Đà Nẵng ứng phó với biến đổi khí hậu: Sử dụng hiệu quả các nguồn lực

27/11/2014 00:00

(TN&MT) - Những tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH) đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển kinh tế xã hội của Đà Nẵng.

(TN&MT) - Những tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH) đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển kinh tế xã hội của Đà Nẵng.
   
Thành phố dễ bị tổn thương do BĐKH
   
  Là thành phố ven biển, Đà Nẵng đang đối mặt tình trạng nước biển dâng ngày càng diễn biến phức tạp. Những năm gần đây, tình hình bờ biển bị xâm thực ở Đà Nẵng xảy ra nhiều hơn. Sự đe dọa của mực nước biển dâng lên các khu dân cư và cơ sở hạ tầng dọc bờ biển là thường xuyên hơn. Kéo theo đó, người dân sống dọc ven biển luôn rơi vào trạng thái lo lắng bởi nạn xâm thực của sóng biển. Cứ vào mỗi mùa mưa bão, nhà cửa, đất đai và nhiều tài sản khác bị sóng cuốn ra biển.
   
  Mặt khác, với vị trí nằm ở hạ lưu sông Vu Gia - Thu Bồn khiến Đà Nẵng trở thành một trong những thành phố dễ bị tổn thương nhất trước những tác động của ngập lụt, đặc biệt là trong bối cảnh BĐKH hiện nay.
   
    
Nước lũ nhấn chìm nhiều ngôi nhà ở huyện Hòa Vang
    
   
  Thực tế cho thấy, ở Đà Nẵng năng lực ứng phó của doanh nghiệp chưa đảm bảo sức chống chịu, cứ sau một trận bão lớn, các thiệt hại về nhà xưởng, trang thiết bị vẫn diễn ra, làm tê liệt các hoạt động sản xuất. Ngày càng nhiều biến đổi sinh thái trên Bán đảo Sơn Trà, Bà Nà, các bãi biển, danh lam thắng cảnh… gây tổn thất tài nguyên, hư hỏng hạ tầng kỹ thuật, tốn kém kinh phí của doanh nghiệp đầu tư. Kịch bản đến năm 2030 cho thấy, tác động của biến đổi khí hậu sẽ làm cho các khu đô thị mới bị ngập sau nước sâu từ 1-1,5 m, làm giảm giá trị của đất đai và sức hút với các nhà đầu tư; các công trình du lịch ven biển, hoạt động sản xuất, kinh doanh, hệ thống giao thông, điện, nước… cũng chịu tác động nghiêm trọng. Dự kiến năm 2100, Đà Nẵng sẽ mất khoảng 4,1% diện tích đất; các khu vực ven sông có nguy cơ ngập cao lại đang là những khu vực có tiềm năng du lịch nhất.
   
  Theo các chuyên gia về BĐKH, nguy cơ lũ lụt nghiêm trọng đang ngày càng gia tăng, tình trạng xói mòn bờ biển và bão lũ sẽ ngày càng khốc liệt hơn, nhiều nguy cơ sạt lở đất phá vỡ hệ thống đường bộ. Do đó, cần phải nhận thức những rủi ro, đồng thời phối hợp với chính quyền địa phương để thúc đẩy các kế hoạch hành động hiệu quả của Chính phủ và người dân để giảm thiểu rủi ro bằng những hành động cụ thế: Sử dụng tiết kiệm và hiệu quả tài nguyên; công nghệ, thiết bị bảo đảm nguyên tắc thân thiện với môi trường; đầu tư phát triển vốn tự nhiên, tích cực ngăn ngừa và xử lý ô nhiễm môi trường.
   
Hỗ trợ quốc tế trong cuộc chiến với BĐKH
   
  Để tăng cường khả năng chống chịu rủi ro, Đà Nẵng chủ động đẩy mạnh sự hợp tác và điều phối liên vùng để có thông tin, số liệu được cập nhật liên quan đến BĐKH và nước biển dâng ở Việt Nam, khu vực miền Trung. Hợp tác trong công tác đào tạo nguồn nhân lực và điều tra nghiên cứu những đề tài khoa học đặt ra cho khu vực. Đồng thời, tìm kiếm cơ hội hợp tác giữa các tỉnh, thành phố trong việc thực hiện các giải pháp ứng phó và thích nghi với BĐKH mang tính phối hợp trong khu vực, quốc tế.
   
  Năng lực của thành phố những năm qua được từng bước cải thiện để ứng phó tốt hơn với thiên tai, BĐKH và nước biển dâng. Đó là việc cải thiện nhà ở cho người dân nghèo, cải thiện hệ thống cấp nước và quản lý lũ lụt, hạn hán…. Quá trình đó được lãnh đạo thành phố đưa vào những kế hoạch dài hơi mang tính chiến lược và có sự phối hợp của nhiều ngành nhiều cấp, sự hỗ trợ của trung ương và các tổ chức nước ngoài.
   
     
Mô hình nhà chống bão ở Đà Nẵng
    
   
  Nhiều chương trình, giải pháp từ các nước phát triển hàng đầu trên thế giới như: Hoa Kỳ, Pháp, Nhật Bản… nhằm ứng phó với BĐKH được triển khai, thí điểm tại Đà Nẵng. Đơn cử như: Chương trình hỗ trợ ứng phó với BĐKH (SP-RCC), hỗ trợ bởi Mạng lưới các thành phố ở Châu Á có khả năng chống chịu với BĐKH (ACCCRN), hỗ trợ xây dựng chiến lược khí hậu địa phương, dự án giảm nhẹ BĐKH hộ gia đình và công trình Đà Nẵng… đạt được nhiều kết quả tích cực. Thông qua các chương trình này, nhận thức, năng lực chủ động ứng phó với BĐKH, phòng tránh và giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai gây ra của các cơ quan quản lý của thành phố Đà Nẵng đã được nâng cao đáng kể.
   
  Có thể kể ra một vài dẫn chứng về hiệu quả của quá trình phối hợp giữa Đà Nẵng và tổ chức quốc tế, đó là mô hình mô phỏng thủy văn của thành phố, mô hình mô phỏng dòng chảy nước và lũ lụt trong điều kiện cao điểm theo quy hoạch và xây dựng đô thị được lựa chọn, thích ứng với khí hậu trong tương lai và điều kiện phát triển đô thị.
   
  Cho đến nay, mô hình đã được sử dụng để định hướng các quyết định của thành phố trên cơ sở hạ tầng đô thị, trong điều chỉnh thiết kế đặc biệt cho hệ thông giao thông vùng ngoại ô. Đó còn là Quỹ quay vòng vốn để tài trợ nâng cấp nhà chống bão. Ước tính có 320 căn nhà trong 3 năm đầu tiên khi dự án được triển khai và 430 ngôi nhà trong 5 năm sẽ được nâng cấp, xây dựng mới để đủ khả năng chống chịu với bão. Đó còn là việc đánh giá cấp nước, từ thực tế nhu cầu về nước sạch tại Đà Nẵng ngày càng tăng nhanh nhưng việc tiếp cận vào nguồn nước hiện nay còn hạn chế. Việc cung cấp nước của thành phố chủ yếu là từ hai con sông nhưng bị ảnh hưởng bởi tăng trưởng dân số, sự phát triển của các hồ thủy điện ở thượng nguồn và xâm nhập mặn ở hạ lưu...
   
  Sự hỗ trợ của các nước phát triển trong cuộc chiến với BĐKH là một công cụ để lập kế hoạch đa ngành cho thành phố, nghiên cứu này sẽ cho phép thành phố Đà Nẵng xác định những chính sách ứng phó với BĐKH của mình để định hướng phát triển theo một quỹ đạo xanh và bền vững hơn.
   
Ni Na - Viết Toàn
   
  
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đà Nẵng ứng phó với biến đổi khí hậu: Sử dụng hiệu quả các nguồn lực
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO