Công bố Lệnh của Chủ tịch nước về Luật Phòng, chống ma túy

Khánh Ly| 16/04/2021 13:28

(TN&MT) - Sáng 16/4, tại Hà Nội, Văn phòng Chủ tịch nước họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước về việc công bố Luật Phòng, chống ma túy được Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV thông qua tại Kỳ họp thứ 11.

Tại buổi họp báo, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Phạm Thanh Hà đã công bố Lệnh do Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc ký về việc công bố Luật Phòng, chống ma túy số 73/2021/QH14.

Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Phạm Thanh Hà công bố Lệnh của Chủ tịch nước về việc công bố Luật Phòng, chống ma túy được Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV thông qua tại Kỳ họp thứ 11

Giới thiệu về nội dung Luật Phòng, chống ma túy, Thượng tướng Lê Quý Vương - Thứ trưởng Bộ Công an cho biết, Luật gồm 8 Chương, 55 Điều quy định cụ thể chính sách phòng, chống ma túy. Trong đó, nhấn mạnh việc “Ưu tiên nguồn lực phòng, chống ma túy cho đồng bào vùng dân tộc thiểu số và miền múi, vùng sâu, vùng xa, hải đảo, khu vực biên giới và địa bàn phức tạp về ma túy”; “ Cán bộ, chiến sĩ thuộc cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy, người làm công tác cai nghiện ma túy trong các cơ sở cai nghiện ma túy công lập sẽ được hưởng chế độ, chính sách ưu đãi phù hợp với tính chất nhiệm vụ, địa bàn hoạt động theo quy định của Chính phủ”.

Theo Thượng tướng Lê Quý Vương, vấn đề ma túy hết sức phức tạp. Việt Nam lại nằm gần tam giác vàng Lào - Thái Lan - My-an-ma, khu vực sản xuất ma túy lớn nhất Đông Nam Á và lớn thứ 2 thế giới nên có nhiều tuyến vận chuyển ma túy vào nội địa từ biên giới các nước. Luật Phòng, chống ma túy mới được kỳ vọng sẽ phát huy hiệu quả trong quản lý đối tượng nghiện và công tác cai nghiện, kết hợp tốt với công tác đấu tranh phòng chống tội phạm ma túy của cơ quan chức năng, chủ trì là Bộ Công an. Từ đó, cố gắng giảm tội phạm ma túy, không chỉ trong biên giới mà còn tăng cường hợp tác quốc tế để đấu tranh phòng, chống tội phạm từ phía ngoài biên giới.

Thượng tướng Lê Quý Vương - Thứ trưởng Bộ Công an giới thiệu về nội dung Luật Phòng, chống ma túy

Luật Phòng, chống ma túy 2021 đã quy định thêm một số hành vi bị nghiêm cấm, đó là: Nghiên cứu, kiểm nghiệm, kiểm định trái phép chất ma túy, tiền chất, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần, thuốc tiền chất, nguyên liệu làm thuốc là dược chất gây nghiện, dược chất hướng thần, tiền chất dùng làm thuốc, thuốc thú y có chứa chất ma túy, tiền chất.

 Chống lại hoặc cản trở việc xét nghiệm chất ma túy trong cơ thể, xác định tình trạng nghiện ma túy, quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy, cai nghiện ma túy, quản lý sau cai nghiện ma túy; Hướng dẫn sản xuất, hướng dẫn sử dụng trái phép chất ma túy, quảng cáo, tiếp thị chất ma túy; Kỳ thị người sử dụng trái phép chất ma túy, người cai nghiện ma túy, người sau cai nghiện ma túy.

Luật bổ sung quy định kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy. Theo đó, kiểm soát đối với thuốc tiền chất, nguyên liệu làm thuốc là dược chất gây nghiện, dược chất hướng thàn, tiền chất dùng làm thuốc và thuốc thú y có chứa chất ma túy, tiền chất.

Kiểm soát đối với các hoạt động tạm nhập, tái xuất, tái nhập chất ma túy, tiền chất, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần, thuốc tiền chất, nguyên liệu làm thuốc là dược chất gây nghiện, dược chất hướng thần, tiền chất dùng làm thuốc và thuốc thú y có chứa chất ma túy, tiền chất.

Điều này nhằm tăng cường quản lý các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy, góp phần nâng cao năng lực phát hiện và ngăn chặn các đối tượng sản xuất trái phép chất ma túy.

Quang cảnh buổi họp báo

Một quy định mới trong Luật việc quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy. Luật quy định cụ thể trường hợp bị xét nghiệm chất ma túy trong cơ thể tại Điều 22 để các cơ quan chức năng có căn cứ khách quan xác định người có hành vi sử dụng trái phép chất ma túy và giám sát. Người sử dụng trái phép chất ma túy được lập danh sách và quản lý, theo dõi, hỗ trợ ngay từ lần đầu phát hiện hành vi và đây không phải biện pháp xử lý vi phạm hành chính (Điều 23).

Luật quy định các trường hợp phải xác định tình trạng nghiện ma túy nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho công tác phân loại, quản lý đối tượng và áp dụng các biện pháp quản lý, cai nghiện phù hợp (Điều 27).

Các biện pháp cai nghiện gồm: Cai nghiện ma túy tự nguyện được thực hiện tại gia đình, cộng đồng hoặc tại cơ sở cai nghiện ma túy; cai nghiện ma túy bắt buộc được thực hiện tại cơ sở cai nghiện ma túy công lập (Điều 28). Luật không quy định biện pháp cai nghiện ma túy bắt buộc tại cộng đồng.

Người nghiện ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên bị áp dụng biện pháp hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc trong các trường hợp: Không đăng ký, không thực hiện hoặc tự ý chấm dứt cai nghiện tự nguyện, điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế; Tiếp tục sử dụng trái phép chất ma túy trong thời gian cai nghiện ma túy tự nguyện; Bị chấm dứt điều trị nghiện chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế do vi phạm quy định về điều trị nghiện; Trong thời gian quản lý sau cai nghiện ma túy mà tái nghiện (Điều 32).

Luật cũng quy định cụ thể việc lập hồ sơ đề nghị đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc đối với người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi; đối tượng và thời hạn quản lý sau cai nghiện tại nơi cư trú; cai nghiện cho người VIệt Nam bị nước ngoài trục xuất về nước do có hành vi sử dụng trái phép chất ma túy; nghiện ma túy; người nước ngoài nghiện ma túy sinh sống tại Việt Nam.

Luật có hiệu lực từ ngày 1/1/2022.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Công bố Lệnh của Chủ tịch nước về Luật Phòng, chống ma túy
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO