"Con đường hạnh phúc" ở vùng cao Yên Bái

Thanh Ngà| 13/03/2023 14:55

(TN&MT) - Chúng tôi trở lại xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên của tỉnh Yên Bái vào những ngày đầu xuân Quý Mão 2023, điều mà chúng tôi cảm nhận rõ nhất là những con đường được đổ bê tông trải dài, sạch đẹp nối những thôn, bản đã góp phần phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.

Những con đường nối những niềm vui

Đi các xã, bản vùng cao, khốn khổ nhất là phải vượt qua những con đường đất lầy lội, trơn trượt. Điều này đã khiến khoảng cách giữa vùng núi và đồng bằng ngày một xa, khoảng cách giữa cái đói nghèo, lạc hậu với văn minh phát triển nối dài thêm mãi. Ấy vậy mà sau hơn 10 năm thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, những con đường trước đây phải khó nhọc mới qua lại được, thì nay đã được đổ bê tông trải dài, sạch đẹp, nối những thôn, bản đã góp phần phát triển kinh tế - xã hội và giúp khoảng cách giữa các vùng ngày một thu hẹp.

ps-xa-na-hau-don-khach-du-lich.mp4.00_02_23_27.still003.jpg
Những con đường được đổ bê tông trải dài, sạch đẹp nối những thôn, bản góp phần phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.

Cũng nhờ những con đường bằng phẳng, đẹp đẽ mà không ít bà con trên các thôn bản xa xôi có thể xây dựng được ngôi nhà khang trang để ở mà không phải lo tốn thêm chi phí. 

Anh Giàng A Lử - thôn Trung Tâm, xã Nà Hẩu phấn khởi chia sẻ: “Chỉ là căn nhà cấp bốn nhỏ nhưng đây cũng là niềm mơ ước của gia đình tôi từ rất lâu. Trước kia ở nhà gỗ cũ, nát, chật hẹp nhưng không thể xây mới. Từ ngày xã có đường bê tông đến tận thôn gia đình mới dám xây, xe ô tô chở vật liệu xây dựng tới tận nhà không phải trở xe máy như trước kia nữa, tiền xây nhà cũng ít hơn nhiều đấy”.

Nà Hẩu là xã đặc biệt khó khăn nằm trong vùng lõi của Khu Bảo tồn thiên nhiên Nà Hẩu với trên 2.400 nhân khẩu chủ yếu là đồng bào dân tộc Mông sinh sống. Do phong tục tập quán sinh hoạt cùng trình độ dân trí còn nhiều hạn chế, việc nhận thức cho các em đến trường còn chưa đầy đủ. Nhưng giờ đây con chữ đã tới gần hơn với các em khi có đường bê tông dẫn về tận thôn, bản.

ps-xa-na-hau-don-khach-du-lich.mp4.00_00_43_00.still001(1).jpg
Đường bê tông trải dài đã rút ngắn khoảng cách giữa vùng núi và đồng bằng

“Từ ngày có đường bê tông đến tận thôn việc đi lại thuận lợi hơn rất nhiều, những ngày mưa gió cũng không sợ nữa, trẻ con cũng đến trường đầy đủ hơn trước rất nhiều”, chị Sổng Thị Dung chia sẻ.

Cũng nhờ có đường bê tông mà việc giao thương buôn bán được dễ dàng hơn, nhiều hộ gia đình đã phát triển kinh tế theo hướng hàng hoá.

Kết nối để phát triển kinh tế bền vững 

Xã Nà Hẩu chủ yếu là đồng bào dân tộc Mông sinh sống, trước đây đường xá đi lại khó khăn, việc giao thương với các vùng lân cận còn nhiều hạn chế, các sản phẩm làm ra chủ yếu tự cung, tự cấp. Từ khi có đường bê tông, việc đi lại thuận lợi con gà, con lợn đến ngày xuất bán đã được thương lái tới tận thôn, bản giao thương. Cũng nhờ có đường bê tông đã giúp cho nhiều hộ gia đình, nhiều cá nhân vươn lên làm giàu, phát triển kinh tế.

ps-tet-thanh-nien-nguoi-dao-giup-ban-lang-bung-sang.mp4.00_02_22_21.still002.jpg
Anh Đặng Văn Chính là chủ của trang trại nuôi cá Tầm có giá trị bạc tỷ tại xã Nà Hẩu

Minh chứng rõ nhất, hiện nay anh Đặng Văn Chính là chủ của trang trại nuôi cá Tầm có giá trị bạc tỷ, lớn nhất trong xã và anh Chính cũng là Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp và du lịch Nà Hẩu.

Cách đây 4 năm, qua nhiều lần nghiên cứu, tham quan học tập ở nhiều nơi, anh Chính nhận thấy Nà Hẩu hội tụ đủ mọi yếu tố từ khí hậu, thiên nhiên tới nguồn nước để nuôi cá tầm. Đây là loại cá xứ lạnh có giá trị kinh tế cao hơn nhiều so với các loại cá khác. Nghĩ là làm anh Chính vận động bà con nhân dân trong xã tham gia thành lập hợp tác xã (HTX) và bắt tay vào nuôi thử nghiệm.

Anh Đặng Văn Chính - Giám đốc HTX Nông nghiệp và Du lịch Nà Hẩu, huyện Văn Yên cho biết: Với phương châm lấy ngắn nuôi dài, phát triển bền vững gắn với bảo vệ môi trường, anh Chính đã từng bước nhân rộng mô hình. Đến nay, HTX đã có 24 bể bạt nổi, 2 ao lót bạt và 4 bể xi măng giúp anh Chính và các thành viên HTX nâng quy mô chăn nuôi từ 2.000 lên 1 vạn con cá tầm/lứa, sản lượng bình quân đạt 20 tấn/năm.

ps-tet-thanh-nien-nguoi-dao-giup-ban-lang-bung-sang.mp4.00_03_27_16.still004.jpg
Cá tầm sinh trưởng và phát triển rất tốt

Hoạt động sản xuất kinh doanh hiệu quả, sản phẩm cá tầm của HTX đã được chứng nhận OCOP và có mặt ở nhiều tỉnh thành trong cả nước; đem về nguồn thu hàng tỷ đồng mỗi năm và tạo việc làm ổn định cho nhiều lao động địa phương với mức thu nhập khoảng 7 triệu đồng/tháng.

Sức hút từ nét văn hóa tự nhiên đặc sắc

Không chỉ phát triển sản xuất, kinh doanh, từ khi có những con đường đẹp chạy qua xã, Nà Hẩu đã nổi bật lên với hình ảnh một bản du lịch với cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ, bởi đây là xã nằm trong  Khu bảo tồn thiên nhiên Nà Hẩu với hệ sinh thái rừng đa dạng và văn hóa bản địa đặc sắc của người Mông. Với cấu tạo địa chất núi đá vôi có độ dốc cao đã tạo ra  nhiều thác nước và hang động tự nhiên đẹp như: Thác bản Tát, thác Tiên, Hang Dơi, hang Vàng…chính quyền huyện và xã đã vận động bà con phát triển du lịch homestay.

z4178080849037_4e29aed0d82e97ebddd83b29cd76cd97.jpg
Nà Hẩu có rất nhiều thác nước và hạng động tự nhiên đẹp

Khai thác các tiềm năng đó, đến nay, trên địa bàn xã đã thành lập được 2 hợp tác xã: Hợp tác xã Nông nghiệp và Du lịch Nà Hẩu, Hợp tác xã Dược liệu và Du lịch Nà Hẩu Xanh vừa để phát triển nhiều sản phẩm nông nghiệp thế mạnh của xã vừa phục vụ dịch vụ du lịch. Từ thành công trong phát triển nhiều sản phẩm nông nghiệp đặc sản của các hợp tác xã, xã cũng tuyên truyền, vận động các hộ dân tận dụng các điều kiện tự nhiên phát triển các sản phẩm đặc sản phục vụ phát triển dịch vụ du lịch như: Cá tầm, ốc, gà đen…

Hiện nay, trong xã đã có 4 hộ gia đình nuôi cá tầm và 20 hộ phát triển nuôi ốc thương phẩm. Trên địa bàn xã cũng đã có 8 hộ gia đình đầu tư sửa sang nhà cửa làm du lịch cộng đồng.

z4178079039370_8d155f7c8ef583f49a1b4957f3dc4a2b.jpg
Du lịch Nà Hẩu ngày một phát triển

Cùng với đó, cấp ủy, chính quyền xã tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc như nghề cơ khí rèn truyền thống, nghề thêu dệt thổ cẩm, các điệu dân ca, dân vũ… để phục vụ dịch vụ du lịch.

Bà Cư Thị Ninh – thôn trung tâm, xã Nà Hẩu chia sẻ: “Những năm gần đây, xã có đường bê tông về tận thôn, bản du khách mọi nơi đến với xã nhiều hơn. Thêu, dệt thổ cẩm là công việc xưa nay của người phụ nữ Mông vẫn thường làm, nay có nhiều người đến tìm hiểu, thăm quan tôi cảm thấy vui lắm”.

Ông Bàn Tòn Cầu - Chủ tịch UBND xã Nà Hẩu cho biết: Theo thống kê, trong năm 2022, có khoảng hơn 6.000 du khách đã đến với Nà Hẩu, tập trung nhiều vào mùa hè. Du khách đến Nà Hẩu chủ yếu tham quan trải nghiệm thác nước, hang động và được thưởng thức các món ăn của địa phương như: Rau rừng, gà đen, ốc…

ps-xa-na-hau-don-khach-du-lich.mp4.00_03_53_02.still004.jpg
Du khách đến với Nà Hẩu ngày một đông

“Trong thời gian tới xã sẽ tiếp tuyên truyền, vận động người dân tiếp tục tận dụng các điều kiện thuận lợi để phát triển các sản phẩm phục vụ dịch vụ du lịch. Mong rằng Nà Hẩu tiếp tục được quan tâm đầu tư mở rộng tuyến đường liên xã Đại Sơn - Nà Hẩu, Nà Hẩu - Mỏ Vàng để thuận lợi cho việc phát triển du lịch trong thời gian tới”, ông Bàn Tòn Cầu mong muốn.

Sau hơn 10 năm thực hiện chương trình nông thôn mới, đến cuối năm 2022, xã Nà Hẩu đã nhựa hóa hoặc bê tông hóa 100% đường trục xã với tổng chiều dài 12,3km. Tỷ lệ đường thôn, bản cứng hoá được 70% đảm bảo chiều rộng nền đường tối thiểu 4m, mặt đường tối thiểu 3,0m tổng chiều dài 6,5 km, đã cứng hóa được 4,8 km đạt 73,3%.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
"Con đường hạnh phúc" ở vùng cao Yên Bái
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO