Sắc màu dân tộc tôn giáo

Đặc sắc tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây của đồng bào dân tộc Khmer

Lê Hùng 22:15 21/05/2023

(TN&MT) - Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây là nét văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc Khmer - là Tết tràn đầy hy vọng, niềm vui và niềm tin, là thời điểm khởi đầu cho một năm mới bởi trời đất giao hòa, mùa nắng chuyển sang mùa mưa, cây cối đâm chồi nảy lộc...hướng tới một năm mới may mắn, tốt lành, người người mạnh khỏe, mùa màng bội thu.

a11-dac-sac-tet-co-truyen.jpg
Những Điệu múa lâm thôn truyền thống không thể thiếu trong các buổi lễ, hội của đồng bào Khmer

Vào thời điểm diễn ra Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây của đồng bào Khmer ( khoảng trung tuần tháng tư dương lịch hằng năm), có dịp về các phum sóc hay các chùa Phật giáo Nam tông Khmer, chúng ta dễ dàng cảm nhận được không khí rộn ràng, nô nức của bà con phật tử cũng như các vị chư tăng chuẩn bị đón tết cổ truyền thật đầm ấm, vui tươi và hạnh phúc.

Theo quan niệm của đồng bào dân tộc Khmer, Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây diễn ra vào thời điểm kết thúc mùa nắng chuẩn bị bước sang mùa mưa. Đây là thời điểm trời đất giao hòa, muôn cây xanh tốt, đâm chồi nảy lộc được người Khmer quan niệm là sự khởi đầu cho một năm mới gọi là Chôl Chnăm Thmây.

Tết Chôl Chnăm Thmây không chỉ thể hiện quan niệm của người Khmer về chu kỳ vận chuyển của năm, mà còn nhằm giáo dục con người về tấm lòng hiếu thảo, đoàn kết, gắn bó thương yêu nhau trong các phum sóc và cũng là dịp để mọi người gặp gỡ chúc mừng, bàn bạc, trao đổi kinh nghiệm trong sản xuất.

Không chỉ thế, những ngày Tết Chôl Chnăm Thmây còn là dịp để dân tộc Kinh, Khmer, Hoa,…tại vùng đồng bằng sông Cửu Long thắt chặt tinh thần đoàn kết, cùng nhau xây dựng quê hương ngày càng giàu, đẹp.

a22-dap-niu-cat.jpg
Tục lễ đắp núi cát tại các chùa dịp Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây của bà con phật tử với mong muốn tạo công đức, cầu phước cho gia đình.

Theo TS, Thượng tọa Lý Hùng, Phó trưởng Ban trị sự - Trưởng ban Pháp chế Giáo hội Phật giáo Việt Nam TP. Cần Thơ, Trụ trì Chùa PiTu Khôsa RăngSây (quận Ninh Kiều) cho biết: Cũng giống như Tết cổ truyền của người Việt, Tết Chôl Chnăm Thmây của đồng bào Khmer cũng diễn ra trong 3 ngày sau thời điểm giao thừa, với các nghi lễ như rước Đại tịch, dâng cơm, đắp núi cát, tắm tượng phật và cầu siêu. Trong những ngày Tết, bà con phật tử ngoài việc tham gia vào các buổi lễ được tổ chức trong các chùa, họ còn tham gia biểu diễn các loại hình nghệ thuật văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc Khmer như hát múa rô băm, hát dù kê, múa trống Sadăm;…

Theo TS, Thượng tọa Lý Hùng, nghệ thuật hát dù kê do chính người Khmer ở đồng bằng sông Cửu Long sáng tạo nên vào khoảng đầu thế kỷ XX. Sau hơn một thế kỷ hình thành và phát triển, hát dù kê đã có sức ảnh hưởng mạnh mẽ đến đời sống văn hóa, tinh thần của người dân Khmer vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Ngoài tham gia biểu diễn các loại hình nghệ thuật đặc sắc, trò chơi dân gian, bà con phật tử cùng với chư tăng còn tổ chức đắp núi cát trong khuôn viên chùa để cầu nguyện trong năm mới mọi sự tốt lành sẽ đến với gia đình và cũng là hành động để tích đức mai sau.

Đề cập đến tục lễ đắp núi cát, Thượng tọa Lý Đức, Đại biểu Quốc hội khóa XV, nhiệm kỳ 2021 - 2026, Phó trưởng Ban trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh Sóc Trăng, Trụ trì Chùa Som Rông cho rằng, tục đắp núi cát vào dịp Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây là một nghi lễ rất quan trọng đối với bà con phật tử Khmer, do vậy mà việc duy trì tập tục này qua nhiều thế kỷ đã góp phần vào bảo tồn, gìn giữ những giá trị truyền thống văn hóa tốt đẹp của đồng bào Khmer.

“Tục đắp núi cát không chỉ là tục lễ tạo công đức, cầu phước cho gia đình bào con phật tử mà còn thể hiện sự đoàn kết của phật tử và sư sãi trong việc chăm lo cho chùa, nơi được ví như trung tâm sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng tôn giáo của đồng bào Khmer”- Thượng tọa Lý Đức cho biết.

a33-n.jpg
Bộ nhạc trống quý giá đồng bào Khmer ở vùng đồng bằng sông Cửu Long 

TS, Thượng tọa Lý Hùng cho rằng, trong thời gian qua do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, một số loại hình nghệ thuật văn hóa đặc sắc của đồng bào Khmer đang bị mai một. Để gìn giữ và phát huy văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc Khmer mãi mãi về sau, trong thời gian tới, Ban trị sự Giáo hội Phật giáo sẽ làm việc với các cơ quan, đơn vị chức năng của TP. Cần để đề xuất phục dựng lại một số loại hình nghệ thuật văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc Khmer trong các lễ, hội. Trước mắt, sẽ phục dựng hát dù kê và cố gắng mỗi năm phục dựng được từ một đến hai tiết mục văn hóa, văn nghệ đặc trưng của đồng bào dân tộc Khmer.

Còn tại tỉnh Hậu Giang, nhằm bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc Khmer, vừa qua tỉnh Hậu Giang đã hỗ trợ 6 chùa Phật giáo Nam tông Khmer trên địa bàn tỉnh những nhạc cụ, trang phục dân tộc Khmer dành cho sinh hoạt loại hình nghệ thuật Aday. Các nhạc cụ gồm trống Aday, đờn cò, gáo, bá nguyệt, sáo trúc, chum, góp phần giúp đồng bào Khmer có đủ nhạc cụ, trang phục để trình diễn nghệ thuật Aday vào các dịp lễ, tết.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO