Công ty Cổ phần Chế biến Nông sản Điện Biên: Có sai phạm cho dân thuê đất? - Bài 2: Đứng giữa thu lợi

28/05/2014 00:00

(TN&MT) - Để có ruộng làm người dân đã “Ngậm đắng nuốt cay” những điều khoản trong hợp đồng Công ty Cổ phần Chế biến Nông sản Điện Biên...

   
(TN&MT) - Để có ruộng làm người dân đã “Ngậm đắng nuốt cay” những điều khoản trong hợp đồng Công ty Cổ phần Chế biến Nông sản Điện Biên không thực hiện… họ còn bị dồn ép. Những chính sách ưu đãi nhằm phát triển nông nghiệp của Đảng, Nhà nước cũng không thể đến được với 27 ha ruộng đang nhận khoán. Vậy có sai phạm trong việc cho thuê  đất nông nghiệp tại xã Thanh Yên, huyện Điện Biên hay không, cần được làm rõ?.
   
Bà Dung và bà Mơ đã khóc khi trình bày phóng viên việc Công ty không cho thâm canh trên đất đã thuê
   
Muốn thâm canh không được
   
  Khi gặp chúng tôi ngoài đường, bà Nguyễn Thị Dung, ở C3, thôn Thanh Trường không kịp dựng xe đã òa khóc. Dường như bức xúc bà Dung đã quá  nén chịu nay được dịp nói ra, gạt nước mắt, bà kể: Trước Tết vừa rồi, ruộng khô cạn, lại chưa đến vụ trồng lúa nên nhà bà tranh thủ làm ngày làm đêm để trồng gối vụ 2.000m²  các loại rau màu: cà pháo, rau khoai lang siêu ngọn, bắp cải... trong diện tích 7.000m² đất đấu thấu. Vậy mà bắt đầu thu hoạch, 1 kg cà bán được giá bằng 2 kg thóc, ngọn rau khoai lang bằng 1kg thóc, trồng không ảnh hưởng đến diện tích ruộng xung quanh. Trong khi đó, gia đình cam kết với Công ty: thu hoạch xong sẽ làm đất ngay để trồng lúa, không để ảnh hưởng đến vụ mùa và nộp sản đầy đủ. Vậy mà ngày nào, người của Công ty cũng xuống bắt phá rau màu đi để làm đất trồng lúa, nếu không sẽ thu lại ruộng. Ngày 27 tết, gia đình phải đi phá rau đang cho thu hoạch mà uất nghẹn không biết kêu ai. Vụ ấy gia đình dự kiến thu gần 100 triệu mà phải nhổ bỏ đi.
   
  Chung cảnh ngộ bà Dung là gia đình bà Đinh Thị Mơ cùng thôn, gia đình bà Mơ cũng chuyển sang trồng 3.000m² lạc nhằm để cải tạo đất vì không có nước gieo lúa nên đất quá cằn cỗi. Lạc nhú lên 1 gang tay, người của Công ty xuống bắt phay hết để cấy lúa theo đúng hợp đồng. Trong khi đó, hợp đồng có ghi “sản xuất lúa 2 vụ... Được hưởng thành quả lao động và kết quả đầu tư cho cây trồng được trồng xen canh không gây ảnh hưởng cho cây trồng chính...”. Là người đi thuê đất, nếu không làm theo sẽ bị Công ty thu hồi đất cho thuê, gia đình bà biết lấy gì mà sống. Quay sang nhóm phóng viên, bà Mơ nói như oán trách: Ngày nào chúng tôi xem tivi, cũng thấy các báo, đài tuyên truyền, biểu dương các hộ nông dân mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu vật nuôi cây trồng, làm giàu cho gia đình và xã hội. Chúng tôi nghe theo thì hậu quả thế này đây!
   
Xã biết nhưng không thể can thiệp
   
  Để tìm hiểu rõ hơn sự việc, chúng tôi tìm đến UBND xã Thanh Yên, huyện Điện Biên. Ông Lò Văn Lún, Bí thư Đảng uỷ kiêm Chủ tịch UBND xã ngập ngừng mãi rồi mới đồng ý trả lời phỏng vấn. Ông nói: Các kiến nghị của bà con C2 thôn Yên Trường, C3 thôn Thanh Trường, chính quyền địa phương đã biết. Tuy nhiên, đây là việc nội bộ của Công ty, xã không thể can thiệp. Đối với các hộ nông dân khác nhận đất khoán trực tiếp của Nhà nước xã không thu thuế nông nghiệp từ năm 2007 theo hướng dẫn. Chỉ thu 200 kg thóc/ha/năm đối với diện tích đất 5%. Với vấn đề trên, chúng tôi kiến nghị tỉnh Điện Biên cho thu hồi toàn bộ diện tích mà Công ty này đang quản lý mà không trực tiếp kinh doanh sản xuất, hiện đang cho các hộ trên thuê lại. Làm được như vậy mới có thể giảm bớt khó khăn cho bà con nông dân trên địa bàn.
   
Bà Lê Thị Vân sống trong cảnh nghèo khổ phải đi thuê lại 3.000 mét vuông ruộng nhưng ruộng xấu làm như không công
   
  Theo Quyết định 1064 ngày 20/12/2013 của UBND tỉnh Điện Biên về việc thu hồi trên 172 ha đất của Công ty Cổ phần Chế biến Nông sản Điện Biên đang sử dụng, huyện Điện Biên đã thu hồi trên 113 ha mà Công ty đang quản lý tại xã Thanh Yên về cho chính quyền quản lý, để giao trực tiếp cho hộ nông dân sản xuất. Nhưng cho đến thời điểm này, diện tích trên vẫn chưa được bàn giao. Đây mới chỉ là một phần nhỏ trong diện tích đất mà Công ty còn quản lý, hiện đang để cho người nông dân thuê lại lấy tiền chênh lệch. Cụ thể như hộ nhà ông Trần Văn Quy ở C2, thôn Yên Trường theo quyết định thu hồi 1.252m2 trong tổng số 8.091 m2 nhận khoán của Công ty; bà Nguyễn Thị Thơm ở C2, thu hồi 1.147m2 trong tổng số 5.500 m2 nhận khoán từ 2004. Như vậy, diện tích đất mà Công ty đang quản lý để cho bà con Thanh Yên thuê lại vẫn còn rất lớn. Đó là chưa kể các diện tích còn lại ở huyện Điện Biên, Mường Ảng và các địa phương khác trong toàn tỉnh. Theo Quyết định 1069 ngày 23/12/2013 của tỉnh Điện Biên, cho phép Công ty thuê lại trên 138 ha đất tại vùng lòng chảo Điện Biên Phủ để  tiếp tục sản xuất kinh doanh, riêng xã Thanh Yên là 47,5 ha.
   
Công ty kế thừa hợp đồng?
   
  Trả lời phóng viên, ông Nguyễn Đức Thọ, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc Công ty Cổ phần Chế biến Nông sản Điện Biên cùng các thành viên Hội đồng quản trị lý giải: Mức thu 2,4 tấn thóc mỗi năm/ha là do hợp đồng nhận khoán của các hộ với Công ty từ 10 năm trước. Căn cứ để thực hiện mức thu này do Công ty đầu tư toàn bộ tuyến kênh nội đồng với tổng kinh phí 344 triệu đồng vào năm 2004 và các khoản như khấu hao tài sản, đường giao thông, trả công hướng dẫn kỹ thuật, người dẫn nước...
   
  Vấn đề Công ty tổ chức họp dân, thông báo thu thêm 8,7 triệu đồng/ha/năm, người dân hiểu nhầm, bởi đây là phương án mà Công ty tạm tính vì sắp tới sẽ phải trả tiền thuê đất của Nhà nước với giá 5,2 triệu đồng/ha/năm. Đại diện công ty cũng thừa nhận, khi Nhà nước ban hành chính sách miễn giảm thuế nông nghiệp từ năm 2007, các hộ dân nhận khoán trên diện tích 27 ha này vẫn không được giảm lượng thóc phải đóng hàng năm, vì đây là... kế thừa hợp đồng 2004. Các hộ đã ký thì phải chấp nhận nộp sản theo hợp đồng thời hạn 20 năm(?).
   
Bà Lê Thị Vân xót xa đứng nhìn thửa ruộng thiếu nước, khó lòng cho năng suất cao vụ này.
   
  Theo các văn bản do Công ty cung cấp, năm 2010 đơn vị nộp ngân sách Nhà nước 400 triệu đồng, năm 2011 giảm xuống còn 174 triệu đồng, năm 2012 còn có 152 triệu đồng. Trong khi đó, theo tính toán của phóng viên, chỉ riêng 27 ha cho thuê khoán ở thôn Yên Trường, người nông dân đã phải đóng tới trên 600 triệu đồng/năm (theo giá thóc hiện tại). Trong khi đó, đã hàng chục năm nay, đơn vị này quản lý, sử dụng tới 773 ha đất Nhà nước giao không thu tiền, 7 năm qua không phải đóng thuế đất nông nghiệp. Một số lượng đất đai rất lớn mà Công ty đang quản lý nhưng đóng thuế chỉ như “muối bỏ biển”.
   
  Từ sự việc nông dân thuê đất trồng lúa xã Thanh Yên cho thấy, Công ty Cổ phần Chế biến Nông sản Điện Biên đang là người “đứng giữa” dùng đất của Nhà nước mà trong đó có cả đất nông nghiệp được miễn giảm thuế vào năm 2007, cho trên 70 hộ dân xã Thanh Yên đấu thầu thu thuế với giá cao “ngất ngưởng”. Với nhiều quy định, khoản thu hết sức “kỳ quặc” không tuân thủ hợp đồng đang đặt ra nhiều câu hỏi bà con nông dân nghèo nơi đây, cần được làm rõ…!
   
Bài và ảnh: Phạm Hoàng
  
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Công ty Cổ phần Chế biến Nông sản Điện Biên: Có sai phạm cho dân thuê đất? - Bài 2: Đứng giữa thu lợi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO