Đa số ý kiến thống nhất với Dự thảo Luật Khí tượng thủy văn

05/11/2015 00:00

(TN&MT) - Hôm nay 05/11, Quốc hội sẽ nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật khí tượng thủy văn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ngay sau đó, Quốc hội sẽ thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Khí tượng thủy văn (KTTV). Ngay trước phiên họp, phóng viên Báo TN&MT đã có cuộc phỏng vấn TS. Võ Tuấn Nhân - Phó Chủ nhiệm Ủy ban khoa học, công nghệ và môi trường (KH,CN&MT) của Quốc hội về những vấn đề liên quan đến dự thảo Luật quan trọng này. TS Võ Tuấn Nhân cho biết:

Tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII đã thảo luận, cho ý kiến về Dự án Luật KTTV. Về cơ bản, ý kiến của các vị ĐBQH tán thành với bố cục và những nội dung của Dự thảo Luật, đồng thời cho ý kiến về các vấn đề, điều khoản cụ thể. Ngay sau kỳ họp, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Ủy ban KH,CN&MT phối hợp với Cơ quan soạn thảo, Ủy ban pháp luật và một số cơ quan có liên quan nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật trên cơ sở ý kiến đóng góp của các vị đại biểu quốc hội. Trên cơ sở ý kiến đóng góp của các Đoàn ĐBQH , Ủy ban TVQH đã chỉ đạo các cơ quan hữu quan nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý hoàn thiện Dự thảo Luật trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 10 này.

TS. Võ Tuấn Nhân - Phó Chủ nhiệm Ủy ban khoa học, công nghệ và môi trường (KH,CN&MT) của Quốc hội
TS. Võ Tuấn Nhân - Phó Chủ nhiệm Ủy ban khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội

PV:Thưa ông, đa số ý kiến thống nhất với Dự thảo Luật cho phép tổ chức, cá nhân xây dựng, quản lý và khai thác trạm KTTV chuyên dùng. Tuy nhiên, một số ý kiến đề nghị cân nhắc việc cho phép tổ chức, cá nhân xây dựng, quản lý và khai thác trạm KTTV chuyên dùng, quan điểm của ông về vấn đề này?

TS Võ Tuấn Nhân: Mạng lưới trạm KTTV quốc gia do Nhà nước đầu tư nhằm phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, phòng, chống thiên tai, bảo đảm quốc phòng, an ninh quốc gia; bên cạnh đó, không thể thiếu mạng lưới trạm KTTV chuyên dùng phục vụ mục đích cụ thể của các Bộ, ngành, địa phương, tổ chức, cá nhân trong quá trình thực hiện các hoạt động phát triển KT-XH. Thực tế trên thế giới, cũng như ở nước ta đã và đang tồn tại các trạm KTTV chuyên dùng. Hơn nữa, cùng với sự phát triển KT-XH của đất nước, việc hình thành và phát triển các trạm KTTV chuyên dùng là một yêu cầu tất yếu khách quan, cần được khuyến khích. 

Qua theo dõi, tôi nhận thấy đa số ý kiến của các Đoàn ĐBQH góp ý mới đây đã đề nghị Quốc hội cho phép quy định các tổ chức, cá nhân được xây dựng, quản lý và khai thác trạm KTTV chuyên dùng như quy định trong Dự thảo Luật.

PV: Thưa ông vậy còn một số ý kiến đề nghị không giao cho Bộ ngành, địa phương, tổ chức, cá nhân quy định nội dung quan trắc đối với trạm KTTV chuyên dùng thuộc quyền quản lý mà chỉ nên giao cho Bộ TN&MT quy định để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống?

TS Võ Tuấn Nhân: Theo tôi, để bảo đảm tính thống nhất của các mạng lưới trạm KTTV, Dự thảo Luật đã quy định các nội dung về quy hoạch mạng lưới trạm KTTV quốc gia, kế hoạch phát triển mạng lưới trạm của các Bộ, ngành, địa phương, hành lang kỹ thuật trạm và quy định về yêu cầu quan trắc phải tuân thủ tính chính xác, liên tục, thống nhất, đồng bộ theo quy chuẩn kỹ thuật, quy trình chuyên môn...

     Tuy nhiên, tùy thuộc vào mục đích cụ thể, nội dung quan trắc của các loại trạm KTTV có thể khác nhau. Vì vậy, xuất phát từ tính chất trạm KTTV chuyên dùng được thành lập nhằm đáp ứng yêu cầu thông tin KTTV theo mục đích riêng của Bộ, ngành, địa phương, tổ chức, cá nhân, nên việc giao cho Bộ, ngành, địa phương, tổ chức, cá nhân quy định nội dung quan trắc như Dự thảo Luật là phù hợp; Bộ TN&MT chỉ quy định nội dung quan trắc KTTV đối với các trạm thuộc mạng lưới trạm KTTV quốc gia.  

PV:Thưa ông, dư luận nhất là những người làm nghề KTTV rất quan tâm đến việc dự luật quy định chặt chẽ vấn đề cung cấp thông tin dự báo, cảnh báo KTTV… hoặc cần quy định trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân đưa tin sai sự thật, làm ảnh hưởng đến đời sống người dân và phát triển KT-XH, quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

TS Võ Tuấn Nhân: Dự thảo Luật đã có quy định về truyền, phát tin dự báo, cảnh báo thiên tai KTTV tại Điều 26; sử dụng bản tin dự báo, cảnh báo KTTV tại Điều 27. Đồng thời, Luật phòng, chống thiên tai cũng đã có các quy định về dự báo, cảnh báo và truyền tin về thiên tai nói chung, trong đó 17/19 loại là thiên tai KTTV.

Về đề nghị cần quy định trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân đưa tin sai sự thật, làm ảnh hưởng đến đời sống người dân và phát triển KT-XH, Dự thảo Luật đã quy định hành vi bị cấm: “Che giấu, không cung cấp hoặc cố ý cung cấp sai lệch, không đầy đủ các thông tin, dữ liệu KTTV” tại Điều 8; đồng thời quy định quyền và nghĩa vụ của đơn vị, tổ chức, cá nhân hoạt động cung cấp dịch vụ KTTV tại Điều 40; quy định các cơ quan truyền thông có trách nhiệm phải tổ chức truyền, phát tin về KTTV theo quy định tại Luật này và pháp luật về báo chí tại Điều 7.

Các nội dung trên đã đảm bảo quy định chặt chẽ vấn đề cung cấp thông tin dự báo, cảnh báo KTTV, cũng như trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân đưa tin sai sự thật, làm ảnh hưởng đến đời sống người dân và phát triển KT-XH.

PV:Thưa ông, quan điểm của ông trước đề nghị cần tách Điều 50 để thể hiện rõ hơn vai trò, trách nhiệm quản lý nhà nước về KTTV của Chính phủ, Bộ TN&MT; bổ sung trách nhiệm tham gia giải quyết khiếu nại, tố cáo của Ủy ban nhân dân các cấp như thế nào?

TS Võ Tuấn Nhân: Tiếp thu ý kiến của các Đoàn ĐQBH, Ủy ban TVQH đã chỉ đạo các cơ quan hữu quan tách trách nhiệm của Chính phủ, Bộ TN&MT thành các điều riêng; đồng thời bổ sung nội dung giải quyết khiếu nại, tố cáo trong trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các cấp như thể hiện trong Dự thảo Luật.

PV:Một số ý kiến đề nghị nghiên cứu quy định chi tiết hơn nữa các điều, khoản để tránh việc giao Chính phủ ban hành nhiều văn bản hướng dẫn thi hành Luật.

    Trong quá trình tham gia thẩm định và hoàn thiện Dự thảo Luật, chúng tôi rất quan tâm ý kiến nêu trên để có thể quy định chi tiết ngay trong luật. Dự thảo Luật trình Quốc hội lần này còn có 05 điều, khoản giao Chính phủ quy định chi tiết và 05 nội dung giao Bộ TN&MT quy định chi tiết. Các nội dung trên đều là những vấn đề mang tính kỹ thuật, phụ thuộc vào yêu cầu chuyên ngành theo thời gian và sự phát triển của công nghệ trong lĩnh vực KTTV. Vì vậy những nội dung này Luật chỉ quy định các vấn đề có tính nguyên tắc để Chính phủ, Bộ TN&MT triển khai chi tiết.

Dự kiến Chính phủ sẽ ban hành 2 Nghị định để thi hành Luật KTTV, gồm Nghị định quy định chi tiết, hướng dẫn một số điều của Luật KTTV và Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực KTTV; Ngoài ra, Bộ TN&MT ban hành một số Thông tư hướng dẫn các nội dung nêu trên. Cơ quan soạn thảo cũng đã dự thảo 02 Nghị định này và trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 9. Do vậy, tôi cho rằng những quy định như Dự thảo Luật là phù hợp. 

PV:Xin trân trọng cám ơn ông!

Việt Hùng (thực hiện)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đa số ý kiến thống nhất với Dự thảo Luật Khí tượng thủy văn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO