban Kinh tế sẽ tiếp tục phối hợp với cơ quan soạn thảo và các cơ quan liên quan làm rõ nguyên tắc, tiêu chí đề xuất các chỉ tiêu sử dụng đất tại các cấp quy hoạch sử dụng đất.

300820230817-z4648248661464_e16ddcc7d5c95b98aea2a22c21b5a164.jpg
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh

Về Quy hoạch sử dụng đất quốc gia, hiện nay có 2 loại ý kiến như sau: Loại ý kiến thứ nhất đề nghị giữ như dự thảo Luật trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 5. Loại ý kiến thứ hai tiếp thu ý kiến thẩm tra và ý kiến ĐBQH, không quy định các chỉ tiêu “đất khu công nghiệp”, “đất khu công nghệ cao”, “đất hạ tầng giao thông cấp quốc gia”, “đất ở tại đô thị, đất ở tại nông thôn”, “đất di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh”, “đất làm sân gôn”.

Thường trực Ủy ban Kinh tế cơ bản thống nhất lựa chọn loại ý kiến thứ hai. Quy hoạch sử dụng đất quốc gia chỉ nên xác định chỉ tiêu đất trồng lúa, đất rừng, đất quốc phòng, đất an ninh, để bảo đảm thực hiện cho các cho mục tiêu quốc gia về an ninh lương thực, bảo vệ môi trường, quốc phòng, an ninh và thẩm quyền quyết định của Quốc hội theo quy định của pháp luật hiện hành và tránh chồng chéo, bảo đảm việc phân quyền và linh hoạt cho các địa phương, đối với các chỉ tiêu còn lại sẽ được rà soát quy định tại quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh, bảo đảm việc quản lý chặt sẽ mục đích sử dụng đất.

Về thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng, nhiều ý kiến cho rằng, quy định tại dự thảo Luật liệt kê các trường hợp Nhà nước thu hồi đất là cứng nhắc, chưa phản ánh đầy đủ, chưa khắc phục được căn cơ các vấn đề bất cập. Thường trực Ủy ban Kinh tế nhận thấy, quy định theo hướng liệt kê các trường hợp thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng có ưu điểm bảo đảm sự rõ ràng, dễ theo dõi, dễ áp dụng. Tuy nhiên, việc liệt kê quá cụ thể, chi tiết các dự án, công trình thu hồi đất có nhược điểm khó bảo đảm bao quát, đầy đủ. Trong quá trình thảo luận, có ý kiến cho rằng cách tiếp cận theo hướng liệt kê các trường hợp như hiện nay chưa làm rõ được sự cần thiết của các dự án, công trình này theo tinh thần của Điều 54 Hiến pháp.

Về giao đất, cho thuê đất thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án có sử dụng đất, không đấu giá quyền sử dụng đất, không đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án có sử dụng đất, thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất, tiếp thu ý kiến ĐBQH, dự thảo Luật được chỉnh sửa theo hướng bỏ quy định tại khoản 5 Điều 122. Tuy nhiên, cần tiếp tục nghiên cứu để quy định về giao đất, cho thuê đất thông qua đấu giá quyền sử dụng đất đối với các trường hợp đã có hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, đã có quy hoạch chi tiết, bảo đảm quyền của Nhà nước điều tiết, phân phối phần địa tô chênh lệch do thay đổi quy hoạch, chuyển mục đích sử dụng đất.

Về phát triển, quản lý và khai thác quỹ đất, tiếp thu ý kiến ĐBQH, dự thảo Luật bỏ quy định về mức phân bổ tối thiểu từ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất hằng năm của địa phương cho Quỹ phát triển đất.

Về các trường hợp cho thuê đất trả tiền một lần và trả tiền hằng năm, Thường trực Ủy ban Kinh tế nhận thấy, cần có quy định theo hướng tạo thuận lợi cho hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh không chỉ giới hạn trong hoạt động sản xuất công nghiệp, nông nghiệp mà cả hoạt động thương mại, dịch vụ; cho nhà đầu tư được trả tiền một lần hoặc trả tiền hằng năm tương ứng với tính chất của hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh trên đất, thời hạn, mục đích sử dụng đất và khả năng tài chính của nhà đầu tư, mặt khác, giúp nhà đầu tư tính toán được chi phí đầu tư, xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và hình thành tài sản thế chấp có giá trị, không chỉ là tài sản đầu tư trên đất mà còn là giá trị gắn với quyền sử dụng đất. Thường trực Ủy ban Kinh tế cơ bản nhất trí quy định tại khoản 2 Điều 153 về tiền thuê đất trả tiền thuê đất hằng năm.

Bên cạnh đó, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cũng báo cáo, làm rõ các vấn đề về cấp Giấy chứng nhận cho hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất không có giấy tờ về quyền sử dụng đất; cấp Giấy chứng nhận cho hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất được giao không đúng thẩm quyền; Về nguyên tắc, căn cứ, phương pháp định giá đất trong dự thảo Luật.

Các đại biểu Quốc hội tham gia ý kiến về những vấn đề trọng tâm của Dự thảo Luật

Điều hành nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, các đại biểu đã nghe Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo về một số vấn đề liên quan đến dự án Luật Đất đai (sửa đổi). Đây là dự án luật đồ sộ, phức tạp, có ảnh hưởng lớn đến quyền lợi của người dân, doanh nghiệp, nhà nước, là trọng tâm trong công tác lập pháp của cả nhiệm kỳ.

300820230828-z4648252013959_bcf88534c5260c03b43ab2c42806abee.jpg
Thứ trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân tham dự phiên họp

Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết, việc sửa đổi luật Đất đai có sự tham gia của cả hệ thống chính trị và toàn thể nhân dân, quy định của luật sẽ ảnh hưởng sâu rộng đến mọi mặt đời sống kinh tế, xã hội. Thời gian qua, Chủ tịch Quốc hội, các đồng chí Phó Chủ tịch Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành đã rất tích cực, trách nhiệm, tâm huyết để tiếp thu ý kiến của nhân dân, các ý kiến tham gia. Chủ tịch Quốc hội đã chủ trì nhiều cuộc làm việc quan trọng, có nhiều định hướng chỉ đạo nguyên tắc để hoàn thiện dự án luật.

Đến thời điểm này, nhiều nội dung trong dự án luật đã được tiếp thu, chỉnh sửa phù hợp, các quy định của dự thảo luật có bước tiến đáng kể. Tuy nhiên, còn nhiều nội dung lớn, còn có ý kiến khác nhau., nhiều nội dung chưa có phương án tiếp thu, cần khẩn trương tích cực bổ sung, rà soát, hoàn thiện. Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị các đại biểu Quốc hội tham gia ý kiến về những vấn đề trọng tâm trong báo cáo cũng như các vấn đề các đại biểu quan tâm.

toan-canh-bt-khanh.jpg
Toàn cảnh phiên họp.

Tham gia ý kiến về những vấn đề trọng tâm trong báo cáo cũng như các vấn đề các đại biểu quan tâm, đại biểu Trần Văn Lâm - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang đề nghị tiếp tục cụ thể hóa một số nội dung Nghị quyết số 18-NQ/TW trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi);

Đại biểu Dương Khắc Mai - Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông cho rằng cần cân nhắc nội dung về đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số; đại biểu Nguyễn Thiện Nhân - Đoàn ĐBQH TP. Hồ Chí Minh đề nghị xác định rõ thuộc tính của đất để mang lợi ích tốt nhất đối với quốc gia;

Đại biểu Đinh Thị Phương Lan - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi góp ý cần tiếp tục rà soát để làm rõ, quy định cụ thể trong luật; Đại biểu Nguyễn Công Long - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai cho rằng cân nhắc quy định tại Điều 127 theo hướng: chỉ cho phép các bên thỏa thuận để thực hiện các dự án thương mại phù hợp với mục đích sử dụng đất; Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa - Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn đề nghị bổ sung nguyên tắc bền vững trong sử dụng đất; Đại biểu Lò Thị Luyến - Đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biêncho rằng cần quy định rõ trong luật về thẩm quyền của chính quyền địa phương trong chuyển đổi mục đích sử dụng đất; Đại biểu Nguyễn Văn Huy - Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình tán thành việc mở rộng đối tượng nhận chuyển nhượng đất nông nghiệp.

Đối với các đại biểu quốc hội đoàn ĐQBH Tp.Hà Nội, Đại biểu Lê Nhật Thành kiến nghị tháo gỡ vướng mắc khi thực hiện giao đất dịch vụ; Đại biểu Phạm Thị Thanh Mai - Đoàn ĐBQH Tp. Hà Nộicho rằng cần giải thích rõ khái niệm “mục đích sử dụng đất"; Đại biểu Nguyễn Anh Trí - Đoàn ĐBQH Tp.Hà Nội cho rằng cần quy định cụ thể vấn đề thu hồi đất đối với các dự án bị tắc nghẽn.

300820231109-kim-ngan.jpg
Đại biểu Hồ Thị Kim Ngân - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn: Rà soát để bảo đảm thống nhất, đồng bộ giữa Luật Đất đai với Luật Bảo vệ môi trường, Luật Lâm nghiệp

Hội nghị cũng nghe đại biểu Trần Đình Gia - Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh kiến nghị dự án Luật cần phát huy tiềm năng, lợi thế của đất; Đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh cho rằng phải rà soát, bổ sung quy định về phân loại đất trong dự thảo luật; Đại biểu Phạm Văn Hòa - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp đề nghị cân nhắc đối tượng được chuyển quyền sử dụng đất mà không trực tiếp canh tác, sản xuất; Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga - Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương cần quy định khái niệm “chiếm đất” sát với thực tiễn hơn. Trong khi đó, đại biểu Hồ Thị Kim Ngân - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn: Rà soát để bảo đảm thống nhất, đồng bộ giữa Luật Đất đai với Luật Bảo vệ môi trường, Luật Lâm nghiệp.

Bộ TN&MT phối hợp với Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tiếp thu ý kiến của Đại biểu Quốc hội

Phát biểu giải trình, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh cho biết, sau kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tiếp thu ý kiến của Đại biểu Quốc hội, cân nhắc, rà soát, thảo luận kỹ các nội dung trình Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách và tiếp tục hoàn thiện trình tại kỳ họp thứ 6 tới.

300820231120-bo-truong-dang-quoc-khanh-1-.jpg
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh phát biểu giải trình.

Bộ trưởng cũng cho biết, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang chuẩn bị dự thảo 3 nghị định và các thông tư hướng dẫn thực hiện Luật trình tại kỳ họp thứ 6 để đại biểu Quốc hội xem xét cho ý kiến.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng giải trình về một số nội dung cụ thể, trong đó có quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất quốc gia, cấp tỉnh, cấp huyện, Bộ trưởng khẳng định, tinh thần sửa đổi luật là bám sát theo Nghị quyết số 18 của Trung ương. Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, đối với quy hoạch đất quốc gia chỉ đưa các chỉ tiêu chính, như đất rừng, đất lúa, đất quốc phòng, an ninh.

Về thẩm quyền của các địa phương trong chuyển đổi mục đích sử dụng đất, Nghị quyết của Quốc hội giao địa phương chuyển đổi và trong luật Đất đai đã phân cấp với địa phương; Luật Đất đai sẽ điều chỉnh để thống nhất, thông suốt với Luật Lâm nghiệp.

Về đất đai cho đồng bào dân tộc thiểu số, tiếp thu ý kiến của đại biểu, cơ quan soạn thảo sẽ nghiên cứu, xem xét quy định chính sách đất cho sinh hoạt cộng đồng; đồng thời, nêu rõ trách nhiệm giao đất cho đồng bào dân tộc thiểu số.

Bộ trưởng cũng cho biết, đối với các quy định về thu hồi đất vì lợi ích quốc gia, dân tộc; về cơ chế thỏa thuận; về giá đất, ban soạn thảo cũng tiếp thu ý kiến đại biểu nêu hoàn thiện quy định này.

Liên quan đến ý kiến đại biểu nêu về tình trạng đầu cơ đất nông nghiệp, Bộ trưởng cho biết, dự thảo đã quy định cụ thể, thận trọng, tránh lợi dụng chính sách.

Bộ trưởng nhấn mạnh, Luật Đất đai là luật đồ sộ, ảnh hưởng lớn đến kinh tế xã hội của đất nước cũng như đời sống của nhân dân. Trong quá trình xây dựng luật được cân nhắc kỹ lưỡng các nội dung đưa vào luật. Bộ trưởng cảm ơn đại biểu Quốc hội chuyên trách tiếp tục cho ý kiến đóng góp, Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng với Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tiếp thu, hoàn thiện, trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6 tới.

300820231152-999999.jpg
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu kết luận nội dung phiên thảo luận.

Phát biểu kết luận nội dung phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nêu rõ, các đại biểu ghi nhận, đánh giá cao tinh thần làm việc trách nhiệm của Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, các cơ quan của Chính phủ, các cơ quan hữu quan, các cơ quan của Quốc hội, đặc biệt là Ủy ban Kinh tế, các cơ quan hữu quan trong việc tiếp thu đầy đủ, nghiêm túc ý kiến nhân dân và các ý kiến tham gia, hoàn thiện chỉnh lý dự thảo luật với tinh thần chi tiết, cầu thị, nghiêm túc, xem xét thận trọng, trách nhiệm.

Các ý kiến phát biểu nhất trí với nhiều nội dung đã được tiếp thu, chỉnh lý, các đại biểu cũng đề nghị cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa các cơ quan, khẩn trương tích cực, tập trung nhân lực và thời gian để đảm bảo dự án luật đạt chất lượng, đồng bộ, thống nhất với các luật liên quan, đặc biệt là Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản đang được sửa đổi.

Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Tổng Thư ký Quốc hội tổng hợp ý kiến thảo luận, có báo cáo gửi đến các đại biểu Quốc hội và các cơ quan hữu quan để nghiên cứu, tiếp thu, giải trình hoàn thiện dự thảo luật. Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ phối hợp với Chính phủ chỉ đạo các cơ quan hữu quan nghiêm túc tiếp thu ý kiến các đại biểu Quốc hội, ý kiến của các đoàn ĐBQH, các cơ quan tổ chức hữu quan để tiếp tục hoàn thiện dự thảo luật, các tài liệu liên quan, thực hiện trình tự các bước công việc theo đúng quy định của pháp luật.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đại biểu Quốc hội chuyên trách xem xét, cho ý kiến về một số vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau đối với dự án Luật Đất đai (sửa đổi)
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO