Đà Nẵng: Tìm giải pháp phát triển du lịch làng quê, làng nghề

06/07/2017 00:00

(TN&MT) - Với xu hướng du lịch ngày càng gắn liền với thiên nhiên, du lịch sinh thái gắn liền với làng quê, làng nghề đang thu hút một lượng lớn thị trường khách du lịch trong và ngoài nước.  Là địa phương có nhiều tiềm năng, lợi thế trong việc phát triển loại hình du lịch này; tuy nhiên, Đà Nẵng chưa kết hợp hài hòa giữa bảo tồn và khai thác dẫn đến còn nhiều hạn chế trong việc phát triển du lịch làng quê, làng nghề. 

Chưa khai thác được tiềm năng

Khảo sát  thực tế trên địa bàn TP. Đà Nẵng, các khu vực có tính khả thi trong việc xây dựng, tổ chức loại hình du lịch sinh thái làng nghề, làng quê như: Cụm nhà cổ Thái Lan; cụm Ngũ Hành Sơn – K20; cụm làng Phong Nam – Cẩm Nê...Các khu vực này đều có cảnh quan phù hợp cho việc xây dựng loại hình du lịch sinh thái làng nghề, làng quê; song, nhìn chung việc khai thác du lịch tại các khu vực này chưa có, hoặc đã từng tổ chức khai thác du lịch nhưng đến nay lại không còn duy trì được nữa.

Một trong những nguyên nhân chủ yếu là do tốc độ đô thị hóa nhanh đã làm mai một dần những làng nghề truyền thống. Việc bảo tồn và khai thác chưa kết hợp hài hòa làm mất đi giá trị văn hóa, lịch sử. Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng tại các điểm tham quan làng nghề còn thiếu, đặc biệt là hệ thống giao thông, điện, nước và các dịch vụ vệ sinh công cộng.

Nghề làm chiếu lâu năm ở Cụm làng Phong Nam – Cẩm Nê rất có tiềm năng trong phát triển du lịch
Nghề làm chiếu lâu năm ở Cụm làng Phong Nam – Cẩm Nê rất có tiềm năng trong phát triển du lịch

Đối với phát triển du lịch làng nghề, vướng mắc một phần lớn là do đời  sống của các nghệ nhân còn nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến khả năng sáng tạo và ít đầu tư nên sản phẩm du lịch còn sơ sài, thậm chí nhiều người không giữ được nghề. 

Ngoài ra, nguồn nhân lực phục vụ du lịch tại các điểm tham quan này cũng là một vấn đề bỏ ngỏ. Hầu hết các điểm đều không có hướng dẫn và thuyết minh nên chưa truyền tải hết các giá trị văn hóa, di tích tại làng quê đến với du khách. Việc nhìn nhận về phát huy các giá trị di tích, di sản văn hóa tại các làng quê, làng nghề truyền thống phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội với địa phương, đặc biệt là phát triển du lịch còn chưa đúng tầm.

Vấn đề đặt ra để phát triển du lịch sinh thái làng nghề, làng quê  một cách hiệu quả, trước hết cần chú trọng bảo tồn các giá trị đặc sắc và có chính sách để tổ chức các hoạt động du lịch sinh thái làng quê ngày càng hiệu quả.

Cần được đầu tư phát triển

Để hình thành được loại hình du lịch sinh thái gắn liền với làng nghề, làng quê một cách hiệu quả, yếu tố cơ sở hạ tầng giao thông là điểm mấu chốt, bên cạnh đó là việc phát huy giá trị các làng nghề.

Muốn làm được điều đó, Đà Nẵng cần lập bản đồ quy hoạch khu vực phát triển du lịch sinh thái làng nghề, làng quê để từ đó có cơ chế, chính sách bảo tồn, tôn tạo cho khu vực; tránh trường hợp đô thị hóa quá mức ảnh hưởng đến hình ảnh, không gian làng nghề, làng quê. Sau đó, xây dựng các tuyến giao thông tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại, tham quan các làng nghề, làng quê.

Đà Nẵng cần lập bản đồ quy hoạch khu vực phát triển du lịch sinh thái làng nghề, làng quê để từ đó có cơ chế, chính sách bảo tồn, tôn tạo cho khu vực
Đà Nẵng cần lập bản đồ quy hoạch khu vực phát triển du lịch sinh thái làng nghề, làng quê để từ đó có cơ chế, chính sách bảo tồn, tôn tạo cho khu vực

Bên cạnh đó, TP. Đà Nẵng cần xây dựng cơ chế, chính sách ưu đãi cho việc bảo tồn, phát triển các làng nghề truyền thống như: hỗ trợ các hộ, cá thể, làm nghề truyền thống, phát triển nghề, kết hợp với du lịch; hỗ trợ ưu tiên xây dựng các khu làm nghề tập trung, kêu gọi người dân làm nghề tập trung về các khu này để làm nghề, duy trì và phát triển làng nghề. Đầu tư ngân sách cho việc bảo tồn, phát triển các làng nghề truyền thống, hỗ trợ người dân tiếp tục làm nghề, xây dựng các cơ sở chế biến sản phẩm truyền thống cho du khách tham quan.

Liên kết với các địa phương có du lịch làng nghề, làng quê phát triển như Huế, Quảng Nam để trao đổi, học tập kinh nghiệm tổ chức; áp dụng mô hình thích hợp cho TP. Đà Nẵng. Đồng thời, chú trọng đào tạo cho người dân địa phương về làm nghề truyền thống, hỗ trợ người dân trong làm nghề để người dân có đủ điều kiện, an tâm làm nghề, phát triển nghề nhằm bảo tồn nét truyền thống và góp phần phát triển du lịch sinh thái làng quê, làng nghề.

Ngoài ra, thành phố cũng cần đào tạo đội ngũ thuyết minh, hướng dẫn và phục vụ cho người dân để đáp ứng được các nhu cầu tối thiểu của du khách khi đến tham quan.

Việc quy hoạch và định hướng để phát triển du lịch làng quê, làng nghề cho TP. Đà Nẵng là một vấn đề cần được cân nhắc kỹ lưỡng và phải có sự phối hợp của nhiều ban ngành, cộng đồng dân cư địa phương. Song song với việc phát triển, quảng bá du lịch thì việc giữ gìn được bản sắc, những nét tinh hoa của làng nghề cũng như môi trường sống của người dân cần được đặt lên hàng đầu.

Bài & ảnh: Yến Nhi

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đà Nẵng: Tìm giải pháp phát triển du lịch làng quê, làng nghề
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO