Công nghệ tiết kiệm giúp phụ nữ trở thành nhà lãnh đạo chống BĐKH

05/11/2017 00:00

(TN&MT) - Phụ nữ ở một số làng ở bang miền núi Uttarakhand, phía Bắc Ấn Độ đang sử dụng bếp nấu năng lượng mặt trời và các thiết bị khí sinh học chi phí thấp để...

(TN&MT) - Phụ nữ ở một số làng ở bang miền núi Uttarakhand, phía Bắc Ấn Độ đang sử dụng bếp nấu năng lượng mặt trời và các thiết bị khí sinh học chi phí thấp để cải thiện cuộc sống của họ theo hướng thân thiện với môi trường.
 
Hình ảnh bà Bimla kothari ngồi bên bếp nấu không khói Heera Chulha của bà. Ảnh: WAFD
Bà Bimla kothari ngồi bên bếp nấu không khói Heera Chulha của bà. Ảnh: WAFD
 
Là người dân làng Jaghdhar thuộc quận Tehri Garhwal ở Uttarakhand, bà Bimla Devi là người phụ nữ duy nhất sở hữu máy sấy năng lượng mặt trời trong 5 ngôi làng gần Chamba gồm: Ranichauri, Savli, Moan, Guriyali và Jaghdhar - nơi Tổ chức phi lợi nhuận Phụ nữ Hành động vì Sự Phát triển (WAFD) đang khuyến khích phụ nữ trở thành các nhà lãnh đạo về khí hậu và đóng góp vai trò trong chính sách giảm thiểu biến đổi khí hậu.
 
Máy sấy năng lượng mặt trời là một công nghệ tiết kiệm giúp thức ăn khô nhanh hơn bằng cách sử dụng nhiệt tự nhiên khi sấy khô ở nơi thoáng. Máy sấy này được trang bị một quạt nhỏ chạy bằng tấm năng lượng mặt trời nhỏ, giúp loại bỏ lượng nhiệt thừa để tránh cháy. Làm bằng tấm tre và nhựa, máy sấy này đã giúp Bimla Devi sấy khô nghệ, ớt, bánh bao đậu lăng và các nông sản khác mà cô có thể sử dụng quanh năm, thậm chí là bán.
 
Bà Bimla Devi làm khô ớt đỏ trên máy sấy năng lượng mặt trời. Ảnh: Juhi Chaudhary
Bà Bimla Devi làm khô ớt đỏ trên máy sấy năng lượng mặt trời. Ảnh: Juhi Chaudhary
 
"Điều bất ngờ là máy sấy giúp thực phẩm vẫn giữ được màu và không thay đổi mùi vị, đồng thời bảo vệ thức ăn khỏi bụi và khỉ. Tôi có thể kiếm được 10.000 Rs trong một năm nhờ bán thực phẩm khô và gia vị mà không phải đầu tư chi phí", bà Bimla Devi nói với thethirdpole.net. 
 
Bà cũng cho những phụ nữ khác thuê máy sấy mỗi ngày. Bà hài lòng với công nghệ giúp bà kiếm thêm thu nhập và bảo quản thực phẩm quanh năm.
 
Máy sấy năng lượng mặt trời chỉ là một trong những công nghệ mà WAFD phối hợp với Hiệp hội Năng lượng Bền vững và Phát triển Sinh thái phi lợi nhuận (INSEDA) giới thiệu. Hiệp hội này giúp thiết kế các công nghệ dành cho phụ nữ có chi phí thấp, ít cácbon và thân thiện với môi trường.
 
Công nghệ cho người nghèo
 
Những công nghệ này rất ý nghĩa vì chi phí thấp và dễ xây dựng với hướng dẫn dễ hiểu. Chúng cũng nhằm mục đích ủng hộ người nghèo, từ đó giúp những người hưởng lợi yên tâm hơn nhờ ổn định về tài chính. Đồng thời, những công nghệ trên cũng giải quyết những thách thức về phát triển bền vững ở các khu vực lạc hậu về kinh tế của Châu Á.
 
Lõi thải cácbon và tấm năng lượng mặt trời của bếp nấu không khói Heera Chulha. Ảnh: Juhi Chaudhary
Lõi thải cácbon và tấm năng lượng mặt trời của bếp nấu không khói Heera Chulha. Ảnh: Juhi Chaudhary
 
Trong số những công nghệ này, bếp nấu không khói với tên gọi Heera Chulha cũng đã tạo thay đổi lớn cho phụ nữ. "Trước đây, đồ dùng của chúng tôi bị chuyển màu đen hoàn toàn do bếp truyền thống thải ra quá nhiều khói. Ngoài ra, khói bếp còn bay vào mắt và mũi tôi, khiến tôi chịu nhiều vấn đề về sức khoẻ", bà Bimla Devi, người có một bếp nấu không khói Heera Chulha trong nhà nói với thethirdpole.net.
 
Anita Bahuguna thuộc làng Ranichauri, người cũng có Heera Chulha cho biết: "Vào mùa đông, với nhiệt độ thấp hơn 0 độ C, chúng tôi chỉ đi lấy củi được vài chuyến một ngày. Trước khi có bếp, chúng tôi phải nhặt 10 kg củi nhưng giờ đây, chỉ cần 5 kg củi trong một ngày”.
 
Thiết kế độc đáo
 
Thiết kế của Heera Chulha là hầu hết khói và cácbon được lọc qua thùng nước đặt trên sân thượng, chỉ để lại một lượng cácbon không đáng kể trong không khí, nhờ đó, ngăn ngừa ô nhiễm không khí trong nhà và ngoài trời.
 
Sau khi nâng cấp, Heera Chulha được trang bị một quạt để nấu ăn nhanh hơn với tấm năng lượng mặt trời 10 watt trên sân thượng. Tấm năng lượng mặt trời này được kết nối với đèn LED và các điểm sạc di động, mang lại những lợi ích bổ sung cho cộng đồng. Quan trọng nhất, còn có một thiết bị nước nóng, giúp nhà ấm vào mùa đông. Do không ô nhiễm trong nhà, người dân có thể đóng cửa vào mùa đông để giữ ấm.
 
"Giờ đây nhờ có ánh sáng, chúng tôi có thể cầu nguyện vào ban đêm. Ngoài ra, chúng tôi cũng có thể ngủ say trong căn phòng ấm áp nhờ thiết bị nước nóng” - Mamta Bahuguna ở làng Ranichauri nói với thethirdpole.net. 
 
Mỗi Heera Chulha có giá 12.000 INR (tương đương 186 USD) nhưng những người được hưởng lợi từ bếp nấu không khói này chỉ mất 1.500 INR để đặt gạch và xi măng, còn số tiền còn lại được WAFD và INSEDA hỗ trợ. "Tôi có thể tiết kiệm 400 Rs tiền điện mỗi tháng nhờ ánh sáng và điểm sạc”, Devi cho biết.
 
Một thiết bị khí sinh học. Ảnh: Juhi Chaudhary
Một thiết bị khí sinh học. Ảnh: Juhi Chaudhary
 
Cho đến nay, 15 Heera Chulhas đã được lắp đặt nhưng WAFD dự kiến sẽ tăng số lượng bếp này lên 75 vào năm 2019. Dân làng cũng đang được trợ giúp trong việc lắp đặt các thiết bị khí sinh học, đây là một lựa chọn thân thiện với môi trường, giúp giữ khí mê-tan, khí nhà kính gây hại cho môi trường gấp mười lần khí CO2 và tiết kiệm chi phí.
 
Ông Kidi Devi thuộc làng Guriyali, một trong số những người đầu tiên được WAFD hỗ trợ lắp đặt nhà máy khí sinh học nói với thethirdpole.net: "Tất cả phân của gia súc đều cho vào nhà máy, nhờ đó, nhà của chúng tôi sạch sẽ hơn nhiều. Cần 25 kg phân bò và 25 lít nước để bắt đầu quá trình và chất thải dư được sử dụng làm phân hữu cơ trong vườn rau của chúng tôi, vì vậy, chúng tôi cũng hưởng lợi từ đó”.
 
Từ nhà máy khí sinh học đến bếp lò không khói dập tắt cháy rừng, WAFD mong muốn phụ nữ miền núi trở thành các nhà lãnh đạo về khí hậu.
 
Mai Đan
Tổng hợp từ thethirdpole.net
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Công nghệ tiết kiệm giúp phụ nữ trở thành nhà lãnh đạo chống BĐKH
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO