Đà Nẵng: Phòng chống, ứng phó có hiệu quả với thiên tai năm 2018

14/05/2018 17:38

(TN&MT) - Nhằm chủ động phòng, chống, ứng phó có hiệu quả với thiên tai và các tình huống tai nạn, thảm họa do thiên tai gây ra trong năm 2018, UBND TP. Đà Nẵng...

(TN&MT) - Nhằm chủ động phòng, chống, ứng phó có hiệu quả với thiên tai và các tình huống tai nạn, thảm họa do thiên tai gây ra trong năm 2018, UBND TP. Đà Nẵng  vừa ban hành chỉ thị yêu cầu các sở, ban, ngành, quận, huyện trên địa bàn thành phố triển khai một số nhiệm vụ liên quan đến công tác này.
Rà soát, tăng cường quản lý việc xây dựng cơ sở hạ tầng, nhất là công trình giao thông, thủy lợi, hệ thống tiêu thoát nước, khu dân cư, đô thị tại khu vực ven biển, sông, suối, đồi núi...
Rà soát, tăng cường quản lý việc xây dựng cơ sở hạ tầng, nhất là công trình giao thông, thủy lợi, hệ thống tiêu thoát nước, khu dân cư, đô thị tại khu vực ven biển, sông, suối, đồi núi...

Lên phương án cụ thể
 
Theo đó, UBND TP. Đà Nẵng yêu cầu thủ trưởng các đơn vị, địa phương tổ chức tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2017; phát huy những việc làm tốt, phân tích rõ những nguyên nhân, những mặt còn hạn chế, yếu kém để có giải pháp khắc phục và ứng phó hiệu quả với các loại hình thiên tai trong năm 2018. Đồng thời, kiện toàn Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) các cấp, các ngành đồng bộ từ cấp thành phố đến các phường, xã, các đơn vị cơ sở, xây dựng quy chế làm việc và phân công nhiệm vụ, trách nhiệm cụ thể cho từng thành viên để nâng cao hiệu quả việc tham mưu, chỉ đạo, chỉ huy điều hành thực hiện nhiệm vụ phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.
 
Các đơn vị cần chủ động xây dựng, lồng ghép kế hoạch phòng, chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu vào trong các chiến lược, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội và các chương trình dự án đang thực hiện của từng ngành, lĩnh vực, địa phương một cách có hiệu quả. Rà soát, tăng cường quản lý việc xây dựng cơ sở hạ tầng, nhất là công trình giao thông, thủy lợi, hệ thống tiêu thoát nước, khu dân cư, đô thị tại khu vực ven biển, sông, suối, đồi núi,... đảm bảo hạn chế tác động do thiên tai; đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ trong hoạt động phòng, chống thiên tai. UBND thành phố cũng yêu cầu các đơn vị, địa phương tiếp tục rà soát, điều chỉnh, cập nhật bổ sung phương án phòng, chống và khắc phục hậu quả ứng với một số kịch bản thiên tai cụ thể có thể xảy ra trên địa bàn, trong đó tập trung xây dựng kế hoạch, phương án chi tiết ứng phó cho phù hợp với tình hình thực tế diễn biến của từng loại hình thiên tai tại địa phương, đơn vị, hoàn thành trước ngày 15-6-2018 và gửi về Ban Chỉ huy PCTT&TKCN thành phố để tổng hợp, báo cáo UBND thành phố.
 
Trên cơ sở Phương án phòng, chống và khắc phục hậu quả ứng với một số kịch bản thiên tai năm 2017, UBND thành phố giao các địa phương tổ chức rà soát, cập nhật phương án cho năm 2018, hoàn thành trước ngày 15/6/2018. Trong đó, tập trung vào các nội dung như kế hoạch di dân ứng với các kịch bản thiên tai, nhất là khu vực ven biển, các khu dân cư trũng, thấp, vùng ven sông suối, vùng có nguy cơ sạt lở đất, lũ quét; kế hoạch phối hợp với các lực lượng quân đội, công an, dân quân tự vệ, các đoàn thể trên địa bàn; thống kê số lượng, chủng loại phương tiện hiện có và có thể huy động để phục vụ công tác phòng, chống thiên tai; rà soát, cập nhật những khu vực nguy hiểm khi xảy ra thiên tai, kể cả khu vực thoát lũ ở hạ lưu hồ chứa; yêu cầu các chủ nhà trọ phải cam kết đảm bảo an toàn cho người thuê nhà; yêu cầu ngư dân phải neo đậu tàu thuyền đúng nơi quy định.
 
Các địa phương phối hợp với Sở Xây dựng rà soát, kiểm tra các công trình làm nơi sơ tán dân khi có bão, lũ. Đồng thời, vận động nhân dân chủ động dự trữ đủ lương thực, nước uống, các nhu yếu phẩm thiết yếu và thuốc men khi có thiên tai; tổ chức kiểm tra thường xuyên và đột xuất để phát hiện sớm, báo cáo kịp thời và kiên quyết ngăn chặn, xử lý triệt để các hành vi vi phạm pháp luật về đê, kè, khai thác cát, sỏi lòng sông và xây dựng công trình lấn sông trái phép cản trở thoát lũ; vận động ngư dân mua bảo hiểm thân tàu, bảo hiểm tai nạn thuyền viên theo chủ trương chung của Chính phủ; tiếp tục tổ chức nâng cao nhận thức cộng đồng về công tác phòng, chống thiên tai; tổ chức diễn tập công tác phòng, chống thiên tai trên địa bàn để rút kinh nghiệm.
2. Bố trí lực lượng, phương tiện tại các khu vực thường xuyên xảy ra thiên tai, khu vực xung yếu để đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân
Bố trí lực lượng, phương tiện tại các khu vực thường xuyên xảy ra thiên tai, khu vực xung yếu để đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân
Đảm bảo an toàn cho các vùng xung yếu
 
UBND thành phố cũng đề nghị Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố chủ động xây dựng kế hoạch, phương án PCTT&TKCN của ngành; bố trí lực lượng, phương tiện tại các khu vực thường xuyên xảy ra thiên tai, khu vực xung yếu; hiệp đồng với các đơn vị quân đội của Bộ Quốc phòng, Quân khu 5 đóng quân trên địa bàn thành phố giúp chính quyền địa phương và nhân dân tổ chức công tác phòng ngừa, chằng chống nhà cửa, sơ tán dân đến nơi an toàn, kịp thời xử lý, ứng cứu, tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ khi xảy ra các tình huống khẩn cấp về thiên tai đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của nhà nước và nhân dân, kể cả xử lý các sự cố các hồ chứa trên địa bàn; củng cố lại Đội ứng cứu khẩn cấp trong bão để thực hiện tốt nhiệm vụ.
 
UBND thành phố giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm việc với Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Trung Trung bộ, các cơ quan chuyên môn thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường theo dõi, giám sát và đề xuất phương án xử lý tình trạng sạt lở tại khu vực bờ biển trên địa bàn quận Ngũ Hành Sơn; đề xuất phương án lắp đặt các trạm quan trắc hải lưu dọc bờ biển tuyến đường Hoàng Sa - Võ Nguyên Giáp - Trường Sa và khu vực Vịnh Đà Nẵng.
 
Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy PCTT&TKCN thành phố có trách nhiệm theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện công tác phòng, chống thiên tai của các ngành, địa phương, chỉ đạo, điều hành, xử lý kịp thời, có hiệu quả trong việc đối phó với thiên tai; thường xuyên cập nhật thông tin vận hành các hồ chứa lớn để có giải pháp chủ động ứng phó với tình huống lũ lụt và thiếu nước vùng hạ du; đồng thời, chủ trì, phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Tài chính, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổng hợp thiệt hại và nhu cầu hỗ trợ khắc phục thiệt hại cho các địa phương, đơn vị, đề xuất Chủ tịch UBND thành phố quyết định các biện pháp cứu trợ khẩn cấp.
 
Bên cạnh đó, các quận, huyện có sản xuất nông nghiệp cần tập trung triển khai hiệu quả các giải pháp ứng phó với hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn trên địa bàn quản lý; tổ chức kiểm tra chặt chẽ nguồn nước, cân đối khả năng cung cấp nước cho các nhu cầu sử dụng trên địa bàn; xây dựng phương án chống hạn cụ thể trên địa bàn phục vụ sản xuất vụ Hè Thu 2018, trong đó có xét đến biện pháp công trình và điều chỉnh cơ cấu cây trồng, vật nuôi và các giải pháp đồng bộ đảm bảo sản xuất có hiệu quả; theo dõi chặt chẽ dự báo, diễn biến thời tiết, thủy văn nguồn nước, phối hợp với đơn vị quản lý khai thác công trình thủy lợi lập kế họạch tích nước hồ chứa hợp lý và bảo đảm an toàn công trình; chủ động bố trí ngân sách quận, huyện để triển khai thực hiện các giải pháp cấp bách phòng chống hạn, xâm nhập mặn.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đà Nẵng: Phòng chống, ứng phó có hiệu quả với thiên tai năm 2018
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO