Đà Nẵng: Nhiều tàu cá mang thương tích từ Hoàng Sa trở về

11/06/2014 00:00

(TN&MT) - Ngày 11/6, nhiều tàu cá đánh bắt ở ngư trường Hoàng Sa truyền thống bị tàu Trung Quốc tấn công, xua đuổi đã cập cảng Âu thuyền Thọ Quang, TP. Đà Nẵng.

   
(TN&MT) - Ngày 11/6, nhiều tàu cá đánh bắt ở ngư trường Hoàng Sa truyền thống bị tàu Trung Quốc tấn công, xua đuổi đã cập cảng Âu thuyền Thọ Quang. TP. Đà Nẵng.
   
Tàu cá của ngư dân Đà Nẵng bị tàu Trung Quốc đâm gãy
   
   
  Sau gần một tháng tham gia đánh bắt ở ngư trường truyền thống Hoàng Sa – khu vực mà Trung Quốc đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981, anh Trương Văn Hay (trú phường Thanh Khê Đông, quận Thanh Khê, TP. Đà Nẵng) – thuyền trưởng kiêm chủ tàu  ĐNa 90235 TS xót xa nhìn con tàu đầy thương tích.
   
  Anh Hay cho biết: Vào khoảng 4 giờ sáng ngày 15/5, tàu anh đang ở tọa độ 15,21 độ vĩ Bắc, 111,10 độ kinh Đông, cách đảo Tri Tôn 25 hải lý về phía Tây Nam, cách giàn khoan Hải Dương 981 9 hải lý thì bị tàu Trung Quốc có hiệu số 71075 tấn công. Lúc đó anh đang thả lưới thì thấy tàu Trung Quốc nên bảo anh kéo lưới lên. Tàu Trung Quốc đuổi theo và đâm vào tàu anh. “Vì tàu của Trung Quốc to, trong khi tàu của mình nhỏ, biết không thể chạy thoát khỏi khỏi tàu Trung Quốc cho nên tui bảo anh em trên tàu đứng giàn ra hai bên tàu. Tàu Trung Quốc định đâm bên nào, anh em báo hiệu để tàu mình lách” – anh Hay kể lại.
   
   Đến ngày 20/5, cũng chiếc tàu 71075 của Trung Quốc lại tiếp tục rượt đuổi và tấn công tàu của anh khiến chiếc tàu bị thủng, gãy đuôi sau; sập đuôi ca-bin sau. Sau khi bị tàu Trung Quốc tấn công, anh em đã nhảy xuống biển sữa chữa, khắc phục rồi tiếp tục đánh bắt chứ quay vào bờ là lỗ vốn.
   
  Cũng theo anh Hay, tàu Trung Quốc có mũi lê dài tới mấy mét, nếu tàu mình không tránh kịp thì đã bị đâm chìm rồi. “Tui đi biển 25 năm nay rồi, gặp tàu Trung Quốc miết nhưng đây là lần đầu tiên gặp tàu Trung Quốc hung hăng như thế. Theo quan sát của tui, trên tàu 71075 của Trung Quốc không có ngư lưới cụ, họ ăn mặc rất chỉnh tề, áo đóng thùng và còn có cả phụ nữ nữa”, anh Hay nói.
   
  Cũng trong ngày 11/6, phía bảo hiểm cũng đã xuống tàu ĐNa 90235 TS của anh Hay để giám định. Tuy nhiên vì tàu chưa đưa lên đà nên họ chưa thể quan sát hết được mức độ thiệt hại của tàu.
   
  Cũng bị tàu Trung Quốc đâm và cùng về trong dịp này, có tàu ĐNa 90406 TS của anh Nguyễn Đình Tuấn (trú Đà Nẵng, thuyền trưởng kiêm chủ tàu). Anh Tuấn cho biết, vào khoảng 4h chiều ngày 6/5, lúc đó tàu anh mới đi được 5-6 ngày thì gặp tàu Trung Quốc. Chúng đâm vào ca-bin của tàu làm sập ca-bin. Vị trí đâm là 15,17 độ vĩ Bắc, 111,02 độ kinh Đông. Do bị sập ca bin nên nước tràn vào máy, anh em phải sữa chữa lại máy rồi tiếp tục đánh bắt, bảo vệ chủ quyền biển đảo.
   
  Không bị tấn công như hai tàu trên nhưng bị tàu Trung Quốc xua đuổi, tàu QNg 92497 TS của anh Lê Văn Hùng (trú Quảng Ngãi) phải quay vào bờ, lỗ tốn gần 40 triệu đồng. “Hôm đó là rạng sáng ngày 18/5, tàu tui chạy ra cách bờ Đà Nẵng khoảng 120 hải lý thì bị tàu Trung quốc kèm, xua đuổi, không cho ra khơi để đánh bắt. Tàu đành phải đánh bắt trong lộng nên không có cá và đành quay về sớm”, anh Hùng kể.
   
  Mặc dù bị tàu Trung Quốc tấn công, xua đuổi, nhưng những ngư dân cho biết sau chuyến đi biển dài ngày vừa qua càng có thêm  nhiều kinh nghiệm để tiếp tục ra khơi, bám biển. Khi trò chuyện và trao đổi với nhiều ngư dân tại đây, chúng tôi ghi nhận rằng không một ai trong số họ có ý nghĩ sẽ từ bỏ nghề đánh bắt truyền thống chỉ vì sự hung hăng, ngang ngược của tàu Trung Quốc. 
   
Bài và ảnh: Lan Anh – Anh Dũng
   
   
  
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đà Nẵng: Nhiều tàu cá mang thương tích từ Hoàng Sa trở về
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO