“Đại án” tham nhũng Vifon: Đưa tay vào túi mình lấy tiền cũng phạm tội!

26/11/2013 00:00

(TN&MT) Chiều hôm qua (25/11), phiên xử “đại án” tham nhũng tại Công ty Vifon tiếp tục diễn ra với phần tranh luận của các luật sư bào chữa cho các bị cáo với...

   
(TN&MT) Chiều hôm qua (25/11), phiên xử “đại án” tham nhũng tại Công ty cổ phần kỹ nghệ thực phẩm Việt Nam (Vifon) tiếp tục diễn ra với phần tranh luận của các luật sư bào chữa cho các bị cáo với VKSND. 3 luật sư (LS) đăng tòa là Nguyễn ĐăngTrừng; Phan Trung Hoài và Lê Hồng Nguyên. Sự vắng mặt của 2 bộ Công Thương và Tài chính cũng như “từ chối” nguyên đơn dân sự của 2 bộ này là nội dung chiếm nhiều thời gian trong các bài bào chữa của các LS.
   
Nguyên Phó Tổng giám đốc Vifon Nguyễn Thanh Huyền bật khóc tại tòa khi nghe VKS đề nghị
mức án 28-30 năm tù.
   
  Luật sư bào chữa cho bị cáo Nguyễn Bi (nguyên Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Vifon) cho rằng đã không xác định được người bị hại, bởi cả Bộ Tài chính và Bộ Công Thương đều từ chối quyền nguyên đơn dân sự. Ngoài ra việc 2 bộ này từ chối quyền đại diện dân sự cũng có nguyên do mà theo vị LS là bởi 2 bộ này không phải là đại diện dân sự. LS dẫn chứng: Số tiền thưởng mà Bộ Công thương đã ký cho Vifon rồi, xét về quyền sử dụng khoản tiền thưởng là do Vifon tự quyết định, việc Nguyễn Bi tự quyết định chia thưởng như thế nào là quyền của Vifon, “việc bộ 2 bộ từ chối quyền đại diện dân sự với các khoản tiền này là đúng bởi đã có văn bản cho rồi mà chưa có văn bản lấy lại thì 2 bộ này hiển nhiên không còn đại diện cho các khoản tiền này nữa” LS Lê Hồng Nguyên nói. Tương tự là các khoản tiền thưởng khác, LS Nguyên thừa nhận Nguyễn Bi có sai nhưng chỉ sai về mặt thủ tục, trình tự vì nếu đúng là Vifon phải có qui chế khen thưởng rồi căn cứ vào đó thực hiện, nhưng Vifon mới cổ phần hóa nên chưa có ban hành qui chế, nhưng số tiền thưởng đó cũng trong tay của những người làm ở vifon thì không sai về mặt bản chất. Đề cập tới sai phạm của Nguyễn Bi mà Viện kiểm sát đề nghị Hội đồng xét xử đề cập “thiếu tinh thần…” LS Nguyên nói rằng, tất cả các hành động của Nguyên Bi điều chưa gây ra thiệt hại bởi còn trong vòng nội bộ của Vfon, số tiền mà thông qua các chữ ký của Bi là chuyển đổi lòng vòng từ các khâu của Vifon, còn việc ai đó từ các chữ ký của Bi rồi chiếm đoạt là sai phạm của người đó “nếu cắt khúc từ khâu Nguyễn Bi ký xong các loại giấy tờ thì tiền bạc Vifon vẫn còn trong vòng kiểm soát của Vifon, không thiệt hại gì thì không thể kết tội được” LS Nguyên nói. Ngoài ra LS cũng đề cập tới khoản tiền mà VKS cáo buộc Bi nhận (khoản 2,3 tỷ đồng mà Vifon chuyển qua tài khoản của con rễ Nguyễn Bi), LS cho rằng đó là tiền của Bi, bởi sau khi Bi không còn làm ở Vifon, Bi mới đòi khoản tiền này (bao gồm lương, lãi suất và tiền mà Bi đóng vào tài khoản huy động), từ chỗ Bi đòi và Vifon mới chuyển trả “không có lý do gì mà bị cáo Bi đòi tiền của mình rồi nay lại bị truy tố vì tội tự lấy tiền mình được, kiểu như đưa tay vào túi mình lấy tiền mà bị bắt vậy”, LS Lê Hồng Nguyên “ví von”.
   
  Luật sư Phan Trung Hoài, bào chữa cho bị cáo Nguyễn Thanh Huyền (nguyên Phó Tổng giám đốc Vifon) cũng “xoáy” vào sự vắng mặt của 2 bộ Tài chính, Công thương. Cho rằng về mặt lịch sử quá trình hình thành Vifon, thời điểm vốn 100% nhà nước, từ thời gian 51% vốn Nhà nước và đến khi 100% cổ đông tư nhân, cần phải có cái nhìn xuyên suốt các giai đoạn để biết được vốn Nhà nước có bị các bị cáo chiếm đoạt hay không? Trong khi đó, nguyên đơn dân sự lại từ chối trách nhiệm của mình, thậm chí không tham gia phiên tòa”. Luật sư Phan Trung Hoài cũng nhấn mạnh: “Cần xác định các bị cáo chiếm đoạt của Nhà nước là bao nhiêu? Toàn bộ phần vốn của Nhà nước giao cho các bị cáo quản lý, đã được bảo toàn, cũng như các phần vốn liên doanh đều được báo cáo cơ quan thuế, Bộ Công nghiệp… là 127 tỉ đồng, số tiền này không bị chiếm đoạt mà đã được giao về cho Nhà nước. Đối với số tiền 43 tỉ đồng là phần chi phí của Vifon bỏ ra liên doanh với 2 Cty khác. 43 tỉ đồng này đều được báo cáo rất rõ về Bộ Công nghiệp, Cục Thuế TPHCM. Như vậy, 43 tỉ đồng nằm trong phần vốn của Nhà nước đặt tại Vifon, mặc dù Vifon báo cáo đến Bộ Công nghiệp, Cục Thuế TPHCM để xem xét xử lý, thế nhưng các cơ quan chức năng này chưa trả lời, thì lại có đơn tố cáo là bà Huyên âm mưu chiếm đoạt. Như vậy tố cáo này là không chính xác”. Về khoản tiền hơn 9,8 tỉ đồng mà VKS truy tố bị cáo Huyền và thu hồi, thì đây là không phải nguồn tiền của Nhà nước, nên đề nghị HĐXX xem xét. Kiến nghị HĐXX xem xét đối với giám định viên, vì giám định này vi phạm nghiêm trọng các quy định, vì giám định viên ra bản giám định lại đi buộc tội các bị cáo. Giám định viên tư pháp của Bộ Tài chính cử làm giám định viên, giám định thiệt hại, nhưng Bộ Tài chính lại là nguyên đơn dân sự trong vụ án, là người bị hại trong vụ án, vậy có khách quan không? Việc VKS cho rằng Nguyễn Thanh Huyền chiếm đoạt tài sản của Vifon, nhưng hiện nay Vifon lại đang nợ gia đình bà Huyền trong 2 bản án phúc thẩm do TAND Tối cao đã tuyên, mặc dù phía Vifon cho rằng đang kiến nghị giám đốc thẩm 2 bản án này. Nhưng đến thời điểm này, thì Vifon vẫn nợ của gia đình bà Huyền hơn 12 tỉ đồng. Trong khi đó, quy buộc bà Huyền chiếm đoạt của các cổ đông Vifon số tiền 1,3 tỉ đồng là không có căn cứ - luật sư Phan Trung Hoài khẳng định.
   
  Luật sư Nguyễn Đăng Trừng bào chữa cho 2 bị cáo Hồng và Liên đề nghị HĐXX xem xét giảm nhẹ hình phạt so với VKS đề nghị, vì những bị cáo này khai báo thành khẩn, thân nhân tốt, vi phạm lần đầu, cũng như phạm tội hạn chế...
   
  Hôm nay (25/11) tòa tiếp tục xét xử với phần tranh tụng tại tòa, theo dự kiến ban đầu, tòa sẽ tuyên án trong hôm nay 26/11.
   
  Báo Tài nguyên và Môi trường sẽ thông tin cùng bạn đọc.
   
  Bài & ảnh: Tân Châu.
   
   
  
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Đại án” tham nhũng Vifon: Đưa tay vào túi mình lấy tiền cũng phạm tội!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO