Công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về TN&MT: Phát huy trí tuệ của đảng viên và các cấp ủy đảng, chính quyền

28/07/2015 00:00

(TN&MT) - Việc quán triệt thực hiện Nghị quyết số 48-NQ/TW ngày 24/5/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010,...

(TN&MT) - Trong 10 năm qua, việc quán triệt thực hiện Nghị quyết số 48-NQ/TW ngày 24/5/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020 đã được Ban cán sự, Lãnh đạo Bộ và Đảng bộ Bộ Tài nguyên và Môi trường triển khai thực hiện nghiêm túc, đồng bộ, tạo được sự chuyển biến tích cực trong nhận thức của các cấp, các ngành và cán bộ, công nhân viên chức trong toàn ngành về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật của ngành tài nguyên và môi trường, góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. 
 
Ngay sau Nghị quyết số 48-NQ/TW ngày 24/5/2005 được ban hành, Ban cán sự đảng, Lãnh đạo Bộ và Đảng ủy Bộ đã chỉ đạo các cấp ủy trực thuộc, các cơ quan, đơn vị trong toàn ngành tổ chức quán triệt và triển khai thực hiện phù hợp với tình hình các cơ quan, đơn vị. Đồng thời, chỉ đạo các đơn vị, cấp ủy trực thuộc tập trung rà soát, xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật về quản lý tài nguyên và môi trường. Kết quả đạt được thể hiện trên các lĩnh vực công tác pháp chế sau:
 
Năm 2005, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chỉ đạo xây dựng, thực hiện đề án Chiến lược xây dựng văn bản quy phạm pháp luật về tài nguyên và môi trường đến năm 2010 và định hướng đến năm 2015. Kết quả của Đề án đã tạo cơ sở quan trọng cho việc đề xuất xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật về tài nguyên và môi trường giai đoạn 2005-2010. Ngày 13 tháng 4 năm 2011, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành Quyết định số 665/QĐ-BTNMT phê duyệt Chương trình xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật giai đoạn 2011-2015 thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
 
Trên cơ sở kế hoạch 5 năm, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành các quyết định phê duyệt Chương trình và điều chỉnh Chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ hằng năm; đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh trình cấp có thẩm quyền. Từ năm 2005 đến hết 6 tháng đầu năm 2015, Bộ đã chỉ đạo xây dựng trình cấp có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền 589 văn bản gồm: 8 luật, 1 Nghị quyết của Quốc hội, 1 Nghị quyết của Uỷ ban thường vụ Quốc hội, 55 Nghị định, 57 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, 86 Quyết định của Bộ trưởng, 315 thông tư, 62 thông tư liên tịch, 4 Nghị quyết liên tịch. Các văn bản điển hình như: Luật Đa dạng sinh học năm 2008, Luật Khoáng sản năm 2010, Luật Tài nguyên nước năm 2012, Luật Đất đai năm 2013, Luật Bảo vệ môi trường năm 2014, Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo năm 2015 và Dự thảo Luật Khí tượng thuỷ văn; Luật Đo đạc và Bản đồ. Bên cạnh đó, Đảng bộ Bộ Tài nguyên và Môi trường đã xây dựng trình Ban cán sự Đảng Chính phủ để Ban Cán sự Đảng Chính phủ trình Bộ Chính trị ban hành các Nghị quyết: Nghị quyết số 27/NQ-CP ngày 12 tháng 6 năm 2009 về một số giải pháp cấp bách trong công tác quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường; Nghị quyết số 02/NQ-TW ngày 25/4/2011 của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 3 tháng 6 năm 2013 về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường; Nghị quyết số 49/2013/QH13 ngày 21/6/2013 của Quốc hội về kéo dài thời hạn sử dụng đất trồng cây hàng năm, đất nuôi trồng thủy sản, đất làm muối của hộ gia đình, cá nhân; Quyết định số 818/2014/QĐ-CTN của Chủ tịch nước về việc Việt Nam gia nhập Công ước về Luật sử dụng các nguồn nước liên quốc gia cho các mục đích phi giao thông thủy...
 
Không chỉ tập trung cho việc ban hành các văn bản pháp luật, Bộ TN&MT rất chú trọng hoạt động rà soát, kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật để tăng giá trị thực thi pháp luật của các văn bản đã ban hành, đồng thời loại bỏ những văn bản không còn phù hợp. Việc làm này được thực hiện thường xuyên, liên tục trong điều kiện nguồn ngân sách hết sức hạn hẹp đã tạo được sự đột phá về cơ bản trong việc cải cách hành chính, loại bỏ những văn bản không còn phù hợp và rút gọn những bước thực thi văn bản pháp luật trong toàn hệ thống. 
 
Ths. Lê Văn Hợp - Ủy viên BCH Đảng ủy Bộ, Phó trưởng ban Tuyên giáo, Vụ trưởng Vụ Pháp chế. Ảnh: H.Minh
Ông Lê Văn Hợp - Ủy viên BCH Đảng ủy Bộ TN&MT, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Đảng bộ Bộ TN&MT, Vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ TN&MT
 
Để thực hiện nhiệm vụ rà soát, soạn thảo, kiểm tra văn bản pháp luật một cách  khoa học, hợp lý, tránh chồng chéo, lãng phí, Bộ TN&MT đã xây dựng và cập nhật dữ liệu cho Hệ cơ sở dữ liệu VBQPPL về tài nguyên và môi trường để phục vụ công tác soạn thảo, kiểm tra, rà soát VBQPPL tích hợp tại Cổng thông tin văn bản pháp luật về tài nguyên và môi trường (tại địa chỉ www.phapluat.monre.gov.vn). Bộ đã hoàn thành việc thực hiện thí điểm tổng rà soát, hệ thống hóa VBQPPL trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường từ năm 1976 đến 2008 với tổng số văn bản được rà soát là 2445 văn bản và 51 điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên liên quan đến lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ: Tổng số văn bản còn hiệu lực là 1878 văn bản, trong đó có 51 điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên có liên quan đến lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Tài nguyên và Môi trường; tổng số văn bản hết hiệu lực là 567 văn bản; tổng số văn bản kiến nghị sửa đổi là 194 văn bản; tổng số văn bản kiến nghị ban hành mới là 94 văn bản. Hoàn thành công bố kết quả hệ thống hóa kỳ đầu văn bản quy phạm pháp luật đến hết ngày 30/12/2014.
 
Điểm nội bật của công tác xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật trong thời gian qua là việc kiểm soát thủ tục hành chính trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật cảu ngành. Tiếp nối thành công của Đề án 30, theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp tục chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ kiểm soát thủ tục hành chính, theo đó, công tác kiểm soát thủ tục hành chính đã gắn liền với công tác xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật, trong đó chú trọng quan tâm việc lấy ý kiến các đối tượng chịu tác động (trong đó có Sở Tài nguyên và Môi trường) đối với quy định hành chính trong dự thảo văn bản quy phạm pháp luật; thường xuyên chấn chỉnh việc công bố, công khai thủ tục hành chính kịp thời, theo đó (tính đến ngày 15/7/2015), Bộ đã công bố, công khai trên cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính là: 176 thủ tục hành chính (trường hợp đã thành lập Văn phòng đăng ký đất đai); 197 thủ tục hành chính (trường hợp chưa thành lập văn phòng đăng ký đất đai) được thực hiện tại 4 cấp chính quyền (Trung tương: 84 thủ tục hành chính; cấp tỉnh 79 thủ tục hành chính (trường hợp đã thành lập văn phòng đăng ký đất đai); 77 thủ tục hành chính (trường hợp chưa thành lập văn phòng đăng ký đất đai); Cấp huyện/xã: 13 thủ tục hành chính (trường hợp đã thành lập văn phòng đăng ký đất đai); 36 thủ tục hành chính (trường hợp chưa thành lập văn phòng đăng ký đất đai); song song đồng thời Bộ tổ chức triển khai thực hiện Quyết định số 08/QĐ-TTg ngày 6 tháng 1 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch kiểm soát thủ tục hành chính trọng tâm năm 2015, theo đó, Bộ đã rà soát, và đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cho ý kiến việc chuẩn hóa tên thủ tục hành chính đối với 212 thủ tục hành chính (trường hợp địa phương đã thành lập văn phòng đăng ký đất đai) và 233 thủ tục hành chính (trường hợp địa phương chưa thành lập văn phòng đăng ký đất đai) được thực hiện tại 4 cấp chính quyền. Đến thời điểm hiện tại, về cơ bản Bộ đã nhận được ý kiến của các Sở, sau khi có ý kiến góp ý của Bộ Tư pháp, Bộ rà soát công bố thủ tục hành chính theo danh mục được rà soát, chuẩn hóa nêu trên.
 
 Để những văn bản pháp luật thực sự đi vào cuộc sống, giải quyết thấu đáo hoạt động quản lý TNMT tại địa phương cũng như truyền thông nâng cao nhận thức về quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường cho mọi tầng lớp nhân dân, Bộ TN&MT rất chú trọng công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật và hình thành đội ngũ tuyên truyền viên cơ sở. Bộ đã phê duyệt và tổ chức thực hiện Chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật về tài nguyên và môi trường giai đoạn 2003 - 2007 (Quyết định số 640/QĐ-BTNMT ngày 20 tháng 5 năm 2003 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường); Đề án xây dựng, bồi dưỡng báo cáo viên, cộng tác viên tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về tài nguyên và môi trường (Quyết định số 1670/QĐ-BTNMT ngày 28 tháng 6 năm 2005 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường). Hàng năm, Bộ phê duyệt Kế hoạch tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật về tài nguyên và môi trường. Thực hiện theo các chương trình, kế hoạch, từ năm 2003 đến năm 2014, các đơn vị trực thuộc đã tổ chức 79 lớp tập huấn, bồi dưỡng nâng cao nhận thức cho hàng chục nghìn lượt người; biên soạn và phát hành hằng trăm đầu sách, tài liệu, tờ rơi, áp phích… về chính sách pháp luật tài nguyên và môi trường với gần 1 triệu ấn phẩm các loại; tổ chức 16 đợt giao lưu trực tuyến với hàng triệu lượt người tham gia... 
 
Với sự nỗ lực phấn đấu và tập trung trí tuệ của cán bộ, đảng viên và các cấp ủy đảng, chính quyền trong toàn ngành, sau 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 48-NQ/TW ngày 24-5-2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020, hệ thống chính sách pháp luật quản lý của ngành tài nguyên và môi trường đã được hoàn thiện tướng đối đồng bộ, giúp cho công tác quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường từng bước đi vào nề nếp, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng kịp thời cho các nhiệm vụ quản lý nhà nước và phát triển kinh tế - xã hội, góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về TN&MT: Phát huy trí tuệ của đảng viên và các cấp ủy đảng, chính quyền
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO