Công ty CP Đức Khải mua 100 chiếc tàu cùng ngư dân bám biển

09/07/2014 00:00

(TN&MT) - Cty CP Đức Khải vừa quyết định đầu tư 1.500 tỷ đồng để mua 100 tàu đánh cá với công suất 500 - 1.500 mã lực, 2 ụ nổi, 2 trực thăng để cùng ngư dân bám...

   
(TN&MT) - Ông Phạm Ngọc Lâm, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đức Khải cho biết: Đại hội cổ đông Công ty này vừa thông qua nghị quyết đầu tư  1.500 tỷ đồng để mua 100 tàu đánh cá với công suất 500 - 1.500 mã lực, 2 ụ nổi và 2 trực thăng để cùng ngư dân bám biển, đánh bắt, khai thác thủy – hải sản xa bờ. Báo Tài nguyên & Môi trường đã có cuộc phỏng vấn ông Phạm Ngọc Lâm về kế hoạch này.
   
Ông Phạm Ngọc Lâm – Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đức Khải cho biết: 45 chiếc tàu đầu tiên
sẽ có mặt tại Việt Nam trong tháng 8/2014.
   
Ông có thể nói cụ thể về việc mua 100 chiếc tàu đánh cá để cùng ngư dân bám biển?
   
Ông Phạm Ngọc Lâm: Trong 100 chiếc tàu nói trên có 95 chiếc chuyên dụng bám biển để đánh bắt, khai thác thủy - hải sản tại 5 ngư trường lớn gồm: Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Định, Quảng Ngãi, Đà Nẵng. 5 chiếc chuyên dụng công tác hậu cần, cứu hộ, cứu nạn, có nhiệm vụ chuyên chở lương thực, thực phẩm cung cấp cho các tàu đánh bắt và nhận sản phẩm đánh bắt được về đất liền. Ngoài ra, chúng tôi đầu tư 2 ụ nổi, với sức chứa 5.000 tấn/ụ, đặt tại ngư trường đánh bắt để tiếp nhận thủy hải sản sau đánh bắt, sau đó phân loại để sơ chế, bảo quản. Đối với những sản phẩm đủ tiêu chuẩn xuất khẩu, khi đủ số lượng sẽ đưa lên tàu vận chuyển trực tiếp đi nước ngoài. Trên ụ nổi có 2 trạm hậu cần còn là nơi chăm sóc sức khỏe, tiếp tế hoặc bảo trì sửa chữa nhỏ cho các tàu đánh bắt. Riêng 2 chiếc trực thăng sử dụng để cứu nạn, cứu hộ hoặc các trường hợp khẩn cấp khác. Theo kế hoạch, từ nay đến cuối tháng 11/2014 sẽ hoàn tất việc mua sắm tàu, trang thiết bị, cơ sở hạ tầng…, tháng 12/2014 sẽ đưa vào vận hành thử và đầu năm 2015 sẽ chính thức hoạt động.
   
Ông Phạm Ngọc Lâm: Chúng tôi đã làm việc với các đối tác Nhật Bản, họ đã đồng ý mua sản phẩm
cá ngừ của công ty ngay sau khi đánh bắt được trên biển.
    
   
Ông có thể cho biết xuất xứ của 100 chiếc tàu?
   
Ông Phạm Ngọc Lâm:  Chúng tôi chọn mua lại các tàu cũ từ các nước phát triển và có kỹ thuật cao về đóng tàu và đánh bắt như Nhật, Hàn Quốc, Úc; 2 chiếc trực thăng sẽ mua từ châu Âu. Đến thời điểm này, chúng tôi đã liên hệ và xác nhận được với các đối tác khoảng 45 chiếc tàu các loại. Nếu không có gì trở ngại thì 45 chiếc tàu này sẽ về đến Việt Nam trước ngày 30/8/2014, dự kiến cập cảng Vũng Tàu và Nhơn Trạch (Đồng Nai).
   
Những chiếc tàu đầu tiên sẽ được Công ty CP Đức Khải mua và đưa về Việt Nam trong tháng 8/2014.
    
   
Vậy quyền lợi của ngư dân và người lao động sẽ được sẽ được tính toán như thế nào trong chương trình này, thưa ông?
   
Ông Phạm Ngọc Lâm: Công ty sẽ phối hợp với chính quyền và Đoàn thanh niên ở các địa phương tuyển dụng ngư dân làm thuyền viên, sau đó tổ chức các đợt đào tạo về đánh bắt, sơ chế... Tất cả người lao động và thuyền viên trên tàu sẽ được hưởng lương theo nguyên tắc phân chia tỷ lệ thu nhập ngư dân – người lao động 65%, công ty 34% và 1% sẽ đóng góp cho quỹ kiểm ngư. Kể cả những mùa tàu không đi đánh bắt được, người lao động – thuyền viên cũng sẽ được nhận trợ cấp đảm bảo mức thu nhập không dưới 5 triệu đồng/người/tháng. Khi ngư dân có thu nhập cao hơn 10 triệu đồng/người/tháng, công ty sẽ có chính sách khuyến khích họ trích số tiền vượt trên 10 triệu đồng ưu tiên mua lại cổ phần của công ty. Như vậy, chỉ sau khoảng 3 - 5 năm, ngư dân sẽ dần thay thế công ty, trở thành những chủ tàu.
   
Những chiếc tàu đầu tiên sẽ được Công ty CP Đức Khải mua và đưa về Việt Nam trong tháng 8/2014.
    
   
Ông đã tính đến đầu ra cho sản phẩm như thế nào?
   
Ông Phạm Ngọc Lâm: Chúng tôi đã làm việc với các đối tác Nhật Bản, họ đã đồng ý mua sản phẩm cá ngừ của công ty ngay sau khi đánh bắt được trên biển. Tuy nhiên, việc xuất khẩu trực tiếp thủy hải sản này cần phải được sự hỗ trợ, tạo điều kiện cho phép làm thí điểm của các cơ quan quản lý nhà nước về những thủ tục cần thiết, theo nguyên tắc tuân thủ đúng các quy định hiện hành của pháp luật Việt Nam. Để bảo đảm phục vụ khép kín tăng hiệu suất lao động và nâng cao đời sống của ngư dân, sau khi giai đoạn khai thác, đánh bắt thủy hải sản đi vào ổn định, đạt được chỉ tiêu sản lượng, công ty sẽ lập phương án xây dựng nhà máy sản xuất, chế biến thủy hải sản xuất khẩu.
   
   
Theo ông, việc triển khai chương trình này sẽ gặp phải những khó khăn gì?
   
Ông Phạm Ngọc Lâm: Hiện nay, quy định hiện hành chỉ cho phép nhập khẩu tàu với vật liệu bằng vỏ sắt đã qua sử dụng không quá 8 năm. Đây là một trở ngại lớn vì theo nghiên cứu thực tiễn của một số nước phát triển về công nghệ đóng tàu và đánh bắt thủy hải sản thì tàu vỏ sắt vận tải xuyên đại dương sử dụng từ 25-30 năm; tàu chuyên dụng để đánh bắt, khai thác thủy hải sản công suất 500 - 1.500 mã lực sản xuất bằng vật liệu composite, sợi thủy tinh và hợp kim nhôm thời gian sử dụng kéo dài từ 40 - 50 năm. Để thực hiện đề án này một cách hiệu quả, nhanh chóng, chúng tôi đã trình Chính phủ xin một số cơ chế hỗ trợ, ưu đãi để thực hiện thí điểm.
   
Ông Phạm Ngọc Lâm: Công ty Đức Khải sẽ phối hợp với chính quyền và Đoàn thanh niên ở các
địa phương tuyển dụng ngư dân làm thuyền viên, sau đó tổ chức các đợt đào tạo về đánh bắt, sơ chế...
    
   
  Trong thời gian đầu khi đi vào hoạt động sẽ khó khăn về lực lượng lao động là các ngư dân – thuyền viên vẫn chưa quen với hình thức hành nghề chuyên nghiệp, hiện đại, làm việc có tổ chức sẽ dẫn đến lực lượng lao động không ổn định. Kỹ năng, kỹ thuật đánh bắt thủy hải sản của ngư dân Việt Nam cũng như việc bảo quả nguồn hải sản sau thu hoạch chưa tốt dẫn đến ảnh hưởng giá thành thiêu thụ thấp…Vì vậy, ngoài quy trình tuyển dụng, đào tạo bắt buộc, chúng tôi dự kiến sẽ mời một số ngư dân từ các nước có kinh nghiệm như Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia để làm chuyên gia hướng dẫn, hỗ trợ kỹ năng, kỹ thuật và kinh nghiệm đánh bắt, khai thác thủy hải sản cho thuyền viên và ngư dân của công ty…
   
Trân trọng cảm ơn ông!
   
Việt Đức – Nguyễn Tú (thực hiện)
   
   
  
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Công ty CP Đức Khải mua 100 chiếc tàu cùng ngư dân bám biển
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO