Công giáo Bắc Ninh đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh

Thanh Tùng | 29/11/2021, 11:28

(TN&MT) - Phát huy truyền thống “Tốt đời đẹp đạo”, những năm qua, đồng bào Công giáo Bắc Ninh đã luôn đoàn kết, đồng lòng cùng tham gia có hiệu quả Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, từ đó có những đóng góp to lớn vào sự phát triển, khởi sắc của quê hương.

Toàn tỉnh Bắc Ninh hiện có 55 xứ, họ đạo với 15.307 giáo dân cư trú 55 thôn, khu phố thuộc 39 xã, phường, thị trấn ở 8/8 huyện, thị xã, thành phố. Hưởng ứng Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng Nông thôn mới, đô thị văn minh”, thời gian qua, Ủy ban MTTQ tỉnh Bắc Ninh đẩy mạnh tuyên truyền, vận động đồng bào Công giáo nêu cao tinh thần đoàn kết, sáng tạo hiện thực hóa các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới. Cuộc vận động đã lan tỏa sâu rộng trong các giáo xứ, giáo họ với nhiều mô hình hay, cách làm mới, góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội; xây dựng đời sống văn hóa; giữ gìn an ninh trật tự tại các địa phương”.

Đồng bào Công giáo huyện Lương Tài tham gia hiệu quả Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”

Là một trong những địa phương tiêu biểu về phát huy vai trò của đồng bào Công giáo trong xây dựng nông thôn mới, thời gian qua, đông đảo bà con giáo dân ở các họ đạo của huyện Lương Tài thường xuyên vận động các chức sắc, chức việc, giáo dân chấp hành tốt chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước, quy ước của cộng đồng; phát huy truyền thống đoàn kết lương giáo, nâng cao hiệu quả Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, sống tốt đời đẹp đạo”, với 10 tiêu chí “7 tốt đời, 3 đẹp đạo”. Hiện, tỷ lệ hộ khá, giàu trong đồng bào Công giáo của huyện Lương Tài chiếm tới hơn 98%; tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn dưới 2%. Đồng bào Công giáo đã trực tiếp tích cực góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.

Ông Nguyễn Văn Triển, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Bắc Ninh cho biết, với phương châm “Tốt đời đẹp đạo”, 5 năm qua, các xứ, họ đạo tích cực tham gia phong trào “Dồn điền đổi thửa”, xây dựng cánh đồng lớn, đẩy mạnh thâm canh tăng vụ, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất để tăng năng suất cây trồng, vật nuôi có giá trị thu nhập cao. Đến nay, toàn tỉnh có 288 trang trại VAC của người Công giáo với các mô hình chăn nuôi bò thịt, bò sinh sản, gia súc gia cầm, nuôi thả cá, đà điểu...

Ngoài ra, nhiều xứ, họ đạo còn chú trọng khôi phục và phát triển nghề thủ công truyền thống như nghề sản xuất giấy dó ở khu phố Ngô Khê, phường Phong Khê (thành phố Bắc Ninh); nghề làm mì gạo ở thôn Tử Nê, xã Tân Lãng (Lương Tài); nghề ngư cụ truyền thống ở thôn Lai Tê, xã Trung Chính (Lương Tài)... Từ đó, bộ mặt Nông thôn mới ở các xứ, họ đạo ngày càng chuyển biến rõ rệt: 100% các xứ, họ đạo đều có đường bê tông, 100% kênh mương nội đồng được cứng hóa; các công trình tôn giáo như nhà thờ, nhà nguyện được tu sửa, nâng cấp; 100% gia đình giáo dân đăng ký xây dựng “Gia đình văn hóa” và nghiêm túc thực hiện tốt Chỉ thị 27 của Bộ Chính trị về nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội, tân gia. Hằng năm, có hơn 95% hộ gia đình giáo dân đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa”.

Bài liên quan
  • Kon Tum: Phát triển các tổ thu gom rác thải trong đồng bào tôn giáo
    (TN&MT) - Một số tổ thu gom rác thải, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu đã được thành lập trong đồng bào tôn giáo trên địa bàn tỉnh Kon Tum, góp phần nâng cao ý thức và trách nhiệm của cộng đồng dân cư và bà con các tín đồ tôn giáo trong công tác bảo vệ môi trường.

(0) Bình luận
Nổi bật
Phật giáo Đà Nẵng bảo vệ môi trường
Triết lý Phật giáo có nhiều răn dạy phật tử về sống hài hòa với tự nhiên, sống tiết kiệm, trân quý sinh vật sống rất phù hợp với lối sống xanh, bảo vệ môi trường hiện nay. Một nghiên cứu khảo sát của PGS.TS Lưu Quý Khương (Đại học Đà Nẵng) đã cho thấy, Phật giáo đóng vai trò tích cực trong tuyên truyền cũng như thực hành các hoạt động môi trường tại cộng đồng.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO