(TN&MT) - Lễ hội Mường Xia là sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng quan trọng trong đời sống văn hóa, tinh thần của người Thái, huyện Quan Sơn (Thanh Hóa). Đây là dịp để nhân dân tri ân, tưởng nhớ công ơn của Tướng quân Tư Mã Hai Đào - người có công lớn trong việc đánh tan quân xâm lược, trấn ải biên cương, mang lại cuộc sống ấm no cho người dân dọc biên giới miền Tây xứ Thanh.
Truyền thuyết Tướng quân Tư Mã Hai Đào
Lễ hội Mường Xia là một lễ hội văn hóa đặc sắc, tái hiện sự hình thành lâu đời của Mường Xia gắn với lịch sử hình thành từ Mường Chu Sàn, truyền thuyết về tình yêu của đôi trai tài gái sắc nơi núi Pha Dùa và những phong tục tập quán, tín ngưỡng của người Thái đất Mường Xia.
Đồng thời lễ hội còn thể hiện sự tri ân công đức của các thế hệ người Mường Xia đối với vị thần có công bảo vệ biên cương lãnh thổ, xây dựng Mường Xia trở nên phồn thịnh. Nhân vật “Tư Mã Hai Đào – Phò Mã Tén Tằn” đã đi vào lịch sử, vị anh hùng đi theo tiếng gọi của non sông, gìn giữ biên cương nơi đầu sóng ngọn gió.
Truyền thuyết kể rằng, Tư Mã Hai Đào là con thứ hai trong một gia đình ở Mường Đào (nay thuộc xã Điền Quang, huyện Bá Thước). Hai Đào mồ côi cha mẹ từ khi còn nhỏ, nên phải đi ở, chăn trâu cho nhà quan lang. Lớn lên, Hai Đào có dáng người cao lớn, tướng mạo phi phàm, tinh thông võ nghệ. Nghe tin triều đình mở hội thi võ, chiêu mộ anh tài cho đất nước, Hai Đào được theo quan lang lên kinh kỳ, dâng sớ tấu trình tham gia hội thi năm ấy.
Trên võ đài, Hai Đào liên tục thắng trận khiến cho bao người phải trầm trồ thán phục. Và cũng từ đây, chàng trai miền sơn cước đã lọt vào mắt xanh của công chúa con vua. Chuyện đến tai, nhà vua cho Hai Đào vào yết kiến. Sau đó, nhà vua đồng ý tác thành cho đôi lứa, rồi truyền thầy đồ vào dạy học cho phò mã.
Lúc bấy giờ, tại vùng biên giới phía Tây xứ Thanh bị giặc giã cướp phá triền miên, làng bản xơ xác… khiến triều đình lo lắng. Phò mã Hai Đào xin phép vua cha cho cầm quân đi dẹp giặc. Vua sắc phong cho phò mã làm tướng, cấp lương thực, khí giới, ngựa đủ dùng. Hai Đào trở về quê hương, chiêu mộ thêm binh mường, rèn thêm vũ khí rồi xuất quân.
Nhờ sự chỉ huy tài tình, mưu lược, quân Hai Đào đã giành chiến thắng trên toàn tuyến biên giới từ Tén Tằn đến Mường Xia, giữ yên biên ải. Nhân dân vùng Tén Tằn được trở về quê cũ yên ổn làm ăn, yêu quý vị phò mã tướng quân, nên họ gọi ông là Phò mã Tén Tằn.
Lập được công lớn, tướng quân Hai Đào được triều đình phong chức quan Tư Mã nên được gọi là Tư Mã Hai Đào. Đất nước yên bình, Quan Tư Mã cho dựng đồn canh ở biên giới Tén Tằn, chia đất được phong cấp cho binh tướng dưới quyền cai quản.
Tư Mã hai Đào thấy vùng Mường Xia có núi Pha Dùa bao quanh thung lũng rộng lớn, có sông Luồng, suối Xia tụ hợp, thuận lợi cho việc trồng cấy lương thực và có bãi quần ngựa luyện quân và từ đây có tuyến đường bộ sang đồn Tén Tằn, cơ động bảo vệ cả tuyến dài biên giới. Vì vậy, ông đã chọn Mường Xia để xây dựng thủ phủ và sống đến cuối đời. Dưới sự cai quản của Quan châu Xia, tình hữu nghị giữa hai quốc gia có chung biên giới, hai dân tộc Việt - Lào anh em ngày càng trở nên thân thiết.
Sau khi quan Tư Mã Hai Đào qua đời, người dân Mường Xia an táng ông vào núi Pha Dùa “làm thần thiêng sông núi”, giữ cho cả Mường Xia được vía yên, vía khỏe…
Lễ hội Mường Xia đón nhận Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia
Trải qua những thăng trầm của lịch sử, Lễ hội Mường Xia vẫn được các thế hệ người dân truyền lại cho đến hôm nay. Để từ đó, chúng ta xây dựng được sự tự tôn dân tộc, trân trọng những di sản văn hóa quý giá mà cha ông để lại, khiến cho thế hệ sau thêm hiểu, thêm yêu và tự hào về cội nguồn dân tộc, về quê hương đất nước.
Theo truyền thống, lễ hội Mường Xia được diễn ra trong cả 2 ngày Mùng 9 và Mùng 10 tháng 2 Âm lịch, gồm có phần lễ và phần hội. Phần lễ là những lễ nghi được thể hiện tại 5 điểm thờ cúng (gồm: địa điểm đặt Hòn Đá Vía để cầu mong thần giữ cho Mường Xia được vía yên, vía khỏe; Đền Chính thờ thần Tư Mã; Xứa Tú Nặm - nơi núi Pha Dùa để xin thần mở cửa cho Nhân dân vào Mường Xia xem hội; Sần Cuống Xộp Xia để cúng lễ cho binh lính của thần bị chết trận; Và cuối cùng là Sần Phiềng Phay- cúng cho người lính của thần bị hổ ăn thịt trong khi làm nhiệm vụ.
Phần hội là một Chương trình nghệ thuật bản sắc văn hóa dân tộc ( Hát khặp, đánh trống chiêng, Bom bo, nhảy sạp, khua lóng,…) cùng với trò chơi dân gian và hiện đại như tung còn, tó mác lẹ, bắn nỏ, đẩy gậy, kéo co và bóng chuyền.
Ngày nay, Lễ hội Mường Xia không chỉ thu hẹp ở đồng bào dân tộc Thái thuộc xã Sơn Thủy (huyện Quan Sơn), lễ hội còn là nơi giao lưu, sinh hoạt văn hóa giữa các dân tộc anh em Thái, Kinh, Mường huyện Quan Sơn và Mường Đào, huyện Bá Thước (quê hương của Tư Mã Hai Đào), Mường Bén và Mường Xôi của nước bạn Lào
Vừa qua lễ hội Mường Xia được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đây là sự kiện văn hóa có ý nghĩa quan trọng, khẳng định sự nỗ lực cố gắng của chính quyền các cấp và Nhân dân huyện Quan Sơn trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bàn huyện.
Lễ đón nhận Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia Lễ hội Mường Xia, Lễ hội Mường Xia năm 2023 được diễn ra trong các ngày từ 28/2 đến 1/3.
Ông Lê Văn Thơ, Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Quan Sơn, tỉnh Thanh Hóa cho biết: Lễ hội Mường Xia là sinh hoạt văn hóa - tín ngưỡng độc đáo, đậm đà bản sắc và gắn với đạo lý truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” của người Thái huyện Quan Sơn. Lễ hội cũng là dịp để người dân trong vùng tri ân, tưởng nhớ công ơn của tướng quân Tư Mã Hai Đào - người có công lao to lớn tiến quân lên vùng biên viễn, diệt trừ quân xâm lược, trấn ải biên cương và mang lại cho người dân dọc biên giới phía tây Thanh Hóa cuộc sống yên lành, no ấm. Sau khi mất, tướng quân Tư Mã Hai Đào đã được Nhân dân trong vùng tôn thành thần Tư Mã Pha Dùa - người giữ vía cho bản mường.