Nhiều việc làm cụ thể, thiết thực
Các tổ chức tôn giáo có vai trò rất quan trọng trong cuộc chiến bảo vệ môi trường. Do đó, ngay từ năm 2015, lãnh đạo của 40 tổ chức tôn giáo thuộc 14 tôn giáo tại Việt Nam đã cùng Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường ký kết Chương trình phối hợp bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu với 5 nội dung và 7 mục tiêu, giải pháp. Sau khi Chương trình phối hợp được ký kết, 63 tỉnh, thành phố đã tiến hành ký kết Chương trình hoặc Kế hoạch phối hợp giữa Mặt trận Tổ quốc, Sở Tài nguyên và Môi trường cùng các tổ chức tôn giáo ở cấp tỉnh.
Tại các tỉnh, từng tôn giáo trên địa bàn đã chủ động đưa nội dung về BVMT, ứng phó với BĐKH vào chương trình hoạt động hàng năm với nhiều việc làm cụ thể, thiết thực. Theo đó, Ban Trị sự Hội Phật giáo các tỉnh đã có văn bản chỉ đạo, hướng dẫn Ban trị sự Hội Phật giáo các huyện, thành phố tích cực tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho tăng ni, phật tử về tầm quan trọng của việc BVMT. Tuyên truyền, phổ biến về chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về BVMT trong các trường hạ, khóa tu của phật tử, các buổi học chính khóa và chương trình sinh hoạt ngoại khóa của tăng ni sinh tại các khóa học. Nhiều chùa còn tổ chức các khóa tu, các buổi hoằng pháp cho phật tử trong đó có nội dung về BVMT. Vào các dịp ngày lễ Vu Lan, Ngày môi trường thế giới các chùa đã tổ chức thả cá, con giống các loại, tại các con sông, hồ, ao, đầm; phát động trồng nhiều cây xanh trong khu vực nhà chùa và nơi công cộng.
Nhiều Tòa Giám mục đã xây dựng kế hoạch phối hợp tuyên truyền thực hiện tốt các chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước về quản lý, sử dụng các nguồn tài nguyên thiên nhiên hợp lý, gắn với BVMT, ứng phó BĐKH. Qua đó, tuyên truyền vận động tín đồ, người dân không sử dụng những vật tư, phương tiện tạo ra những sản phẩm độc hại, không sản xuất, kinh doanh gây ô nhiễm môi trường như: khai thác cát, sỏi, vật liệu xây dựng không đúng quy định; sử dụng chất cấm, chất kích thích và chất bảo vệ thực vật trong chăn nuôi, sản xuất, chế biến, dịch vụ gây hại cho con người và môi trường.
Đặc biệt, tại một số giáo xứ, giáo họ, Hội đồng mục vụ đã chủ động phối hợp với các Ban công tác Mặt trận ở khu dân cư và chính quyền địa phương tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn tới bà con giáo dân xóa bỏ những phong tục, tập quán sinh hoạt không bảo đảm vệ sinh môi trường; phát động bà con giáo dân khai thông cống rãnh, ao tù nước bẩn, phát quang bụi rậm, thu gom, tiêu hủy rác thải.
Các tôn giáo khác như hội thánh Tin Lành, Cai Đài cũng tích cực triển khai Chương trình hành động về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu bằng việc đưa chương trình hành động về bảo vệ môi trường vào các hoạt động tôn giáo hằng năm thông qua các buổi giảng dạy giáo lý, sinh hoạt lễ nghi…
Phát huy hơn nữa vai trò của các tổ chức tôn giáo
Thông qua nhiều chương trình phối hợp khá đồng bộ, bài bản, có nhiều sáng tạo, phù hợp đã làm làm thay đổi nhận thức, thái độ, hành vi, thói quen của các chức sắc, chức việc, nhà tu hành, đồng bào các tôn giáo và người dân ở cộng đồng. Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn những hành động tác động nặng nề đến môi trường và biến đổi khí hậu, khiến ô nhiễm tiếp tục gia tăng về tần suất và cường độ. Để thay đổi hành vi ngoài những giải pháp về mặt pháp luật còn cần tới các giải pháp gắn với đạo đức. Các thông điệp bảo vệ môi trường được tìm thấy trong giáo lý của các tôn giáo là một trong những giải pháp hữu hiệu để giải quyết tình trạng này.
Do đó, nhiều ý kiến cho rằng, các tôn giáo cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm về BVMT, ứng phó với BĐKH trong cộng đồng, tín đồ, tổ chức tôn giáo; trang bị kiến thức, tri thức, kinh nghiệm; tiếp tục nhân rộng, xây dựng mới các mô hình, điển hình tiên tiến cộng đồng giáo dân, tổ chức tôn giáo tham gia BVMT, ứng phó với BĐKH phù hợp với đặc điểm, điều kiện của mỗi tôn giáo và mỗi vùng miền. Trong đó, cần chú trọng phát hiện và nhân rộng các mô hình phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn phục vụ tái chế, tái sử dụng; hạn chế tiến tới không sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần, túi ni lông khó phân hủy.
Bên cạnh đó cần lồng ghép xây dựng ý thức, nếp sống, văn hoá bảo vệ môi trường vào giáo dục đạo đức tôn giáo trong cộng đồng dân cư vì cuộc sống hạnh phúc của cộng đồng và lợi ích của xã hội. Vận động, tạo sự đồng thuận của nhân dân trong thực hiện các chủ trương, chính sách, quy hoạch bảo vệ môi trường, ứng phó với BĐKH; phát huy hơn nữa vai trò giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc các cấp và các tổ chức tôn giáo trong xây dựng và triển khai thực hiện chính sách, pháp luật về BVMT và ứng phó BĐKH.