Cương quyết xử lý sai phạm tại mỏ nước Kô Tam

25/12/2015 00:00

(TN&MT) - Sau khi sự việc được Báo điện tử Tài nguyên và Môi trường phản ánh, Ban giám đốc Công ty cấp nước Đắk Lắk đã chỉ đạo các phòng ban vào cuộc quyết liệt...

 

(TN&MT) - Như Báo điện tử Tài nguyên và Môi trường đã phản ánh về nguy cơ gây ô nhiễm mỏ nước Kô Tam, Tp Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk do Công ty TNHH MTV cấp nước và đầu tư Đắk Lắk (Công ty cấp nước Đắk Lắk) quản lý, khai thác nước mạch phục vụ sinh hoạt cho người dân thành phố Buôn Ma Thuột. Khu đất vành đai rộng 3,2ha để trồng cây rừng bảo vệ mỏ nướ, nhưng đã bị tổ trồng cây sử dụng như vườn nhà, trồng cây công nghiệp, xây nhà ở, lò sấy, phòng khám bệnh gây ô nhiễm môi trường…

Các công trình xây dựng trái với hợp đồng phải bị tháo dỡ.
Các công trình xây dựng trái với hợp đồng phải bị tháo dỡ.

Sau khi sự việc được Báo điện tử Tài nguyên và Môi trường phản ánh, Ban giám đốc Công ty cấp nước Đắk Lắk đã chỉ đạo các phòng ban vào cuộc quyết liệt để xử lý. Ngày 08/12/2015, phòng Pháp chế - Thanh tra và phòng Tổ chức tiến hành kiểm tra thực tế, kiểm kê lại toàn bộ cây trồng trên 3,2ha đất bảo vệ nguồn nước Trạm bơm Kôtam. Trên cả hai phần đất do tổ trồng cây nhận khoán đã phát hiện nhiều sai phạm so với hợp đồng hai bên đã ký kết. Tự ý chia đôi vườn, số cây trồng theo hợp đồng không đáng kể. Chỉ có cây cau là tương đối đạt với 2.676 trên phần đất do ông Nguyễn Hữu Thắng quản lý và 81 cây do ông Đào Quang Lam quản lý; cây gai bồ kết 1.800; còn cây gỗ lát Mêhyco và cây gỗ sao rất khiêm tốn mà thay vào đó là các loại cây công nghiệp như: Hồ tiêu 2.600 cây, và hàng nghìn cây trồng khác như: Chanh, dừa, sầu riêng, bơ, chuối và cây dược liệu…

 Điều đáng chú ý là, theo hợp đồng số 03, ngày 24/3/2007 có thời hạn 25 năm giữa Công ty cấp nước Đắk Lắk với tổ trồng cây do ông Nguyễn Hữu Thắng ở số nhà 18, đường Nguyễn Chí Thanh, phường Tân An, thành phố Buôn Ma Thuột làm tổ trưởng đã xác định rõ: Tổ trồng cây chỉ trồng cây rừng để bảo vệ nguồn nước chứ không hề có các công trình nhà ở. Thế nhưng, ông Nguyễn Hữu Thắng đã xây dựng nhiều công trình trên phần đất 1,6ha do ông trực tiếp quản lý, trồng cây gồm: nhà ở 40m2, sân phơi 100m2, phòng khám bệnh 70m2, bể nuôi cá 30m2, và lò sấy cau đã tháo dỡ. Phần đất của ông Đào Quang Lam cũng xây dựng lán trại với hình thức nhà lắp gép khung sắt thưng tôn 40m2. Và có người ở cả ngày lẫn đêm.

Cây trồng ngoài hợp đồng cũng phải nhỏ bỏ như: Hồ tiêu, dược liệu, chanh…
Cây trồng ngoài hợp đồng cũng phải nhỏ bỏ như: Hồ tiêu, dược liệu, chanh…

Tại buổi làm việc của tổ công tác Công ty cấp nước Đắk Lắk với ông Nguyễn Hữu Thắng đã yêu cầu tổ trồng cây khôi phục lại nguyên trạng theo hợp đồng hai bên đã ký kết. Những cây trồng, công trình xây dựng trái với hợp đồng tổ trồng cây buộc phải phá bỏ, tháo dỡ, đồng thời thực hiện theo đúng hợp đồng hai bên đã ký kết. Vợ chồng ông Nguyễn Hữu Thắng, đại diện tổ trồng cây đã viết cam kết thực hiện theo đúng hợp đồng trồng cây bảo vệ nguồn nước số 03. Những cây trồng và công trình, vật kiến trúc trên đất không đúng với thiết kế ban hành theo hợp đồng, tổ trồng cây sẽ phải tự tháo dỡ, chặt bỏ. Thời hạn cuối cùng là hết tháng 5/2016 (âm lịch). Hiện nay, lò sấy cau đã được ông Thắng tháo dỡ, còn lại các công trình khác và cây trồng sẽ phải tháo dỡ trong thời gian đến.

Tuy nhiên, sau khi ký cam kết, ngày 14/12/2015 ông Nguyễn Hữu Thắng đã có đơn gửi công ty để được xem xét cho ông giữa lại một số phòng và căn nhà, sân vườn để lấy nơi ở, vì ông không có chỗ ở nào khác. Thế nhưng, về phía công ty đã không chấp nhận.

Ông Nguyễn Văn Tin - Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Cấp nước và Đầu tư xây dựng Đắk Lắk xác nhận với PV Báo điện tử Tài nguyên và Môi trường sẽ cương quyết xử lý.
Ông Nguyễn Văn Tin - Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Cấp nước và Đầu tư xây dựng Đắk Lắk xác nhận với PV Báo điện tử Tài nguyên và Môi trường sẽ cương quyết xử lý.

Ông Nguyễn Văn Tin - Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Cấp nước và Đầu tư xây dựng Đắk Lắk cho biết: “Ban giám đốc công ty sẽ cương quyết xử lý những công trình và cây trồng vi phạm hợp đồng. Hạn cuối cùng cho tổ trồng cây tự tháo dỡ, phá bỏ công trình và các loại cây không đúng với hợp đồng là hết tháng 5/2016 như đã cam kết. Nếu sau thời gian này, tổ trồng cây không thực hiện công ty sẽ tiến hành cưỡng chế tháo dỡ đồng thời thanh lý hợp đồng vì tổ trồng cây đã vi phạm nhưng không chịu khắc phục, không thực hiện theo đúng hợp đồng mà hai bên đã ký kết”. Ông Tin nhấn mạnh: “Mục tiêu cuối cùng là bảo vệ nguồn nước không bị ô nhiễm, làm ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nước. Nếu nguồn nước bị ô nhiễm sẽ gây khó khăn cho công ty trong việc khai thác, xử lý nguồn nước trước khi cung cấp nước sinh hoạt cho người dân thành phố Buôn Ma Thuột. Chính vì vậy, Ban giám đốc công ty đã thống nhất quan điểm là không thể du di, mà phải cương quyết xử lý để 3,2ha đất hành lang được sử dụng đúng mục đích là trồng cây rừng để bảo vệ nguồn nước./.

Bài & ảnh: Đình Thắng

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cương quyết xử lý sai phạm tại mỏ nước Kô Tam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO