Cộng đồng tôn giáo chung tay bảo vệ môi trường - Bài 3: Lan tỏa thông điệp BVMT vì một tương lai xanh

Linh Chi | 11/05/2022, 12:31

(TN&MT) - Trong các tổ chức tôn giáo tại Việt Nam, Phật giáo và Công giáo là hai tôn giáo có nhiều đóng góp tiêu biểu trong bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. Tuy khác nhau về giáo lý, về cách tu tập nhưng cả hai tôn giáo đều giáo dục chức sắc, tín đồ làm việc thiện, sống hài hòa với thiên nhiên, tôn trọng thiên nhiên, bảo vệ môi trường sinh thái.

Giáo hội Phật giáo Việt Nam

Phật giáo là tổ chức tôn giáo có nhiều đóng góp cho vấn đề khủng hoảng môi sinh trên toàn cầu và khu vực nói chung, Việt Nam nói riêng. Có thể dễ dàng nhận thấy, giáo lý Phật giáo luôn hướng con người đến lối sống gắn bó, hài hòa, thân thiện với thiên nhiên; biết tôn trọng, trân quý thiên nhiên bởi con người và thiên nhiên có mối quan hệ khăng khít, bình đẳng, tác động tương hỗ nhau. Thuyết Duyên khởi cho rằng, không có sự vật nào tồn tại và vận hành một cách độc lập, mà mỗi một thực thể tồn tại nhờ sự tương quan mà nó có với những thực thể khác trong môi trường.

Phật giáo đã thông qua tổ chức của mình là Giáo hội Phật giáo Việt Nam để đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục tín đồ Phật tử về mối quan hệ gắn bó giữa con người với tự nhiên (qua thuyết “duyên khởi”, “duy thức”); răn dạy tín đồ ứng xử hài hòa, thân thiện với môi trường (qua thuyết “nhân quả”, “bát chính đạo”, “ngũ giới”, “thập thiện”, lối sống “thiểu dục tri túc”).

Tại các thiền viện Phật giáo đã gây dựng mô hình cảnh quan “rừng thiền”; nhân ngày lễ hội Phật giáo, các Tăng ni, Phật tử được vận động tham gia phong trào “trồng cây phúc đức”, “trồng cây trí đức” thay cho tục “hái lộc, bẻ lộc”. Hòa thượng Thích Tâm Pháp từng kêu gọi: “Thực hiện lời Phật dạy, người Phật tử chúng ta nên bắt tay vào việc trồng cây xanh tạo thêm bóng mát để kích thích xã hội làm sạch môi trường.

z2409424306816_2eb90898307cef32bb685febfda6e185.jpg

Ngoài phong trào trồng và bảo vệ cây xanh, tục “ăn chay” trong Phật giáo cũng góp phần cân bằng và cải thiện môi trường sống. Việc hạn chế hoặc không sử dụng các sản phẩm từ động vật không những có lợi cho sức khỏe của con người mà còn giúp cho nhiều loài động vật tránh khỏi nguy cơ tuyệt chủng. Nhờ đó, hệ sinh thái được cân bằng, giúp giải quyết các vấn đề về biến đổi khí hậu, nước biển dâng và môi trường sinh thái.

Năm 2011, nhân ngày Phật đản, Hòa thượng Thích Phổ Tuệ - Nguyên Đệ tam Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã gửi thông điệp về vấn nạn môi trường và lời kêu gọi bảo vệ môi trường tới tất cả Phật tử; năm 2015, tại Hội nghị toàn quốc “Phát huy vai trò của các tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu”, Giáo hội Phật giáo Việt Nam cũng gửi thông điệp kêu gọi mỗi người bằng hành động thiết thực, cam kết bảo vệ môi trường bền vững, đó cũng là sự bảo vệ chính mình. Hãy cùng nhau làm cho môi trường xung quanh chúng ta xanh hơn, sạch hơn và đẹp hơn.

Giáo hội Công giáo Việt Nam

Trong giáo lý của Công giáo, từ Cựu ước, Tân ước đến các thông điệp của Giáo hoàng và các văn kiện của Công đồng đều có những nội dung bàn luận xoay quanh vấn đề môi trường.

Giáo lý Công giáo dạy rằng, trời đất, vạn vật là một thể thống nhất và con người được giao trọng trách gìn giữ, phát triển nó theo sự bảo toàn hệ sinh thái thống nhất hài hòa, ích lợi cho mọi người chứ không phải tự ý cho mình quyền làm gì mình thích. Môi trường thiên nhiên là quà tặng của Thiên Chúa cho toàn thể nhân loại chứ không của riêng cá nhân nào. Con người phải biết quý trọng thiên nhiên, vun đắp cho thiên nhiên và môi trường ngày càng hoàn mỹ vì đó là hình ảnh của Thiên Chúa. Phá hủy thiên nhiên là đi ngược lại ý định của Thiên Chúa.

Tại Việt Nam, giáo lý Công giáo, thông điệp của Giáo hoàng cũng như quan điểm của Công đồng Vatican II về vấn đề môi trường đều được quán triệt sâu sắc trong các Đức Tổng Giám mục, linh mục, nữ tu để đẩy mạnh truyên truyền, nâng cao nhận thức cho tín đồ Công giáo và người dân trong toàn xã hội. Đức Hồng y Tổng Giám mục Phạm Minh Mẫn đã kêu gọi: “Đối với các Kitô hữu, gìn giữ, bảo vệ, chăm sóc môi trường thiên nhiên không chỉ là một trách nhiệm xã hội, mà còn là đòi hỏi của niềm tin, là một nghĩa vụ cao cả, vì lẽ ta được cộng tác với Thiên Chúa trong công trình tạo dựng”.

Ngoài tuyên truyền, Giáo hội Công giáo còn phát động thực hiện một số mô hình cộng đồng tham gia bảo vệ môi trường thiết thực tại các giáo xứ, giáo họ như mô hình “giáo họ không rác” với thông điệp hạn chế thải rác để giảm thiểu ô nhiễm; mô hình “sống xanh, sống có trách nhiệm với môi trường” nhằm thay đổi hành vi mua sắm và thói quen tiêu dùng của người dân, từ chối sử dụng túi nilon, sử dụng túi thân thiện với môi trường, hướng tới “cùng nhau tiêu dùng có trách nhiệm vì một trái đất bền vững”, gìn giữ “ngôi nhà vũ trụ” mà Thiên Chúa đã tạo dựng. Những mô hình này nếu được nhân rộng và thực hiện tốt trong cộng đồng Công giáo sẽ có tác dụng to lớn, góp phần vào việc cải thiện môi trường sống, giảm thiểu chất thải và hiệu ứng nhà kính vốn đang làm trái đất bị hâm nóng và tác động mạnh mẽ đến thiên nhiên, khí hậu.

Có thể thấy, thông qua việc truyền giảng giáo lý, các tôn giáo đang lan tỏa thông điệp bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu vì tương lai xanh đến các tín đồ. Phật giáo đưa ra thông điệp: “Mỗi người, bằng hành động thiết thực, cam kết bảo vệ môi trường bền vững, đó cũng là sự bảo vệ chính mình…”. Công giáo với thông điệp: “Chúng ta, những người Việt Nam trên dải đất thân yêu này, hãy cùng nhau, bằng tất cả trái tim, bằng khối óc, bằng ý chí, bằng sức lực, quyết tâm góp sức để cứu vãn tình trạng bi đát của trái đất này trước khi quá muộn…”.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO