(TN&MT) - Ngày 12/7tại Hà Nội, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT Hầu A Lềnh đã chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết công tác dân tộc 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023. Các đồng chí Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm UBDT: Nông Quốc Tuấn, Y Thông đồng chủ trì Hội nghị.
Tham dự Hội nghị trực tuyến có các đại diện Hội đồng Dân tộc của Quốc hội; các Ban Xây dựng Đảng; các Bộ, ngành cơ quan trung ương; lãnh đạo các vụ, đơn vị trực thuộc UBDT; Ủy ban Nhân dân, các sở, ban, ngành và cơ quan công tác dân tộc các tỉnh, thành phố trong cả nước.
Báo cáo đánh giá kết quả công tác dân tộc 6 tháng đầu năm 2023 cho thấy, trong 6 tháng qua Công tác dân tộc (CTDT) luôn được Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và cả hệ thống chính trị quan tâm chỉ đạo, phối hợp triển khai thực hiện; xã hội và đặc biệt là đồng bào các DTTS cả nước quan tâm, nhờ vậy việc thực hiện CTDT đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, đặc biệt trong triển khai các chương trình, chính sách dân tộc.
Trong 6 tháng đầu năm 2023, Chính phủ, Thủ tướng, Phó Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo sát sao, quyết liệt, kịp thời ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hành chính; UBDT và các Bộ, Ban, ngành trung ương, địa phương đã có sự phối hợp chặt chẽ hơn, hiệu quả hơn, thể hiện nổi bật nhất là việc phối hợp trong việc tháo gỡ những khó khăn vướng mắc và hướng dẫn thực hiện các Chương trình MTQG trong đó có Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS&MN (Chương trình MTQG 1719), thể hiện rõ trách nhiệm với vùng đồng bào DTTS&MN.
UBDT luôn phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước về CTDT, tiếp tục xây dựng, hoàn thiện các đề án nhằm cụ thể hóa các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ. Thực hiện các đề án, chính sách, nhiệm vụ trong kế hoạch công tác trong 6 tháng đầu năm đạt mục tiêu đề ra với khối lượng công việc lớn, hoàn thành có trọng tâm, trọng điểm, sát với thực tế, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Công tác thông tin, tuyên truyền, chuyển đổi số và phổ biến giáo dục pháp luật cho đồng bào DTTS được tăng cường; hợp tác quốc tế về CTDT tiếp tục được đẩy mạnh. Việc kiện toàn, tổ chức bộ máy và đội ngũ cán bộ làm CTDT, năng lực đội ngũ cán bộ từng bước được nâng lên.
Qua các kết quả triển khai cho thấy, CTDT 6 tháng đầu năm 2023 mặc dù vẫn còn nhiều khó khăn, song về cơ bản đã thực hiện có hiệu quả góp phần quan trọng phát triển KT-XH, ổn định xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh vùng DTTS&MN nói riêng và cả nước nói chung.
Để Chương trình công tác năm 2023 đạt được các mục tiêu đề ra, UBDT tập trung chỉ đạo, điều hành thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm: Tiếp tục triển khai thực hiện tốt các Chỉ thị, Nghị quyết, Kết luận của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các văn bản chỉ đạo, điều hành của Thủ tướng Chính phủ có liên quan đến CTDT; tập trung xây dựng hoàn thành đảm bảo chất lượng, đúng thời hạn các đề án, CSDT trong Chương trình công tác của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ năm 2023;
Tiếp tục đẩy nhanh việc tháo gỡ khó khăn vướng mắc, hướng dẫn về cơ chế chính sách, trong thực hiện Chương trình MTQG DTTS; tăng cường công tác theo dõi, nắm tình hình trên địa bàn vùng DTTS&MN; tiếp tục nghiên cứu rà soát các CSDT, đề xuất sửa đổi và bổ sung hoặc thay thế các chương trình, CSDT; tiếp tục thực hiện cải cách hành chính, thực hiện tốt chuyển đổi số của Chính phủ, ứng dụng chuyển đổi số trong CTDT…
Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT Hầu A Lềnh đề nghị cơ quan công tác dân tộc từ Trung ương đến địa phương tiếp tục tập trung triển khai thực hiện các Chương trình hành động, kế hoạch công tác để cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; Kết luận số 65-KL/TW của Bộ Chính trị; Nghị quyết số 88/2019/QH14 và các văn bản của Đảng, Nhà nước về công tác dân tộc và Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp của các địa phương vùng DTTS&MN về công tác dân tộc.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm yêu cầu tiếp tục tăng cường công tác nắm tình hình địa bàn vùng DTTS&MN trên tất cả các lĩnh vực đời sống, kinh tế, văn hóa, xã hội; nhất là tình hình thiên tai, dịch bệnh, di cư tự phát, các điểm “nóng” về an ninh trật tự..., đồng thời quan tâm chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho các hộ đồng bào chính sách, người có hoàn cảnh khó khăn. Tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế các chương trình, chính sách đối với đồng bào DTTS và vùng DTTS&MN để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống chính sách dân tộc giai đoạn 2021-2030.