“Công nghệ” trồng… rau bẩn ở Gia Lai

06/11/2014 00:00

(TN&MT) - Để có lợi ích về kinh tế, người trồng rau không những bất chấp nguy hiểm về sức khỏe và tính mạng của người tiêu dùng mà bỏ qua nguy cơ gây ô nhiễm...

   
(TN&MT) - Việc sử dụng những hóa chất trừ sâu, thuốc tăng trưởng và các loại phân bón một cách vô tội vạ để làm cho rau phát triển nhanh, bất chấp quy luật sinh trưởng và có vẻ ngoài luôn bóng bẩy, đẹp mắt đang trở thành “bí kíp” trong nghệ thuật trồng rau của hầu hết các nhà nông. Để có lợi ích về kinh tế, người trồng rau không những bất chấp nguy hiểm về sức khỏe và tính mạng của người tiêu dùng mà bỏ qua nguy cơ gây ô nhiễm môi trường đất, nước và không khí.
   
Người thanh niên đang pha thuốc vào bình chuẩn bị phun cho rau
   
Những “công nghệ” trồng rau
   
  TP Pleiku (Gia Lai) là một trong những vùng trồng rau trọng điểm, cung cấp rau ăn cho cả thành phố và các huyện phía Tây của tỉnh. Diện tích trồng rau tập trung nhiều nhất ở khu vực xã An Phú, ngoài ra còn rải rác ở khắp các phường, xã ngoại thành như: Đống Đa, Thắng Lợi, Diên Phú, xã Trà Đa, xã Biển Hồ…
   
  Hầu hết các điểm trồng rau này đều sử dụng “công nghệ” để rau vừa đẹp vừa đạt năng suất cao nhất. Nếu vườn rau An Phú (xã An Phú, TP Pleiku) chuyên về dùng thuốc hóa học, thuốc kích thích thì những vùng rau nhỏ lẻ còn lại lại chuyên sử dụng phân tươi.
   
  Anh Trần Văn Thành, chủ của một ruộng rau tại vườn rau An Phú thành thật cho biết: “Rau trồng ở đây như dưa leo, cà chua, rồi đến đậu cô-ve, bắp cải, rau cải, muống… tất cả đều phải phun thuốc hết chứ không thì sâu bệnh, rau chậm phát triển sẽ cho năng suất rất thấp và không có lãi. Tiêu biểu như dưa leo, cứ 2 ngày lại phun một lần, ngoài thuốc kích thích phát triển nhanh, quả bóng đẹp, cân nặng kí còn phun thuốc diệt sâu, tránh côn trùng chích vào quả. Thời gian từ khi ra quả đến khi thu hoạch chỉ khoảng 7 – 10 ngày thôi chứ kéo dài nữa thì lỗ mất”.
   
  Việc nông dân sử dụng tràn lan các loại thuốc hóa học trên rau là bởi, trên thị trường, không khó để tìm mua các loại thuốc hóa học, thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), thuốc kích thích tăng trưởng hay các loại phân bón… Đủ các loại thuốc có tên gọi và nhà sản xuất khác nhau nhưng lại có chung một công dụng là diệt trừ sâu bệnh, kích thích rau màu phát triển mỡ màng, thu hoạch năng suất cao… Giá cả những loại thuốc này cũng rất rẻ.
   
Người nông dân đang phun thuốc cho rau
    
   
  Tại một cửa hàng bán phân bón và thuốc BVTV ở xã An Phú (TP Pleiku, Gia Lai), nhộn nhịp người đến mua “thần dược” để phun, bón cho rau bởi chiều tối là thời điểm tốt nhất để rau hấp thụ và phát huy hết tác dụng của thuốc. Đóng giả là một người đến mua thuốc để về bón rau, chúng tôi được chị bán hàng nhiệt tình tư vấn, giới thiệu cho đủ loại từ thuốc phun kích thích mọc rễ, sau đó đến kích thích ra hoa và giữ hoa không bị rụng, tăng khả năng đậu trái và cuối cùng là làm cho rau quả có vẻ ngoài bóng bẩy, đẹp mắt. Chỉ với 70 ngàn đồng, chúng tôi đã mua được đầy đủ các loại thuốc trên.
   
  Mỗi loại rau ăn lá, ăn quả hay ăn củ đều được “hóa phép” bằng những loại thuốc kích thích và phân bón khác nhau. Suốt vòng đời của một cây rau từ khi chuẩn bị đất, gieo hạt cho đến khi thu hoạch, bất cứ giai đoạn nào cũng đều có thuốc hóa học hỗ trợ, sao cho đến ngày cắt bán, rau cho năng suất, đẹp và đem lại hiệu quả kinh tế cao nhất.
   
Cà chua là loại rau thường được “tắm” thuốc nhiều nhất
    
   
Tác hại lớn, khó giải quyết
   
  Người trồng rau vì lợi ích kinh tế của mình mà bỏ qua và không hề quan tâm đến những nguy hiểm về sức khỏe của người tiêu dùng, cũng như những tác hại đến môi trường mà thuốc hóa học BVTV và phân bón gây ra.
   
  Chị Nguyễn Thị Quỳnh (tổ 14, phường Thống Nhất, TP Pleiku) kể: “Ngày trước, khi gia đình mình còn ở chỗ cũ, chiều nào, nhà hàng xóm cũng xách nước phân heo để tưới rau. Mùi hôi thối bốc lên bay thẳng vào nhà dù đã kín cửa, cao tường. Cả xóm ngập trong mùi thối của nước phân y như tra tấn. Nhưng đó là nghề sinh kế của gia đình họ, mình chỉ góp ý chứ không thể nói họ không được làm nữa. Cuối cùng, vì không chịu được mà gia đình mình phải chuyển nhà ra nơi khác sống”.
   
Vỏ bao bì, chai lọ đựng thuốc hóa học độc hại bị người trồng rau vứt bừa bãi gần hồ nước tưới rau.
    
   
  Việc tồn đọng thuốc hóa học, thuốc BVTV trong rau về lâu dài gây ra tác hại rất lớn cho sức khỏe của người sử dụng. Mặt khác, tồn dư thuốc ngấm vào đất, gây suy thoái đất, hủy hoại hệ sinh thái sinh vật, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến chất lượng nước ngầm, nước mặt…
   
  Đi vào các ruộng rau, trên các bờ ruộng và gần hồ nước tưới rau vương vãi đủ các loại bao bì, chai lọ đựng thuốc hóa học, thuốc kích thích. Đây là nguồn rác thải nguy hại cần phải được thu gom và xử lý đúng cách nhưng lại bị người trồng rau vứt bỏ bừa bãi.
   
  Theo thống kê của ngành chức năng tỉnh Gia Lai, trong hơn 25.000 ha rau trên địa bàn tỉnh, mới chỉ có duy nhất 1 công ty đứng ra đảm bảo sản xuất rau sạch, cam kết đảm bảo về sản phẩm rau xanh do mình cung cấp. Đó là Công ty TNHH một thành viên Hương Đất An Phú (TP Pleiku). Vậy, đại đa số diện tích rau còn lại được người dân trồng tự phát, ai sẽ quản lý chất lượng sản phẩm cũng như việc tuân thủ các quy trình sản xuất?
   
Những loại thuốc hóa học với cái tên siêu ra hoa, siêu đậu trái, đẹp trái, mướt trái, phun cho rau
“tươi đẹp như mơ” là bí kíp của nông dân trồng rau ở An Phú.
    
   
  Ông Lê Huy Toàn, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý Chất lượng Nông-Lâm-Thủy sản, Sở Nông nghiệp và PTNT Gia Lai cho biết, thực tế hàng năm ngành chuyên môn cũng có tổ chức kiểm tra các cơ sở kinh doanh, buôn bán mặt hàng rau xanh. Tuy nhiên, việc kiểm tra cũng rất hạn chế bởi nhiều lý do, trong đó khó nhất là bài toán kinh phí. Ông giải thích, muốn xét nghiệm một mẫu rau, sẽ phải kiểm định 23 mẫu trở lên kết quả mới có độ tin cậy cao. Một mẫu trong đó sẽ phải kiểm tra bằng khoảng 50 hoạt chất khác nhau, chi phí cho việc kiểm tra là 500 ngàn đồng/hoạt chất trong mẫu. Như vậy, muốn kiểm định đầy đủ một mẫu rau nào đó, chi phí sẽ rơi vào khoảng trên dưới 20 triệu đồng.
   
  Về chế tài, nếu phát hiện mẫu rau vi phạm quy định trong lĩnh vực an toàn vệ sinh thực phẩm hay chiếu theo Luật Chất lượng hàng hóa, mức xử phạt cao nhất là gấp 7 lần so với tổng giá trị hàng hóa vi phạm nhưng không quá 100 triệu đồng/hành vi. Tuy nhiên, rất khó để phát hiện, xử lý vì những cái khó đã nói ở trên. Không có kết quả kiểm định cụ thể, chính xác lấy gì căn cứ để xử lý?
   
                                                  Bài & ảnh: Quế Mai
   
   
  
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Công nghệ” trồng… rau bẩn ở Gia Lai
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO