"Đá tặc" tàn phá rừng nguyên sinh Xuân Lẹ

21/04/2017 00:00

(TN&MT) - Những cánh rừng ở Xuân Lẹ (Thường Xuân – Thanh Hóa) bao nhiêu năm nay vẫn “kêu cứu”. Nạn đá tặc, khiến rừng trở nên tiêu điều. Cũng có cả mạng người đã nằm xuống nơi rừng thiêng nước độc với ước vọng đổi đời.

Từ trung tâm xã Xuân Lẹ, theo chân người dẫn đường phải mất 2 tiếng đồng hồ vượt qua 6 con suối và hàng chục đèo dốc cao chót vót, men theo đường mòn. Những con đường gập ghềnh có những đoạn bị đào bới tung tóe, nhiều hố sâu hoắm do “đá tặc” đào bới, chúng tôi mới đến đầu thác Trai gái nơi được coi là địa đầu cho cuộc tìm kiếm đá xanh. Nơi đây là tàn tích của một thời cơn sốt đá xanh tràn qua. Hàng trăm người tứ phương đổ về Xuân Lẹ đem theo đó là ước vọng đổi đời từ đá xanh. Những cánh rừng nguyên sinh màu mỡ chỉ trong chốc lát đã tiêu điều, xơ xác. Hệ lụy của việc khai thác đá xanh là những hố sâu hàng chục mét, gốc cây nằm trơ lại, chết khô. Cơn lốc đá xanh tràn qua Xuân Lẹ để lại những hậu quả nghiêm trọng.

Hầm đá khai thác theo hình cổ chai, thế nên không may sập hầm phu đá chỉ có bỏ mạng dưới lòng đất.
Hầm đá khai thác theo hình cổ chai, thế nên không may sập hầm phu đá chỉ có bỏ mạng dưới lòng đất.

Vào ngày 8/2/2015, tại khu vực khai thác đá xanh trái phép thuộc đồi Tỷ xã Xuân Lẹ xảy ra sập hầm khiến 3 người tử vong. Sau đó, các ngành chức năng huyện Thường Xuân đã tổ chức cuộc truy quét, dẹp bỏ các lán trại đào đá quý. Thế nhưng, cũng chỉ im ắng được một thời gian, vấn nạn đá tặc lại tiếp tục bùng lên. Cái chết, nguy hiểm luôn cận kề cũng không bằng giấc mơ đổi đời.

Trong vai thợ săn phong lan rừng, nửa ngày vượt qua hàng chục con suối, chúng tôi đã tiếp cận được khu đào đá. Đó là những hố sâu thăm thẳm được đục khoét bằng mọi hình thức, nhiều mỏ đào theo phương thẳng đứng, lại có những mỏ đào kiểu hàm ếch, càng vào sâu diện tích càng hẹp dần như thắt cổ chai. Thế nên, nếu lỡ sập hầm, người ở trong bị đất đá vùi lấp dẫn tới ngạt thở rồi tử vong. Ranh giới giữa sự sống và cái chết chỉ trong gang tấc.

Một nhóm đào đá từ xã Vạn Xuân lên, đem theo đó là ước vọng đổi đời.
Một nhóm đào đá từ xã Vạn Xuân lên, đem theo đó là ước vọng đổi đời.

Đang ngồi nghỉ chân, chúng tôi đã gặp ngay một tốp người vừa rời khu vực khai thác đá ra. Qua trò chuyện với người dẫn đầu nhóm chúng tôi được biết: Anh và 6 anh em trong đội là người Bái Thượng (Thọ Xuân), lên đây khai thác đã hơn 3 tháng và anh đã không ngần ngại khoe những sản phẩm khai thác được là những viên đá xanh chưa đầy 3cm mà có giá trị tới 3 triệu đồng/viên. Chúng tôi dò hỏi, sao các anh không ở lại làm tiếp, anh nói chúng tôi chỉ về thăm nhà và nghỉ mấy hôm lại quay vào khai thác

Tại đồi thôn Liên Sơn, cách vị trí thác Xà Pạc không quá xa, chúng tôi bắt gặp một nhóm thợ gồm 4 người đang hì hục đào bới. Sau một hồi bắt chuyện, phu đá Cầm Bá Tài, trú tại thôn Na Mén, xã Vạn Xuân, Thường Xuân kể cho chúng tôi nghe về nghề: “Chúng tôi là người Vạn Xuân lên đây khai thác đá xanh được gần 2 năm, hàng tháng chỉ về nhà một lần để lấy đồ ăn, thức uống, sản phẩm đá khai thác được chủ yếu bán cho người Nghệ An và dân Bái Thượng (Thọ Xuân). Trung bình với 4 anh em khai thác đá xanh mỗi tháng cũng bán được từ 25 đến 30 triệu đồng. Nếu siêng năng chăm chỉ đào sẽ có ngày trúng tiền tỷ. Mỗi đội lên đây khai thác đều đi theo anh em, họ hàng từ nhiều vùng địa phương trong và ngoài huyện Thường Xuân. Công việc nặng nhọc phải đào rồi vận chuyển đất lên khỏi hầm nên đòi hỏi người có sức khỏe mới làm được. Trước khi đi, cả nhóm phải chuẩn bị đầy đủ lương thực, quần áo cho cả chuyến đi.

Những cánh rừng tiêu điều, xơ xác vì đá tặc, lâm tặc.
Những cánh rừng tiêu điều, xơ xác vì đá tặc, lâm tặc.

Tiếp tục đột nhập sâu vào các địa điểm khai thác, chúng tôi tiếp cận được một đội đang đào múc và vận chuyển đất trong hầm ra bên ngoài để tìm đá quý. Người có tên là Trung đứng cạnh chúng tôi trên miệng hầm đang khai thác cho biết: anh là người thị trấn Thường Xuân, tổ khai thác gồm có 7 người được chia thành 2 nhóm. Phải đào sâu xuống lòng đất là 12m đến 14m may ra mới tìm thấy từ 1 đến 2 viên là đá xanh quý.

Ông Hoàng Trọng Lưu, Chủ tịch UBND xã Xuân Lẹ thao thao bất tuyệt: “Triển khai công tác QLBVR, đầu năm 2017 địa phương đã thành lập một tổ chốt tiến hành kiểm tra, rà soát hàng ngày, cuối tuần đều tổng hợp, báo cáo chi tiết. Hiện nay trên địa bàn không có điểm nóng về rừng, nhân dân sinh hoạt, canh tác sản xuất ổn định. Về vấn đề khai thác đá quý, không chỉ người dân bản địa mà nhiều trường hợp khác từ xã Vạn Xuân (Thường Xuân), Bái Thượng (Thọ Xuân), huyện Như Xuân, tỉnh Nghệ An cũng tham gia, tuy nhiên việc này cơ bản đã chấm dứt từ năm 2014?

Sau khi PV trao đổi với ông Nguyễn Văn Khánh – Trưởng phòng TNMT huyện Thường Xuân về thực trạng khai thác đá xanh ở Xuân Lẹ. Ông Khánh cho biết mới tuần trước chúng tôi vừa đi kiểm tra, không có tình trạng khai thác đá xanh ở Xuân Lẹ. Khi được hỏi, phòng đi kiểm tra ở đồi Tỷ và khẳng định là không có đúng không? Thì ông Khánh viện lý do anh em trong phòng đi kiểm tra, rồi cáo “bận họp”.

Vấn nạn đá tặc, lâm tặc chưa bao giờ thôi nóng ở Xuân Lẹ!

                                                                                                    Thanh Tâm

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
"Đá tặc" tàn phá rừng nguyên sinh Xuân Lẹ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO