Đa dạng hóa hình thức tuyên truyền bảo vệ chủ quyền biển, đảo tại Thừa Thiên Huế

Văn Dinh| 02/11/2020 20:55

(TN&MT) - Thời gian qua, các cơ quan, đơn vị ở Thừa Thiên Huế đã triển khai nhiều hoạt động tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về biển, đảo, đầm phá với nhiều hình thức phong phú và đa dạng...

Thừa Thiên Huế là tỉnh ven biển thuộc khu vực duyên hải miền Trung Việt Nam. Vùng đất ven biển thuộc tỉnh trải dài qua 5 huyện, thị xã gồm Phong Điền, Quảng Điền, Hương Trà, Phú Vang, Phú Lộc.

Bên cạnh đó, tỉnh có hệ đầm phá Tam Giang - Cầu Hai diện tích khoảng 22.000 ha, lớn nhất khu vực Đông Nam Á; là vùng rất phong phú, đa dạng về sinh học, sinh thái, không chỉ là nơi giàu tài nguyên thiên nhiên, mà còn là nơi có mật độ dân cư khá đông đúc, là nơi hội tụ đủ điều kiện thuận lợi về vị trí địa lý, địa hình, cảnh quan tự nhiên và cơ sở hạ tầng để phát triển kinh tế và hoạt động du lịch dịch vụ, đóng góp rất lớn cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Trang bị các tủ sách pháp luật cho ngư dân

Để nâng cao công tác quản lý và sử dụng tài nguyên môi trường biển, đảo và đầm phá một cách hiệu quả, bền vững và để phát huy các tiềm năng, lợi thế vốn có; thời gian qua, nhiều cơ quan, đơn vị... ở Thừa Thiên Huế đã triển khai nhiều hoạt động tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về biển, đảo, đầm phá với nhiều hình thức phong phú và đa dạng.

Thời gian gần đây, sau mỗi chuyến đi biển về của ngư dân, Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Thuận An tổ chức nhiều buổi gặp mặt để tuyên truyền về tính pháp lý chủ quyền Biển Đông của Việt Nam; các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước trong việc bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

Ngư dân chăm chú nghe các báo cáo viên giải thích về tính pháp lý và những bằng chứng khẳng định Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam... Cùng với đó, các chủ trương, đối sách của Đảng, nhà nước ta trong việc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc cũng được thông tin cho ngư dân nắm vững.

Tập huấn các kiến thức biển đảo

“Mỗi lần vươn khơi bám biển là mỗi lần tự hào. Chúng tôi cần được nắm vững quy định cơ bản của luật biển, các quy định về hoạt động khai thác khơi xa như chế độ thông tin, xác định vị trí tọa độ... để làm cơ sở đấu tranh pháp lý khẳng định chủ quyền và quyền chủ quyền của nước ta trên Biển Đông. Ngoài ra, mỗi đợt trao đổi thông tin như thế này, những thắc mắc, kiến nghị của bà con ngư dân về chính sách hỗ trợ khai thác thủy sản, nâng cao hiệu quả phát triển kinh tế biển cũng được lãnh đạo các cấp giải đáp thoả đáng, giúp chúng tôi yên tâm bám biển dài ngày...”, anh Phan Long – một ngư dân chia sẻ.

Bộ Chỉ huy BĐBP Thừa Thiên Huế cũng thường xuyên lắp đặt các tủ sách pháp luật cho các tàu đánh bắt xa bờ, gồm có rất nhiều quyển sách như: “Bộ luật Hàng hải Việt Nam”, “Hỏi đáp pháp luật về biển”, tờ rơi biển, đảo Việt Nam… cho ngư dân đọc mỗi khi có thời gian rảnh rỗi.

Việc cấp phát sách nhằm trang bị những kiến thức cơ bản cho ngư dân về các vùng thuộc chủ quyền Việt Nam. Các văn bản pháp luật liên quan giúp ngư dân khi vươn khơi bám biển đánh bắt thủy hải sản không vi phạm chủ quyền vùng biển nước ngoài. Đảm bảo hoạt động đánh bắt, khai thác đúng quy định của pháp luật.

Triển lãm tranh, ảnh về chủ quyền biển đảo Tổ quốc

Sở TN&MT Thừa Thiên Huế cho biết, nhiều năm gần đây luôn đa dạng hóa các hoạt động tuyên truyền về biển đảo. Cụ thể thực hiện chương trình truyền thông, nâng cao nhận thức cộng đồng trong công tác quản lý tổng hợp và thống nhất về tài nguyên biển, đảo và đầm phá. Hàng năm, Sở tổ chức 6-10 hội nghị tuyên truyền, phổ biến Luật tài nguyên môi trường biển và hải đảo; Luật Biển Việt Nam và công tác quản lý tổng hợp tài nguyên và môi trường biển, đảo và đầm phá cho đại diện các hợp tác xã, chủ các tàu thuyền, chi hội nghề cá, các tổ chức, đoàn thể và người dân tại các địa phương ven biển.

Phối hợp với các địa phương ven biển, tổ chức tốt các hoạt động hưởng ứng Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam (1- 8/6) và Ngày Đại dương thế giới (8/6) với nhiều nội dung thiết thực như mít tinh và phát động hưởng ứng các ngày lễ, tổ chức ra quân làm vệ sinh môi trường, thu gom rác thải tại các khu vực bãi biển của tỉnh. Các hoạt động được thực hiện trên quy mô toàn tỉnh với nhiều nội dung thiết thực, huy động sự tham gia rộng rãi của cả hệ thống chính trị, các tổ chức, cộng đồng.

Tổ chức các cuộc thi vẽ tranh cho học sinh

Ngoài ra, thường xuyên phối hợp Trung tâm hoạt động thanh thiếu nhi - tỉnh đoàn Thừa Thiên Huế tổ chức các hội thi như “Thanh niên với biển, đảo và đầm phá quê hương”, “Ngày hội Em yêu biển, đảo quê hương”, “vẽ tranh biển, đảo trong mắt em” cho các đoàn viên thanh niên, và các em học sinh trên địa bàn các huyện có biển.

“Nhìn chung, công tác tuyên truyền về biển, đảo được Sở triển khai đúng trọng tâm, trọng điểm. Thông qua đó, nhận thức pháp luật về biển, đảo của các tổ chức, cá nhân của cộng đồng dân cư từng bước được nâng lên; giúp họ nắm bắt được các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước; hiểu được quyền lợi và nghĩa vụ của mình trong việc chấp hành pháp luật để vận dụng vào cuộc sống, giúp hạn chế tình trạng vi phạm pháp luật...”, ông Lê Bá Phúc – Phó giám đốc Sở TN&MT Thừa Thiên Huế nói.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đa dạng hóa hình thức tuyên truyền bảo vệ chủ quyền biển, đảo tại Thừa Thiên Huế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO