Đà Nẵng: Bảo kê hoành hành, làng đá mỹ nghệ khốn đốn

16/07/2017 00:00

(TN&MT) - Vừa qua, đường dây nóng Báo TN&MT tại miền Trung đã nhận được nhiều phản ánh của nhiều cá nhân, doanh nghiệp về việc các xe tải chở đá phục vụ cho các hoạt động sản xuất của Làng đá mỹ nghệ Non Nước bị một số đối tượng côn đồ cấu kết đe dọa thu tiền bảo kê mỗi xe đá từ 2 - 10 triệu đồng khiến dư luận nhân dân bức xúc.

Những khối đá được đánh dấu vì chậm nộp tiền bảo kê
Những khối đá được đánh dấu vì chậm nộp tiền bảo kê

Khi người làm thuê cu kết giang hồ

Trao đổi với phóng viên Báo TN&MT, chị N.L, chủ doanh nghiệp Q.K cho biết: Làng nghề đá mỹ nghệ Non Nước đã có lịch sử hơn 400 năm, hàng năm thu hút hàng triệu lượt khách du lịch với nhiều sản phẩm đá mỹ nghệ truyền thống, đặc trưng. Tuy nhiên, hơn 1 tháng nay, tại làng nghề bỗng xuất hiện đối tượng lái xe cẩu tên là Ph “Móc” đã cấu kết với đối tượng tên là H “Si đa”, D “Rôben”, L “Cả” tiến hành thu tiền bảo kê mỗi xe đá từ 2 - 10 triệu đồng khiến nhiều doanh nghiệp chở hàng (đá) về nhưng không dám xuống bãi.

Các hoạt động sản xuất, kinh doanh bị ngừng trệ đã kéo theo tình trạng nhiều cá nhân và doanh nghiệp lao đao. Không chỉ dừng lại ở đó, các đối tượng này thường xuyên có động thái đe dọa, đập phá các cơ sở sản xuất, bao gồm các sản phẩm đã thành phẩm và đang chế tác nên nhiều người đã phải bấm bụng chi tiền bảo kê để yên chuyện. “Do đặc trưng làng nghề chủ yếu là gia công, chế tác ngoài trời, mặt khác các thành phẩm này thường trưng bày ngoài trời để thu hút khách hàng vào tham quan, chiêm ngưỡng. Các đối tượng đã lợi dụng điều này để khống chế các chủ hàng, doanh nghiệp”- chị N.L nói.  

Ông H.K, chủ doanh nghiệp H.K không nén nổi bức xúc: cách đây vài bữa, khi xe đá về giao hàng cho nhà tôi, đối tượng H “Si đa” và một số người khác đã đứng ra đe dọa chủ hàng, đòi tiền bảo kê 10 triệu đồng. Khi chủ hàng không đồng ý, các đối tượng này liền làm khó dễ, không cho bốc dỡ hàng. Do là người tỉnh khác đến làm ăn, lại vướng về chi phí xe cộ, lưu trú nên sau đó chủ hàng đã phải chung chi 10 triệu đồng mới được các đối tượng trên “cho phép” cẩu đá xuống bãi. Do bị đe dọa, trấn lột tiền thường xuyên nên nhiều chủ hàng hiện nay không dám chở hàng vào để giao cho các cơ sở sản xuất khiến một số cơ sở gia công không có hàng để làm.

Làng đá mỹ nghệ Non Nước khốn đốn vì nạn bảo kê
Làng đá mỹ nghệ Non Nước khốn đốn vì nạn bảo kê


Kiên quyết xử lý

Ông T, một người dân địa phương lắc đầu ngao ngán: tôi là người dân địa phương, nhưng cũng bị chúng thu 2 triệu đồng/xe đá. Hiện nay chúng hoạt động có tổ chức và khá chặt chẽ. Thậm chí đã thành lập công ty để làm vỏ bọc chuyên về hoạt động bảo kê như kiểu Minh "Sâm" ở Bắc Ninh. Mỗi xe đá về, nếu không chịu nộp tiền bảo kê, chúng sẽ đứng ra xin mua và tự ý đánh tên mình vào các khối đá của người dân, doanh nghiệp và cho người canh chừng. Tuy tiếng là mua lại, nhưng chúng ra giá và cũng chẳng chịu đưa tiền. Mục đích chính của chúng là làm khó dễ người dân để bắt giao nộp tiền bảo kê. Hiện, tôi có 2 xe hàng về đã được 4 hôm nay nhưng vẫn chưa xuống được hàng vì chưa nộp tiền bảo kê, lái xe cẩu tại làng nghề không chịu bốc dỡ. Gọi xe cẩu nơi khác thì chỉ nghe đến tên khu vực làng nghề đá mỹ nghệ Non Nước là người ta chối đây đẩy.

Còn anh N.C.Đ, một chủ hàng khác thì cho biết: cách mấy bữa, anh cũng phải chung chi 9 triệu đồng để được các đối tượng này cho xuống hàng. Trung bình mỗi ngày có từ vài đến hàng chục lượt đá vận chuyển về làng nghề nên số tiền các đối tượng trên thu được không phải là ít, anh N.C.Đ cho biết.

Phóng viên Báo TN&MT cũng nhận được cuộc gọi từ số điện thoại 097....... , một người đàn ông tên H cho biết mình là một chủ hàng quê ở Nghệ An, thường xuyên vận chuyển đá từ Nghệ An vào Đà Nẵng và đều bị thu tiền bảo kê cho mỗi chuyến hàng từ 4 - 10 triệu đồng, tùy theo số lượng đá.

Các cửa hàng hiu hắt vì thiếu hàng
Các cửa hàng hiu hắt vì thiếu hàng

“Đà Nẵng vẫn được coi là thành phố đáng sống mà lại xuất hiện tình trạng ngang nhiên thu tiền bảo kê tại làng nghề có tuổi đời hơn 400 năm. Điều này không chỉ ảnh hưởng tới người dân, mà còn ảnh hưởng tới sự sống còn của làng nghề và hình ảnh thành phố đáng sống của của Đà Nẵng. Rất mong các cấp chính quyền can thiệp để giữ lại làng nghề, hình ảnh của thành phố Đà Nẵng”- ông H.K khẩn thiết đề nghị.

Trao đổi với phóng viên báo TN&MT, ông Nguyễn Hòa - Phó Chủ tịch UBND quận Ngũ Hành Sơn tỏ ra khá bất ngờ trước thông tin trên. Sau khi kiểm tra, xác minh một số thông tin do phóng viên cung cấp, ông Hòa khẳng định: Làng nghề đá mỹ nghệ Non Nước hiện đang có khoảng 350 hộ tham gia sản xuất kinh doanh, là một ngành xương sống trong phát triển kinh tế của quận Ngũ Hành Sơn, việc để xảy ra vấn đề bảo kê là không thể chấp nhận được. UBND quận sẽ chỉ đạo các ngành chức năng làm rõ và giải quyết dứt điểm vấn đề này trong vòng 1 tuần.

Đức Huy 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đà Nẵng: Bảo kê hoành hành, làng đá mỹ nghệ khốn đốn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO