Cuộc thi “Cùng giữ màu xanh của biển”: Nửa chặng đường xanh

Dương Mộc Hương| 18/06/2021 12:23

(TN&MT) - Với nửa chặng đường đầu cuộc thi “Cùng giữ màu xanh của biển”, những chấm xanh đang dần lan tỏa và hy vọng trong tương lai sẽ phủ xanh tấm bản đồ mang tên Chiến lược biển xanh.

Những trang viết tự tấm lòng

“Viết - không phải là một cái gì ghê gớm” - như Nhà văn Chu Lai (thành viên Ban Giám khảo cuộc thi) từng nói - “Bạn nghĩ gì trong đầu thì bạn viết nó ra thôi. Tuy nhiên viết theo chủ đề thì dĩ nhiên là khó khăn hơn, nếu được đăng, rồi có thể đưa vào dự xét giải, rồi được giải… thì quả cũng không dễ. Cả đời tôi trong lĩnh vực báo chí có bao giờ được giải thưởng ở những cuộc thi viết như thế này đâu. Thế nên, tôi khuyên các bạn là cứ viết đi, viết bằng trái tim mình, viết để đóng góp cho biển, cho đất nước. Chúng tôi sẽ đọc không sót một bài nào. Có thể bài của bạn chưa được đăng vì nó chưa đáp ứng đủ các tiêu chí, nhưng đôi khi có những ý tưởng trong đó lại quý vô cùng. Tôi tin những người tham gia ở đây đều yêu biển, vậy bạn hãy viết bằng tình yêu biển của bạn, chỉ cần yêu thôi".

Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân tặng hoa các thành viên Ban giám khảo Cuộc thi.

Đúng là, nhìn vào danh sách những người tham gia, có thể thấy, bên cạnh những nhà văn nhà báo quen tên như Lữ Mai, Mạnh Thường, Khuê Việt Trường… có rất nhiều những cái tên, những gương mặt lạ trên làng văn, làng báo. Có những người từ những vùng quê xa xôi của Cần Thơ, Bến Tre, Quảng Bình, Quảng Trị… bài viết không bố cục lớp lang mà đi thẳng vào vấn đề, lời văn giản dị, ngôn từ đậm đặc địa phương… những người mà, dường như chỉ nghe đâu đó có cuộc thi góp ý cho việc gìn giữ tài nguyên môi trường biển là háo hức tham gia, còn thì chưa hề đọc thể lệ cuộc thi.

Thay bằng việc không hài lòng, hay gạt những bài thi ấy sang một bên, thì những người trong Ban Tổ chức, Ban Giám khảo lại chăm chú đọc từng câu từng chữ. Bởi ẩn sau những sự giản dị chân phương ấy là một tấm lòng với biển. Họ, đôi khi chỉ là một người dân bình thường, làm nghề đánh bắt trên biển, hay chỉ là một diêm dân ngày đêm cặm cụi trên cánh đồng muối. Đôi khi chỉ là một người dân làm nghề buôn thúng bán bưng ở cửa sông, hay chỉ là một du khách... vì xót biển mà nói lên ý nghĩ của mình.

Còn với những người sống tại thành thị như sinh viên Nguyễn Phương Trang, nhưng xuất phát từ tình cảm nguồn cội quê hương, từ ký ức tuổi thơ ngút tầm mắt là rừng cây ngập mặn, nên những trang viết của Trang đầy kỷ niệm, tươi mới và thổn thức, ngỡ như hình dung ra được cả tiếng sóng biển rì rầm trò chuyện, tiếng cá ngúng nguẩy búng bùn và hương bần bay lãng đãng trong không gian xanh.

Đặc biệt là tình yêu biển được xây nên từ những cơ duyên và gắn trực tiếp với những người lính đang ngày đêm canh giữ biển như tác giả Lữ Mai. Cô Nhà báo, Nhà thơ nhỏ bé này đã từng có nhiều chuyến công tác ra Trường Sa, Nhà giàn DK1 và sinh hoạt trong Câu lạc bộ Tuổi trẻ vì biển đảo. Ngưỡng mộ ý chí kiên cường bám biển và thấm thía với những nhọc nhằn của người lính... đã thôi thúc Mai viết. Loạt phóng sự “Thở đi nào biển ơi” không chỉ phản ánh thực trạng rác đến từ đâu, bủa vây đảo, nhà giàn như thế nào, cách khắc phục, xử lý của bộ đội ra sao trong điều kiện trang thiết bị hạn chế, diện tích nhỏ hẹp mà qua đó, còn làm sáng lên tinh thần khắc phục khó khăn; kỷ luật tôn trọng môi trường; trí tuệ của người lính thể hiện ở sáng kiến làm xanh sạch biển. Và hơn hết, đã gửi gắm tình yêu, sự cảm thông sâu sắc và tấm tình của người em gái với các anh bộ đội đảo xa.

Trong mỗi người đều có một nhành sáng kiến

Cuộc thi đã thu hút sự quan tâm của nhiều người, trong đó có nhiều nhà khoa học, hoặc làm công việc liên quan đến lĩnh vực nghiên cứu. Vì vậy, nhiều bài viết mang hàm lượng khoa học hoặc đã lấp lánh chất khoa học được đề cập ở những sáng kiến, kinh nghiệm hoặc các giải pháp. Không bồi hồi nhung nhớ như Nguyễn Phương Trang, không mượt mà thấm đẫm như nhà thơ Lữ Mai, không lãng đãng như nhà văn Khuê Việt Trường, nhiều trang viết dưới văn phong một bài báo khoa học, nhìn thẳng vào thực trạng và tập trung vào các giải pháp gìn giữ tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, có thể hơi khô cứng nhưng trong đó chứa đựng nhiều giá trị cần tham khảo.

Cuộc thi “Cùng giữ màu xanh của biển” lần I do Báo Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam tổ chức, phát động từ ngày 27/9/2020 tại thành phố biển Vũng Tàu (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu).

Cuộc thi nhằm ca ngợi những tập thể, cá nhân điển hình, có nhiều đóng góp trong công tác bảo vệ, gìn giữ tài nguyên, môi trường biển; bảo tồn đa dạng sinh học, các hệ sinh thái biển; chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Đồng thời tôn vinh những giải pháp công nghệ, phát huy truyền thống lịch sử, bản sắc văn hóa biển; đi đôi với xây dựng xã hội, gắn kết thân thiện với biển; bảo đảm quốc phòng an ninh, đối ngoại và hợp tác quốc tế...

Từ khi phát động cuộc thi đến nay, Ban Tổ chức đã nhận được hàng trăm tác phẩm của các tác giả trên mọi miền Tổ quốc.

Có thể thấy, ở hầu hết các bài dự thi đều đề cập đến vấn đề giải pháp, bởi theo tác giả Bùi Thị Thoa - Hãng phim tài liệu và khoa học Trung ương, "mục đích của cuộc thi là phản ánh thực trạng, đưa ra sáng kiến, giải pháp giải quyết tồn tại của thực trạng, từ đó áp dụng và lan tỏa tới cộng đồng, thức tỉnh ý thức chung tay bảo vệ, gìn giữ tài nguyên môi trường biển".

Từ những trang viết đầu tiên của thành viên trẻ nhất Nguyễn Phương Trang, đến những thành viên cao tuổi như Nguyễn Hữu Hóa, Trương Thanh Liêm; từ những người làm trong ngành nghiên cứu như Đinh Trung Thành đến những người sống trong “ngôi nhà thơ”, hay cả những người dân chân chất… ít nhiều đều đưa ra những giải pháp, sáng kiến giải quyết thực trạng. Dường như, trước tình yêu biển đảo, mỗi người đều thấy trách nhiệm của mình và mong muốn góp vào đó, có thể chưa đủ một cây, nhưng có thể là một nhánh, một nhành sáng kiến nhỏ… Và nếu nói như ngôn ngữ biển khơi, thì mỗi giọt nước biển đều mang vị mặn, và góp nhiều giọt nước biển lại sẽ thành biển cả bao la.

Cho dài thêm mãi chặng đường xanh

Nhìn vào danh sách những người tham gia, có lẽ những nhà khoa học tên tuổi, những cây viết gạo cội còn nghiền ngẫm, đi chậm hơn, ngẫm kỹ hơn; cho đủ trải nghiệm, đủ lật giở băn khoăn rồi mới chắp bút. Tôi từng ngồi cả buổi nghe một cây đa cây đề trong làng văn nói chuyện về môi trường và biển đảo. Ông nói, môi trường là ngành nghề mà các con của ông theo đuổi nghiên cứu, biển đảo là niềm day dứt đau đáu trong ông. Rác thải đại dương là một vấn nạn, nhưng với ông, mục đích của cuộc thi không chỉ dừng ở đó.

Ước mong của những người đầy trải nghiệm hiểu biết như ông, hay những người làm khoa học, có thể sẽ được thể hiện ở những bài viết với những giải pháp mang tầm chiến lược, trong đó lấy môi trường, tài nguyên biển làm chất xúc tác, lấy việc bảo vệ, gìn giữ tài nguyên, môi trường biển làm bàn đạp trung tâm để phát triển kinh tế biển, kinh tế biển xanh; bảo vệ an ninh chủ quyền biển; khẳng định và bồi đắp giá trị biển Việt... Những trang viết ấy hẳn sẽ được trình làng ở chặng tiếp theo.

Nhưng trước khi đến với những mơ ước vươn tầm đại dương, thì hãy nâng niu từng nhành sáng kiến nhỏ, dù chỉ là đôi nét chấm phá cho tới những bản viết mang đậm khoa học, để những sáng kiến, những giải pháp ấy có điều kiện được nảy mầm trong đời sống hiện thực. Đặc biệt, với những công trình khoa học đã được nghiệm thu như Công nghệ xử lý mùi của kỹ sư Bùi Công Khê và PGS,TS Phạm Ngọc Khái, mô hình phân loại rác ở tàu ngầm của Lữ đoàn Tàu ngầm 171; mô hình cá ăn rác ở Đà Nẵng, nói không với túi ni lông ở Cù Lao Chàm, máy ép rác của kỹ sư Trần Thành... cần được áp dụng và lan tỏa rộng. Và những câu chuyện đẹp ấy, những hành vi đẹp của “Kiến trúc sư làng biển Lê Ngọc Thuận”, “tiến sĩ cua Nguyễn Mạnh Trinh”, “vua rùa Lê Xuân Ái”, “tiến sĩ san hô Hoàng Xuân Bền”, "kỹ sư mùi Bùi Công Khê” - những con người một đời gắn bó máu thịt với biển, ăn biển, ngủ biển, thao thức vì biển… cần được tôn vinh.

Với biển, chưa bao giờ là đủ, một nửa chặng đường xanh chỉ là mở ra những bước đầu tiên của một cánh cửa xanh. Nửa chặng đường xanh ấy cũng chỉ là một trục trong đan xen các trục dọc trục ngang trên con đường chiến lược biển của đất nước. Vậy nên, những ai thiết tha với biển, hãy đi cho trọn niềm thương, đi cho tròn khát vọng. Chỉ cần biết yêu và nói lên những suy nghĩ tâm huyết của mình, bạn đã xứng đáng ghi danh vào hàng ngũ những cây bút làm xanh cho biển, cho dài thêm mãi chặng đường xanh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cuộc thi “Cùng giữ màu xanh của biển”: Nửa chặng đường xanh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO