Đà Nẵng: Sạt lở sông Cu Đê uy hiếp công trình điện quốc gia

15/06/2016 00:00

(TN&MT) - Tình trạng khai thác cát ồ ạt ven sông Cu Đê, đoạn chảy qua địa phận 2 xã Hòa Bắc, Hòa Liên (huyện Hòa Vang) và phường Hòa Hiệp Bắc (quận Liên Chiểu) đã khiến bờ sông bị sạt lở nghiêm trọng. Không chỉ ảnh hưởng đến nhà cửa hay đất sản xuất của người dân, tình trạng sạt lở còn có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến các công trình nằm dọc ven sông, trong đó có đường dây 220 kV.

Sông Cu Đê bị sạt lở nghiêm trọng, tạo thành vòng cung
Sông Cu Đê bị sạt lở nghiêm trọng, tạo thành vòng cung

Sông sạt lở, dân mất đất

Vài năm nay, bờ sông Cu Đê, xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng ngày càng sạt lở nghiêm trọng, đe dọa an toàn của hàng chục hộ sống ven sông. Tại đoạn sông thuộc địa phận thôn Quan Nam 6, xã Hòa Liên, bờ sông lấn sâu vào phía khu dân cư hàng chục mét, tạo thành vòng cung, làm cho hàng trăm héc-ta đất canh tác biến mất. Hộ ông Bùi Văn Qúy, ở thôn Quan Nam 3 có 3 sào đất trồng màu ở ven sông, thế mà nay chỉ còn khoảng 1 sào. Ông Qúy cho biết: “Nông dân ở đây chủ yếu bám đất, bám ruộng canh tác để sống vậy mà sạt lở nghiêm trọng đã lấy đi hàng chục hecta đất. Không có đất sản xuất, người nông dân như thất nghiệp. Lần nào đại biểu Quốc hội, HĐND thành phố về tiếp xúc cử tri, vấn đề sạt lở bờ sông mất đất canh tác được bà con kiến nghị nhiều nhất, thế nhưng chẳng thấy ai giải quyết”.

Ông Qúy nhẩm tính, với tình trạng sạt lở như hiện nay và xảy ra lũ lớn như năm 2009 thì chừng 1-2 năm nữa, sông sẽ “ngoạm” hết đất sản xuất và tiến sát vào nhà dân. “Mong muốn chính quyền địa phương sớm có dự án kè để bà ăn an tâm làm ăn, sinh sống”- ông Qúy chia sẻ.

Có thể nói, tình trạng sạt lở bờ sông đoạn thôn Quan Nam 6, xã Hòa Liên đã đến hồi báo động. Tại điểm sạt lở nặng nhất, mỗi khi lũ trên nguồn tràn về là sông lấn vào 2-3 m. Hàng chục cây bạch đàn lâu năm cũng bị bật gốc trơ rễ do sạt lở. Đến nay, đã có gần 800 m chiều dài ven sông bị sạt lở, ảnh hưởng nặng nề đến hơn 1.500 m2 đất sản xuất của người dân. Nhiều nông dân buộc phải bỏ sản xuất ở khu vực này.

Đáng lo ngại hơn, tình trạng sạt lở sông Cu Đê đã lan đến chân một mố trụ đường dây 220 kV. Nếu năm nay xảy ra lũ lụt, chắc chắn mố trụ này sẽ bị ảnh hưởng nặng nề, đe dọa tính mạng của người dân và an ninh điện quốc gia. Tổn thất rất lớn và việc khắc phục cũng không đơn giản chút nào đối với công trình quốc gia này.

Cần sớm xây kè

Nói về nguyên nhân gây sạt lở bờ sông, ông Nguyễn Dũng, Phó thôn và bà con thôn Quan Nam 6, xã Hòa Liên cho rằng, thiên tai lũ lụt khốc liệt một phần, song nguyên nhân cơ bản phải nói đến là do đào bới lòng sông hút cát diễn ra thường xuyên. Nguyên nhân thứ 2 phải kể đến là phía bên kia sông do lấn dòng đắp hồ nuôi tôm, dòng chảy chuyển mạnh sang bên này gây xói lở.

Sạt lở đang tiến sát vào mố trụ điện của đường dây 220kV, đe dọa an ninh điện của quốc gia
Sạt lở đang tiến sát vào mố trụ điện của đường dây 220kV, đe dọa an ninh điện của quốc gia

Ông Nguyễn Thu- Chủ tịch UBND xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang lại cho rằng do thổ nhưỡng ở đây có phần trên là đất thịt, trong khi đó, phần dưới là đất cát nên tình trạng sạt lở xảy ra nhanh chứ không hoàn toàn do việc khai thác cát. Tình trạng sạt lở diễn ra rất nghiêm trọng, chứ không còn cục bộ, nên các giải pháp tình thế như đóng cọc, trồng tre đều không khả thi.

“Địa phương đã có báo cáo với huyện để xin kinh phí từ Thành phố và Trung ương xây kè hạn chế tình trạng sạt lở tại sông Cu Đê để người dân sống ven dòng Cu Đê yên tâm an cư, sản xuất. Tuy nhiên với nguồn kinh phí khá lớn, khoảng 500 tỷ đồng thì rất khó, chắc phải mất một thời gian dài. Địa phương cũng đã làm việc với phía Điện lực hỗ trợ một phần kinh phí để “cứu” mố trú đường dây 220Kw. Trước mắt, địa phương cảnh báo người dân không chăn nuôi gia súc, gia cầm và trẻ nhỏ ở gần bờ sông”- ông Thu cho biết.

Còn nhớ cuối năm 2013, nếu không triển khai xây kè đá bảo vệ sông Cu Đê đoạn qua thôn Nam Mỹ, xã Hòa Bắc kịp thời có lẽ đường ĐT601 bị cắt đứt hoàn toàn. Do sạt lở, đường độc đạo ngược lên các thôn phía Tây của xã Hòa Bắc chỉ cách bờ sông vài mét. Bờ kè đá thi công khẩn cấp đã cứu đoạn đường này không bị nước cuốn trôi.

Với đà mỗi năm mỗi lở như thế này, chẳng mấy chốc bờ sông tiến sát vào khu dân cư. Do vậy, để bảo vệ bờ sông, nhất là trụ điện của đường dây 220kV, chính quyền thành phố cần khẩn cấp xây dựng kè chống sạt lở bờ sông. Đồng thời cần ngăn chặn kịp thời, triệt để tình trạng đào bới hút cát dưới lòng sông nhiều năm trời.

Bài & ảnh: Lan Anh

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đà Nẵng: Sạt lở sông Cu Đê uy hiếp công trình điện quốc gia
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO