Đại biểu Quốc hội: Cần có chiến lược vắc xin cho năm 2022

Thanh Tùng| 21/10/2021 17:29

(TN&MT) - Đó là ý kiến của đại biểu Trần Thị Nhị Hà (Đoàn ĐBQH Hà Nội) trong phiên thảo luận về công tác phòng, chống dịch COVID-19, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, sáng ngày 21/10.

Quang cảnh thảo luận tại tổ của Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội sáng 21/10

Tiếp tục chương trình làm việc của Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, sáng 21/10 các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về: Kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; Báo cáo về công tác phòng, chống dịch COVID-19 và tình hình thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15 về Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV; Tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2021, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2022 và Kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 3 năm 2022 – 2024.

Duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh ở những nơi đủ điều kiện

Thảo luận về công tác phòng, chống dịch COVID-19 và tình hình thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15, đại biểu Nguyễn Mạnh Tiến (đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh), nhấn mạnh những khó khăn, gian khổ, sự mất mát, hy sinh của đồng bào, chiến sĩ trong công tác phòng chống dịch; đề nghị cần có các hình thức, cách thức thiết thực, hiệu quả để tri ân các lực lượng, đồng bào, chiến sĩ có nhiều đóng góp cho công tác phòng, chống dịch thời gian qua. Đồng thời, cần quan tâm duy trì phù hợp hoạt động sản xuất, kinh doanh ở những nơi đủ điều kiện, an toàn dịch bệnh, hạn chế thấp nhất đứt gãy chuỗi sản xuất, cung ứng, lao động. Trong phát triển kinh tế, cần đặc biệt chú trọng phát huy thế mạnh của nông nghiệp trong bối cảnh hiện nay - một ngành được coi là bệ đỡ của nền kinh tế, góp phần lớn trong bảo đảm an ninh lương thực quốc gia.

Đại biểu Nguyễn Mạnh Tiến cũng đề nghị cần đặc biệt quan tâm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, có các chính sách hiệu quả trong thu hút đầu tư nước ngoài. Tăng cường các hoạt động đào tạo nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao để đáp ứng cho nhu cầu việc làm của các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế.

Đánh giá về công tác phòng, chống dịch COVID-19 thời gian qua, đại biểu Trịnh Xuân An (Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai) cho rằng, công tác phòng, chống dịch COVID-19 của nước ta đã có nhiều thành quả tích cực, có sự thông suốt trong chỉ đạo, điều hành. Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng một số địa phương chưa nắm chắc được tình hình dịch bệnh như Thủ tướng đã chỉ ra trong một số lần họp trực tuyến với các địa phương.

Đại biểu đến từ Đồng Nai nhấn mạnh, hiện nay trong điều hành chống dịch vẫn còn có tình trạng lo lắng quá nên không dám đưa ra quyết sách. "Tôi nghĩ rằng cần phải linh hoạt, chuyển từ quá lo sợ sang tự tin chiến thắng. Không chỉ vì quá lo sợ mà làm chậm đi quá trình phục hồi kinh tế. Tâm lý quá lo sợ dẫn đến "cát cứ" cần phải có chẩn chỉnh nghiêm khắc", đại biểu Trịnh Xuân An nói. Bên cạnh đó, ông An cũng cho rằng, công tác phòng, chống COVID-19 chưa phát huy nguồn lực y tế tư nhân, hay cần tránh tình trạng loạn giá xét nghiệm SARS-CoV-2.

Đại biểu Bùi Văn Cường (Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương) phát biểu trong buổi thảo luận sáng 21/10

Đại biểu Bùi Văn Cường (Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương) bày tỏ sự đồng tình với báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của các Uỷ ban. Theo đó, bên cạnh những kết quả đạt được, trong lĩnh vực phòng chống dịch COVID-19, báo cáo đã chỉ ra những hạn chế, tồn tại như công tác phòng chống dịch có lúc, có nơi còn bị động, lúng túng trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện. “Chúng ta đã nhìn thẳng vào sự thật, không tô hồng cũng không bôi đen”, đại biểu Bùi Văn Cường nói.

Đại biểu Bùi Văn Cường cũng nhấn mạnh đến những thành công trong việc ngoại giao vắc xin của lãnh đạo Đảng, Nhà nước từ Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội trong các cuộc điện đàm, trao đổi cấp cao, gặp gỡ song phương, đa phương đều có những kiến nghị liên quan đến hỗ trợ v vắc xin. Bên cạnh đó, ông Cường cũng nêu ra những sự cố gắng của đội ngũ tuyến đầu, y tế cơ sở trong cuộc chiến chống dịch COVID-19.

Đi trước một bước trong vấn đề vắc xin

Về định hướng phòng, chống dịch bệnh trong thời gian tới, đại biểu Bùi Văn Cường cho rằng cần tập trung giảm tỉ lệ tử vong. Tiêu chí xác lập tình trạng bình thường như thế nào để các địa phương cùng áp dụng giúp cho giao thương, đi lại của người dân mới thuận lợi. Các địa phương có thể ban hành các quy định phù hợp nhưng không vi phạm các tiêu chí về bình thường mới. Đặc biệt, cần tập trung về vấn đề vắc xin, nhất là với những “vùng trũng”, vùng miền núi và dân tộc thiểu số.

Đại biểu Bùi Văn Cường cho rằng, cần đi trước một bước trong vấn đề vắc xin phòng COVID-19. Với các hãng dược phẩm sản xuất có nghiên cứu, bắt đầu sản xuất thì nước ta có thể đặt hàng ngay, phải đi tắt đón đầu so với các nước khác. Nếu để bị động, chạy theo sẽ khó khăn trong việc tiếp cận.

Nhấn mạnh đại dịch COVID-19 đã làm ảnh hưởng rất lớn đến đời sống người dân, doanh nghiệp và đến nay chưa có số liệu thống kê chính xác... đại biểu Hoàng Anh Công (Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên), đại biểu Nguyễn Vân Chi (Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An) cho rằng, nhiệm vụ phục hồi kinh tế hiện nay đặt ra nhiều vấn đề cấp bách. Để phục hồi được kinh tế, cần phải có các gói kích cầu đủ mạnh, có sự hỗ trợ hiệu quả về tín dụng, tài chính để duy trì lại các hoạt động sản xuất kinh doanh, gắn liền với các chính sách giảm, miễn, hoãn, giãn thuế đối với doanh nghiệp, các hộ sản xuất, kinh doanh; đưa ra những chính sách tổng thể, toàn diện hơn về thuế trong hỗ trợ người dân, doanh nghiệp.

“Nhiều chủ trương, giữa chính sách được ban hành và thực hiện trên thực tế bao giờ cũng có độ vênh, khoảng cách khá lớn, độ trễ dài, các điều kiện đặt ra thì rất khó khăn, ngặt nghèo… Đây là những tồn tại rất lớn cần phải quan tâm khắc phục trong hỗ trợ người dân, doanh nghiệp để phục hồi kinh tế, bảo đảm đời sống nhân dân”, đại biểu Hoàng Anh Công nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, để phòng chống, kiểm soát dịch bệnh hiệu quả, đại biểu Trần Thị Nhị Hà (Đoàn ĐBQH Hà Nội) đề xuất Chính phủ cần chủ động có chiến lược vắc xin cho năm 2022 để mở rộng tiêm chủng cho người dân, trước tiên là dành cho đối tượng học sinh, trẻ em. Bên cạnh đó, cần tăng cường y tế dự phòng, y tế cơ sở, huy động sự đóng góp công sức của Nhân dân trong phòng chống dịch. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao ý thức phòng chống dịch cần thống nhất từ Trung ương đến địa phương, sao cho người dân tự ý thức được phòng chống dịch cho bản thân, gia đình và cộng đồng. Ngoài ra, cần có nguồn lực dự trữ quốc gia cho công tác phòng, chống dịch. Việc mua sắm, đấu thầu thiết bị y tế cũng cần thực hiện một cách khoa học, tính toán kỹ lưỡng để tránh tình trạng khi cần đến thì không có, khi không cần đến thì dư thừa.

 Đại biểu Nguyễn Quốc Duyệt (Đoàn ĐBQH Hà Nội) phát biểu tại tổ

Về tình hình dịch COVID-19 tại Hà Nội, đại biểu Nguyễn Quốc Duyệt (Đoàn ĐBQH Hà Nội) nêu quan điểm, việc chung sống an toàn với dịch bệnh, cần phải có chính sách tổng thể, chứ không thể chạy theo tình huống. Theo ông Nguyễn Quốc Duyệt, mặc dù Thành phố Hà Nội đã đạt được những kết quả trong phòng chống dịch bệnh nhưng không thể chủ quan vì vẫn còn đứng trước nguy cơ lẫy nhiễm khi đón nhận lượng người nhập cảnh qua sân bay Nội Bài còn rất lớn, người dân từ các nơi lên Hà Nội làm việc, sinh sống, học tập còn đông. Vì thế, Thành phố cần tiếp tục đánh giá tình hình diễn biến của dịch bệnh tại các địa bàn; lấy ý kiến từ dư luận xã hội về phương án phòng chống dịch bệnh, không để khủng hoảng y tế khi có dịch. Bên cạnh đó, cần phát huy tốt công năng của các bệnh viện dã chiến; đưa lực lượng y tế, quân y đến tận xã phường. Ngoài ra, cần mở rộng tiêm chủng vắc xin, đẩy nhanh việc sản xuất vắc xin phòng chống Covid-19 ở trong nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đại biểu Quốc hội: Cần có chiến lược vắc xin cho năm 2022
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO