Luôn trong tâm thế sẵn sàng
Là vùng đất nhạy cảm với thời tiết, các hiện tượng cực đoan của biến đổi khí hậu (BĐKH) như nắng nóng, ngập úng, sạt lở, giông lốc… ngày càng diễn ra phức tạp, khó lường và gây nhiều thiệt hại cho người dân Cần Thơ.
Thực tế khó khăn này đặt ra cho các cấp chính quyền và người dân, nhất là ở những vùng có đông đồng bào DTTS phải linh hoạt vận dụng các giải pháp ứng phó, chủ động thích ứng hướng đến cuộc sống an toàn, bền vững hơn trước thiên tai.
Thiên tai, BĐKH trên địa bàn Cần Thơ ngày càng trở nên phức tạp. Mấy năm gần đây ở các huyện Thới Lai, Cờ Đỏ, nơi có đông đồng bào DTTS sinh sống thường xuyên phải hứng chịu nhiều loại hình thiên tai, trong đó nổi cộm nhất là giông lốc, sạt lở đất,… gây thiệt hại lớn về đất đai, hoa màu, nhà cửa của người dân.
Thế nhưng, cảm nhận chung của chúng tôi khi gặp gỡ người dân đó là sự điềm tĩnh của họ khi nói về thiên tai. Trong câu chuyện ngắn trước giờ bắt tay vào công việc, ông Đào Miện, ở thị trấn Cờ Đỏ, huyện Cờ Đỏ, TP. Cần Thơ cho biết: “Trước những thay đổi thất thường của thời tiết, những người nông dân như tôi đã học được cách chủ động thực hiện các biện pháp để thích ứng an toàn”.
Theo ông Đào Miện, vào thời điểm mùa khô thường xảy ra tình trạng thiếu nước, do đó gia đình đã giảm diện tích trồng lúa và chuyển sang trồng cây màu ít sử dụng ít nước hơn, còn mùa mưa thì dùng tre, luồn, tràm,… chằng chống hạn chế tốc mái nhà vì giông lốc.
Những ngày nguồn nước ở rạch Thơm Rơm xuống thấp như thời điểm vừa qua, ông Miện và nhiều hộ dân các xã Trung Hưng, Trung Thạnh, huyện Cờ Đỏ đã gia cố bờ kè phòng ngừa sạt lở, hạn chế thiệt hại đất đai, nhà cửa. Gia cố xong bờ kênh, họ mua tràm, bạch đàn về trồng dọc theo hai bên bờ.
Vừa cẩn thận vun đất vào các gốc tràm, bạch đàn, ông Lâm Hoàng Phúc ở xã Trung Hưng, huyện Cờ Đỏ, TP. Cần Thơ vừa chia sẻ với chúng tôi: “Dùng tre, tràm để gia cố bờ kênh rạch chi phí thấp mà hiệu quả mang lại rất cao, đồng bào Kinh hay đồng bào DTTS, nhà đông người hay neo người, gia cảnh nào cũng có thể làm được. Việc gia cố này giúp chúng tôi “trị” được cái “món” sạt lở đất rất hiệu quả”.
Họ vừa làm vừa ghi lại cho mình những bài học từ thực tế. Rút kinh nghiệm từ những đợt hạn hán, xâm nhập mặn những năm vừa qua, ngay sau những ngày vui xuân đón Tết Quý Mão 2023, ông Thạch Hoàng cũng như nhiều hộ dân khác ở phường Phú Thứ, quận Cái Răng, TP. Cần Thơ đã ra vườn đào đất gia cố bờ bao, tích trữ nước đảm bảo nguồn nước cho hơn 4 công đất trồng cây ăn trái của gia đình. Ngày vài bận, cứ đến “cữ” nhà đài và cơ quan dự báo, chính quyền địa phương thông báo thời tiết và tình hình con nước là ông lại tập trung theo dõi xem nắng mưa ra sao, nguồn nước thế nào, mặn vào gần hay xa để chủ động ứng phó.
Trò chuyện với phóng viên, ông Thạch Hoàng cho biết: “Từ thực tế diễn biến phức tạp, khó lường của thiên tai nên tôi không thể lơ là, chủ quan được. Có chính quyền và cơ quan dự báo đồng hành, chúng tôi luôn trong tâm thế sẵn sàng ứng phó hạn hán, xâm nhập mặn nếu có xảy ra để đảm bảo cho cuộc sống cũng như sản xuất của gia đình ngày càng an toàn, ổn định hơn”.
Quan tâm hơn đến vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào DTTS
Câu chuyện ứng phó giờ đây đã được đồng bào “nâng cấp” lên một tầm mới, mà nói như Phó Giám đốc Sở TN&MT TP. Cần Thơ Nguyễn Chí Kiên thì đó là sự thuận thiên. Người dân Cần Thơ không chỉ linh hoạt chủ động ứng phó với tai biến thiên nhiên mà còn biết nương theo thời tiết, con nước để biến nguy thành an, phát triển kinh tế đảm bảo sinh kế gia đình.
Đơn cử như vào cuối năm 2022, khi nguồn nước lớn từ thượng nguồn sông Mê Kông đổ về làm cho hàng trăm heta đất của người dân ở huyện Cờ Đỏ bị ngập. Được chính quyền địa phương hướng dẫn, khuyến khích, hỗ trợ, tận dụng nguồn nước dồi dào, nhiều hộ dân đã bỏ sản xuất lúa vụ ba mua cá về thả nuôi.
Ông Hồ Văn Bảy ở ấp Đông Phước, xã Đông Hiệp, huyện Cờ Đỏ, TP. Cần Thơ cho biết: “Vào mùa nước nổi cuối năm rồi, tôi đã mua 25kg cá chép, cá mè giống với chi phí khoảng 2 triệu đồng về thả nuôi trên diện tích hai hecta đất chuyên trồng lúa của gia đình. Sau hơn hai tháng, tôi bán được khoảng 15 triệu đồng. Vậy là công sức, chi phí thì tốn ít mà thu nhập lại cao hơn so với trồng lúa”.
Không những thế, tận dụng nền nhiệt cao, nhiều người dân ở Cần Thơ đang mạnh dạn đầu tư điện năng lượng mặt trời quy mô hộ gia đình, nguồn năng lượng trời cho này đã không những giảm đáng kể chi phí cho các sinh hoạt hàng ngày mà còn góp phần bảo vệ môi trường.
Nâng cao năng lực ứng phó với các loại hình thiên tai, đảm bảo đời sống an toàn, bền vững cho người dân, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, nơi có đông đồng bào DTTS sinh sống là một trong những nhiệm vụ trọng tâm đã và đang được Cần Thơ triển khai mạnh mẽ trong thời gian qua thông qua việc thực hiện các chương trình, dự án ứng phó với BĐKH, lồng ghép ứng phó BĐKH vào quy hoạch tổng thể, quy hoạch ngành, nghề và các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ,… để hướng đến mục tiêu chính là phát triển an toàn, bền vững.
Những năm gần đây, TP. Cần Thơ đang tập trung thực hiện dự án “Nâng cao khả năng chống chịu của thành phố để ứng phó với xâm nhập mặn do BĐKH gây ra” với hạng mục chính là củng cố và phát triển hệ thống quan trắc tự động, liên tục tại những khu vực nước mặn từ biển Đông, biển tây có thể xâm nhập, mục tiêu là làm sao để đưa thông tin về nguồn nước và độ mặn nhanh nhất, chính xác nhất đến người dân. Đặc biệt, ở các vùng dễ bị ảnh hưởng, vùng khó, vùng xa, vùng đồng bào DTTS, thông tin đó còn phải được ưu tiên đến sớm hơn.
Lý giải thêm về điều này, Phó Giám đốc Nguyễn Chí Kiên tâm sự: “Càng những vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào DTTS thì chúng tôi càng cần phải quan tâm vì phương tiện chuyển tải thông tin đến đó thường khó khăn hơn. Chỉ khi tất cả người dân đều tiếp cận được thông tin thì cơ quan chứng năng mới hoàn thành một phần nhiệm vụ”.
Về công tác dự báo, Phó Giám đốc Nguyễn Chí Kiên cho biết: Các ngành chức năng của thành phố xác định, nguồn nước mặn xâm nhập vào địa bàn có thể thông qua tuyến sông Hậu, kênh Xáng Xà No. Do đó, tại các khu vực này thành phố đã lắp đặt các trạm quan trắc tự động liên tục phục vụ cho công tác đo đạc, giám sát, cảnh báo xâm nhập mặn giúp các địa phương, người dân kịp thời ứng phó đảm bảo sự phát triển kinh tế - xã hội bền vững.
Không chỉ dự báo, Cần Thơ còn đầu tư hoàn chỉnh mạng lưới thủy lợi, công trình điều tiết nước đảm bảo tưới tiêu cho các vùng trồng lúa, nuôi trồng thủy sản, trồng cây ăn trái có quy mô lớn và nâng cấp hệ thống cấp nước sạch đáp ứng nhu cầu của người dân ở các huyện Thới Lai, Cờ Đỏ, Vĩnh Thạnh… giúp người dân và đồng bào DTTS an tâm sinh hoạt, sản xuất.
Cần Thơ cũng đang triển khai khôi phục lại các tuyến kênh, rạch bị ngập nghẹt; sử dụng các diện tích đất trũng thấp ven sông, rạch và các hồ để làm khu trữ, điều tiết nước mưa, nhân rộng các mô hình kè sinh thái phòng chống sạt lở giảm tổn thương cho khu vực đô thị và nông thôn trước những tác động bất lợi từ các hiện tượng cực đoan của BĐKH.
Những mùa xâm nhập mặn không còn đến trong âu lo. Từ thành thị đến nông thôn, đồng bào người Kinh, người Khmer, người Hoa,... ngày càng yên tâm hơn vì có chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng hỗ trợ, đồng hành. Thuận thiên ở đây còn ý nghĩa hơn bởi câu chuyện thuận lòng người, chung tay vượt khó.