Đa dạng nguồn lợi thủy sản: Nâng cao ý thức trách nhiệm của người dân

Thu Thủy (Thực hiện)| 08/07/2021 10:31

(TN&MT) - Từ năm 2019 đến tháng 6/2021, tỉnh Thanh Hóa đã tiến hành thả 9.960 kg các loài cá truyền thống nước ngọt, 6.000 cá lăng, chiên xuống các hồ chứa nước lớn và 2 triệu con tôm sú giống… đó là những con số “biết nói” về công tác bảo tồn, quản lý và phát triển nguồn lợi thủy sản (NLTS) tại địa phương này. Để có cái nhìn rõ nét về vấn đề trên, PV Báo TN&MT đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Đức Cường, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản - Sở NN&PTNT tỉnh Thanh Hóa.

Ông Nguyễn Đức Cường, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản - Sở NN&PTNT tỉnh Thanh Hóa

PV: Xin ông cho biết công tác quản lý, bảo tồn và phát triển NLTS tại tỉnh Thanh Hóa được triển khai như thế nào trong thời gian qua?

Ông Nguyễn Đức Cường:

Những năm qua, Sở NN&PTNT tỉnh Thanh Hóa đã chủ động triển khai thực hiện các quy định, văn bản chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh về lĩnh vực bảo vệ và phát triển NLTS; thực hiện tốt công tác tham mưu cho UBND tỉnh ban hành các kế hoạch, chương trình, chính sách, văn bản chỉ đạo về bảo vệ và phát triển NLTS. Ban hành quy định tiêu chí đặc thù đối với đóng mới, cải hoán, thuê, mua tàu cá hoạt động trên biển.

Tổ chức nhiều chương trình thả giống thủy sản xuống các thủy vực tự nhiên, hồ chứa nước lớn trên địa bàn tỉnh. Thực hiện các chính sách hỗ trợ công cụ đánh bắt cho ngư dân, hàng năm xây dựng Kế hoạch thực hiện Tháng hành động bảo vệ NLTS vùng ven biển tỉnh.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức cho ngư dân các quy định về bảo vệ, bảo tồn và phát triển NLTS; thực hiện Chương trình thả giống tái tạo xuống các thủy vực tự nhiên và các hồ chứa nước lớn. Quản lý và cấp phép khai thác thủy sản theo hạn ngạch đã công bố. Tăng cường kiểm tra, giám sát các hoạt động khai thác thủy sản; tiếp tục thực hiện các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh về bảo vệ, bảo tồn và phát triển NLTS.

Nhờ vậy, chỉ tính từ năm 2019 đến tháng 6/2021, tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức thực hiện thả 9.960 kg các loài cá truyền thống nước ngọt (trắm, trôi, mè, chép); 6.000 cá lăng, chiên xuống các hồ chứa nước lớn, lưu vực sông Mã và 2 triệu con tôm sú giống, 6.000 cua xanh thả tại khu vực ven biển Hòn Nẹ, Nga Sơn nhằm phục hồi và phát triển NLTS.

Triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị định số 67/2014/NĐ-CP ngày 7/7/2014 của Chính phủ. Toàn tỉnh có 58 tàu cá đóng mới gồm: 17 tàu dịch vụ hậu cần và 41 tàu khai thác, trong đó: 23 tàu vỏ thép và 35 tàu vỏ gỗ, với tổng số tiền 652,2 tỷ đồng.

Bến cảng ở Hải Bình, TX. Nghi Sơn (Thanh Hóa). Ảnh: MH

PV: Hiện nay, tình trạng khai thác thủy sản mang tính tận diệt trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa vẫn diễn biến phức tạp, gây tổn hại cho NLTS và môi trường sinh thái. Vậy Sở đã có những giải pháp gì để ngăn chặn tình trạng trên, thưa ông?

Ông Nguyễn Đức Cường:

Sở NN&PTNT tỉnh Thanh Hóa luôn chú trọng công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về bảo vệ và phát triển NLTS với nhiều phương thức, loại hình hoạt động được các đơn vị trực thuộc Sở triển khai thường xuyên trên phạm vi toàn tỉnh từ năm 2019 đến 6 tháng đầu năm 2021.

Đồng thời, quản lý chặt chẽ và ngăn chặn phát triển tàu cá và các nghề khai thác không đúng quy định. Ban hành quy định tiêu chí đặc thù đối với đóng mới, cải hoán, thuê, mua tàu cá hoạt động trên biển; quy trình xét duyệt hồ sơ đề nghị cấp văn bản chấp thuận đóng mới, mua tàu cá; phân công, phân cấp quản lý tàu cá trên địa bàn tỉnh.

Ngoài việc tổ chức quản lý và cấp Giấy phép khai thác thủy sản theo hạn ngạch được giao theo quy định, Sở NN&PTNT tỉnh Thanh Hóa luôn tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thực thi pháp luật về bảo vệ NLTS và đã được Chi cục Thủy sản phối hợp với các lực lượng chức năng, các địa phương duy trì thực hiện. Thường xuyên tổ chức các đợt cao điểm kiểm tra hoạt động khai thác thủy sản tại vùng ven biển, cửa sông và các vùng nước nội đồng để phát hiện, ngăn chặn và xử lý các trường hợp sử dụng chất nổ, xung điện, chất độc để khai thác thủy sản; thực hiện việc thanh tra, kiểm tra tàu cá tại các cảng cá.

Trong năm 2020 và 6 tháng đầu năm 2021, Chi cục Thủy sản đã thực hiện 196 chuyến biển, kiểm tra 945 tàu, phát hiện và xử lý hành chính 26 tàu cá (trong đó có 6 tàu cá tàng trữ, sử dụng xung kích điện để khai thác thủy sản, 20 tàu cá vi phạm về thủ tục hành chính); tháo dỡ 11 hàng đáy, đăng khai thác vi phạm.

PV: Để quản lý, bảo tồn và phát triển tốt NLTS, Sở NN&PTNT, UBND tỉnh Thanh Hóa đã có những chính sách thiết thực gì trong công tác quản lý, bảo tồn và phát triển đa dạng NLTS tại địa phương?

Ông Nguyễn Đức Cường:

Trước hết, Sở NN&PTNT tỉnh Thanh Hóa tiếp tục cố gắng, nỗ lực để thực hiện tốt Quyết định số 188/QĐ-TTg ngày 13/2/2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình bảo vệ và phát triển NLTS đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa; Chỉ thị 07/CT-UBND ngày 6/3/2008 về việc tổ chức “Tháng hành động bảo vệ NLTS vùng ven biển tỉnh Thanh Hóa”…

Thời gian tới, để quản lý, bảo tồn và phát triển đa dạng NLTS có hiệu quả gắn với việc nâng cao ý thức trách nhiệm của người dân, Sở NN&PTNT tỉnh Thanh Hóa đã xây dựng và đang trình UBND tỉnh báo cáo Thường vụ Tỉnh ủy trình HĐND tỉnh phê duyệt chính sách phát triển NLTS, gồm: Hỗ trợ lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, phí thuê bao thiết bị giám sát hành trình; hỗ trợ đóng mới hầm bảo quản sản phẩm trên tàu cá bằng vật liệu mới; hỗ trợ lắp đặt máy dò cá ngang.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đa dạng nguồn lợi thủy sản: Nâng cao ý thức trách nhiệm của người dân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO