Dân tộc thiểu số

Cùng giữ “hồn cốt” văn hóa Thái

Đình Tiệp - Kế Kiên 15:16 28/11/2023

Mỗi người một vẻ, một thế mạnh, những người dân tộc Thái ở làng Thái cổ Hoa Tiến (xã Châu Tiến, huyện Quỳ Châu, tỉnh Nghệ An) đều đang lưu giữ, lan tỏa, phát triển “hồn cốt” của văn hóa đồng bào dân tộc Thái nơi bản làng vùng cao xứ Nghệ này.

Những “đầu tàu” phát triển Homstay trên nền văn hóa Thái

Bản Hoa Tiến là bản của người dân tộc Thái vẫn còn giữ được những nét văn hóa cổ xưa vốn có từ thuở xưa. Những năm gần đây, nhằm gìn giữ, phát huy những giá trị văn hóa cũng như phát huy lợi thế vốn có để làm kinh tế thì mô hình phát triển du lịch cộng đồng dựa trên văn hóa, ẩm thực đã được địa phương đẩy mạnh đầu tư, phát triển.

Bà Sầm Thị Xanh, một người con của bản Hoa Tiến rất am hiểu về văn hóa của người Thái đã tiên phong trong việc giới thiệu văn hóa người Thái nơi đây đến với du khách.

anh-1.jpg
Bản Thái cổ Hoa Tiến, xã Châu Tiến, huyện Quỳ Châu, tỉnh Nghệ An.

Để đáp ứng thị hiếu của khách du lịch là muốn tìm những bản sắc riêng mang đậm giá trị văn hóa của người Thái, thế nên ngoài tự học, tự bồi dưỡng kiến thức về văn hóa truyền thống của dân tộc, phong tục tập quán của người dân địa phương, bà Xanh cũng đã kết hợp với các Công ty lữ hành để xây dựng những chương trình du lịch lý thú, viết lời mới cho nhiều bài hát trên nền làn điệu các bài dân ca của người Thái và dàn dựng, sân khấu hóa lại các tác phẩm để du khách có những trải nghiệm đáng nhớ khi tham gia tour du lịch cộng đồng ở bản Hoa Tiến.

anh-2.jpg
Nghề dệt thổ cẩm vẫn được lưu giữ và phát triển ở Quỳ Châu.

Bà Sầm Thị Xanh, tâm sự rằng: “Khi đến với bản Hoa Tiến, những du khách sẽ được nghe các làn điệu dân ca, dân vũ của người Thái, cùng người dân trong xã dệt thổ cẩm, thưởng thức các món ăn truyền thống... Cá nhân tôi có thể hát, có thể dệt và cả diễn xướng những làn điệu của dân tộc mình cho du khách xem”.

Chủ Homstay Nga Duẩn, bà Lô Thị Nga cũng là một trong những phụ nữ năng động ở bản Hoa Tiến. Hiện nay, gia đình bà quản lý một nhà sàn truyền thống dùng để làm "home stay" đón khách du lịch.

anh-3(1).jpg
Bà Lô Thị Nga bên khung cửi của gia đình.

Căn nhà sàn cổ đã được dựng từ mấy chục năm của vợ chồng bà Lô Thị Nga – ông Sầm Văn Duẩn trông khá đồ sộ và được trang trí thêm nhiều dụng cụ sinh hoạt truyền thống của người đồng bào dân tộc Thái. Đến với căn nhà của gia đình bà, du khách dễ dàng cảm nhận được sự khéo léo của bàn tay người phụ nữ khi từng góc bếp, từng hiên nhà đến nơi ăn, chốn ngủ và cả nơi nghỉ ngơi được chăm chút tỉ mỉ, chu đáo.

Bà Nga cũng là một trong những phụ nữ cao tuổi vẫn duy trì nghề dệt thổ cẩm truyền thống và khách đến với gia đình bà đều rất thích thú khi được trải nghiệm công việc rất đỗi thân quen này. “Tôi rất vui bởi từ khi kinh doanh loại hình du lịch cộng đồng gia đình bà được tín nhiệm và được nhiều khách du lịch lựa chọn. Điều này không chỉ giúp gia đình tăng thêm thu nhập, quan trọng hơn là ngày càng có nhiều người yêu văn hóa và những giá trị truyền thống của dân tộc Thái” – Bà Nga, cho biết.

anh-4.jpg
Những sản phẩm thổ cẩm đặc trưng của người Thái.

Cũng nói về nghề dệt thổ cẩm Hoa Tiến, nghệ nhân Sầm Thị Bích, Chủ nhiệm HTX thổ cẩm bản Hoa Tiến nói: “Nghề dệt thổ cẩm tại bản Hoa Tiến có từ thời xa xưa, khi tôi lớn lên, đã thấy bà tôi, mẹ tôi dệt thổ cẩm. Và theo các vị già làng trong bản, thổ cẩm Hoa Tiến đã có hàng trăm năm nay”. Cũng theo bà Bích, nghề dệt thổ cẩm dần bị mai một bởi sự tràn ngập của các loại vải công nghiệp giá rẻ, mặt khác thổ cẩm cũng chưa được khuyến khích và bảo tồn.

Rất mừng là khoảng 10 năm nay thổ cẩm của người Thái ở Quỳ Châu nói chung, của Hoa Tiến nói riêng dần được hồi sinh, các ngành chức năng đầu tư hỗ trợ vốn, tập huấn kỹ thuật nhuộm tơ và cải tiến mẫu mã chất lượng hàng hóa... Người Thái ở Hoa Tiến đã đưa ra thị trường hàng trăm sản phẩm phong phú, đa dạng. Từ thổ cẩm tấm, quần áo, ga trải giường, khăn trải bàn cho đến những chiếc cặp, ví, cà vạt... Làng nghề hồi sinh, phụ nữ Hoa Tiến đã có việc làm trong lúc nông nhàn. Ở các lễ hội Hang Bua, Thẩm Ồm... những sản phẩm này đã trở thành hàng lưu niệm có ý nghĩa, được khách du lịch ưa chuộng.

anh-5.jpg
Thổ cẩm và những vật dụng được đan bằng tre, mây của người Thái.

Ngay tại nhà nghệ nhân Sầm Thị Bích, các bộ trang phục truyền thống của người Thái được trưng bày để du khách tham quan. Đặc biệt nhất vẫn là hai khung cửi luôn thường trực để du khách có thể trải nghiệm quá trình dệt vải, làm ra những bộ trang phục thổ cẩm truyền thống. Ngoài ra bà Bích còn dựng thêm một khu vực để khách thưởng thức các món ăn truyền thống. Khu vực này còn được chủ homestay đặt với cái tên thú vị “Ở đây có bán niềm vui”.

Đưa văn hóa Thái đến gần với du khách thập phương

Vài năm gần đây, bản Hoa Tiến, xã Châu Tiến đã có tên trên bản đồ du lịch và là điểm đến cho những người yêu loại hình du lịch cộng đồng, thích khám phá những điểm mới. Tuy nhiên, du lịch cộng đồng Hoa Tiến khó có thể thành công nếu không có những người dân bản địa biết lưu giữ, bảo tồn văn hóa dân tộc và đang nỗ lực để quảng bá những giá trị tốt đẹp đến với đông đảo du khách gần xa.

anh-6.jpg
Ông Lô Đức Mậu - Nghệ nhân ưu tú tiếng nói và chữ viết Thái đang viết chữ Thái cho PV xem.

Cũng với ý nghĩa này, từ năm 2014, bản Hoa Tiến đã thành lập Câu lạc bộ bảo tồn văn hóa Thái. Từ 8 thành viên đầu tiên là những người có cùng sở thích hát những làn điệu dân ca Thái, nay Câu lạc bộ đã phát triển lên đến 38 người, trong đó có những người đã được phong Nghệ nhân ưu tú như bà Sầm Thị Vinh. Hiện Câu lạc bộ không chỉ sinh hoạt ở một mảng là dân ca, dân vũ, mà có nhiều mảng khác nhau. Ông Lô Đức Mậu là Chủ nhiệm Câu lạc bộ chuyên về tiếng nói, chữ Thái cổ; bà Sầm Thị Vinh thiên về truyền dạy các làn điệu dân ca Thái như hát Suối, hát Lăm, hát Nhuôn, hát Hắp Lai...; bà Sầm Thị Xanh phụ trách về dân ca, tâm linh.

anh-7.jpg
Khắc luống của người Thái.

Là người được phong là Nghệ nhân ưu tú tiếng nói và chữ viết Thái, đồng thời là Chủ nhiệm Câu lạc bộ tiếng nói và chữ viết Thái, ông Lô Đức Mậu (66 tuổi), bản Hoa Tiến, cho biết: “Hè nào tôi cũng mở lớp dạy tiếng nói và chữ viết Thái tại địa phương. Như năm 2022 tôi mở 2 lớp; năm 2023 tôi mở 1 lớp. Người đến học chủ yếu là các bạn trẻ từ học sinh đến sinh viên. Thậm chí các cháu sinh viên tình nguyện về địa phương cũng tranh thủ đăng ký học lớp tôi dạy. Mình phổ biến được tiếng nói và chữ viết Thái đến các thế hệ trẻ nên rất vui vì có thể góp một phần sức lực của mình vào công tác truyền bá, phát triển văn hóa dân tộc mình”.

anh-8.jpg
Những nét văn hóa truyền thống của người Thái được gìn giữ, phát huy.

Các thành viên trong Câu lạc bộ bảo tồn văn hóa Thái từ già đến trẻ cũng đã trở thành những “sứ giả” quảng bá, giới thiệu du lịch cộng đồng. Vì thế, mỗi khi có đoàn khách đến với Châu Tiến, Câu lạc bộ dàn dựng chương trình, tổ chức biểu diễn văn hóa, văn nghệ cho khách du lịch. Các bà, các chị cũng sẽ là những đầu bếp nấu những món ăn mang đậm truyền thống của người dân bản xứ để giới thiệu cho du khách.

anh-9.jpg
Những dụng cụ sinh hoạt, lao động sản xuất đời thường của người Thái được trưng bày dưới sàn nhà của Homstay Nga Duẩn.

Những nỗ lực của các thành viên đã đưa Câu lạc bộ bảo tồn văn hóa Thái của bản Hoa Tiến ngày một phát triển và đã đạt mô hình cấp tỉnh. Bên cạnh đó, Câu lạc bộ cũng thu hút nhiều thành viên đến từ các xã khác cùng tham gia với nhiều hoạt động ngày càng phong phú và bổ ích... Sự cố gắng của các thành viên cũng đã góp phần quan trọng để lưu giữ những giá trị truyền thống và đưa văn hóa của người Thái huyện Quỳ Châu đến gần hơn với du khách thập phương. Đây cũng là yếu tố làm nên nét đặc sắc của riêng khu du lịch cộng đồng bản Hoa Tiến - Quỳ Châu.

anh-10.jpg
Một góc bản Hoa Tiến, xã Châu Tiến.

Theo ông Sầm Văn Túc – Phó Chủ tịch UBND xã Châu Tiến, tại Châu Tiến có bản Hoa Tiến làm Du lịch cộng đồng đã góp phần bảo tồn, gìn giữ bản sắc và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống; khai thác và phát huy các thế mạnh về tài nguyên du lịch tự nhiên và giá trị văn hóa của địa phương để phục vụ khách du lịch. Và những người góp công lớn cho các hoạt động này là những người đầu tàu, giữ “hồn cốt” văn hóa Thái nơi đây. Bên cạnh đó, du lịch cộng đồng đã bước đầu tạo ra sinh kế mới góp phần tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống, từng bước xóa đói, giảm nghèo cho người dân và dần xóa bỏ phong tục du canh, du cư; đồng thời, nâng cao ý thức của người dân về công tác bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường.

Bài liên quan
  • Câu chuyện hiến đất trên thượng nguồn sông Hiếu
    (TN&MT) - Những ngày này, câu chuyện nhiều hộ dân ở thị trấn Tân Lạc và xã Châu Hạnh (huyện Quỳ Châu, Nghệ An) đồng loạt hiến rất nhiều diện tích đất sản xuất nông nghiệp, đất vườn…để thực hiện dự án kè chống sạt lở bờ sông đang trở thành đề tài nóng hổi, một câu chuyện đẹp, mang ý nghĩa lớn lao trên thượng nguồn sông Hiếu.

(0) Bình luận
Nổi bật
Lang Chánh (Thanh Hóa): Hiệu quả triển từ mô hình trồng lúa chất lượng cao
Nhận thức được việc phát triển nông lâm nghiệp là thế mạnh của địa phương, trong những năm qua, Đảng ủy, Ủy ban nhân dân thị trấn Lang Chánh (Thanh Hóa) luôn trăn trở để tìm cây trồng phù hợp với địa phương. Năm 2022, thị trấn đã triển khai thí điểm mô hình lúa chất lượng cao tại cánh đồng lúa khu phố Trùng. Cũng nhờ mô hình thí điểm này đã gợi mở ra hướng phát triển kinh tế mới, không những tạo thêm công ăn việc làm, mà còn là cây xóa đói, giảm nghèo cho người nông dân nơi đây.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO