Cởi nút thắt trong “tích tụ ruộng đất” ở miền Trung: Nhân rộng những cánh đồng mẫu lớn

Bình Thủy Cảnh| 17/02/2022 10:42

(TN&MT) - Thanh Hoá, Hà Tĩnh, Bình Định… là những địa phương đã thực hiện thí điểm chủ trương tích tụ ruộng đất trong những năm qua. Nhiều kinh nghiệm, bài học hay đã được các địa phương rút ra từ những mô hình này.

Giải quyết tâm lý hoài nghi bị mất đất

Tại Thanh Hóa, hàng năm, trên cơ sở đăng ký thực hiện của các huyện, thị xã, thành phố, UBND tỉnh Thanh Hóa giao kế hoạch khối lượng và kinh phí thực hiện các hình thức tích tụ, tập trung đất đai cho từng đơn vị bảo đảm đúng quy định của pháp luật và điều kiện thực tế ở các địa phương.

Cụ thể, tỉnh Thanh Hóa giao các địa phương chú trọng, tập trung công tác thông tin, tuyên truyền đến cán bộ, đảng viên, nhân dân, phân tích rõ và xác định việc tích tụ, tập trung ruộng đất là khâu đột phá trong sản xuất nông nghiệp cả trước mắt và lâu dài. Giải quyết tốt tâm lý hoài nghi bị mất đất, giữ đất của một bộ phận nông dân dẫn đến tình trạng manh mún, nhỏ lẻ; sản xuất không hiệu quả song vẫn không chuyển nhượng, cho thuê đất.

ht.jpg

Tích tụ, tập trung ruộng đất là khâu đột phá trong sản xuất nông nghiệp.

Đồng thời, căn cứ vào điều kiện tự nhiên, sản phẩm chủ lực và có lợi thế của từng địa phương để xây dựng mô hình tích tụ, tập trung đất đai thí điểm. Sau khi kết thúc 1 chu kỳ sản xuất, thực hiện tổ chức đánh giá cụ thể để rút ra bài học kinh nghiệm trong công tác tổ chức chỉ đạo triển khai thực hiện, xây dựng phương án, kế hoạch nhân ra diện rộng. Địa phương cũng tập trung thu hút, thành lập mới, mời gọi doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đầu tư vào sản xuất nông nghiệp, nhất là đầu tư trực tiếp vào sản xuất và xây dựng các cơ sở chế biến; hỗ trợ tạo cơ chế thông thoáng.

Song song đó, triển khai có hiệu quả các Chương trình khoa học công nghệ (KHCN) trọng điểm của tỉnh. Địa phương tiến hành rà soát các Chương trình KHCN để tập trung ưu tiên ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật phục vụ sản xuất nông nghiệp. Tiếp tục nghiên cứu lựa chọn du nhập các ngành nghề, sản phẩm mới vào trong địa bàn, xây dựng thành các cụm, tổ hợp sản xuất để thu hút lao động nông nghiệp sang lao động ngành nghề, đảm bảo ổn định nhu cầu đời sống. Xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường trong và ngoài nước để tiêu thụ sản phẩm...

Hiệu quả từ những cánh đồng mẫu lớn

Tại Bình Định, đến nay, toàn tỉnh đã triển khai thực hiện 270 cánh đồng mẫu lớn, cánh đồng lớn với tổng diện tích 13.189ha; xây dựng và triển khai nhiều mô hình liên kết sản xuất đạt hiệu quả kinh tế cao tại các địa phương. Những cánh đồng lớn đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, với năng suất bình quân cả năm đạt 68,5 tạ/ha, lợi nhuận ước đạt 35.520.000 đồng/ha, cao hơn bên ngoài cùng điều kiện trung bình 17.620.000 đồng/ha. Cánh đồng mẫu lớn sản xuất lúa có năng suất trung bình đạt 68,4 tạ/ha, lợi nhuận trung bình đạt trên 17.900.000 đồng/ha, cao hơn bên ngoài cùng điều kiện trung bình 3.840.000 đồng/ha.

Năm 2022, Bình Định tiếp tục duy trì các cánh đồng mẫu lớn sản xuất lúa; chuyển đổi 3 vụ lúa/năm sang 2 vụ lúa/năm; sản xuất cây trồng cạn trên đất trồng lúa, mía, sắn; quy hoạch mở rộng, phối hợp xây dựng các cánh đồng lớn liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ; hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, địa phương xây dựng các dự án cánh đồng liên kết; tìm kiếm, kêu gọi các doanh nghiệp có nhu cầu, tiềm năng phối hợp xây dựng Dự án cánh đồng lớn sản xuất lúa, cây trồng cạn.

Không chỉ đem lại hiệu quả kinh tế, cánh đồng mẫu lớn, cánh đồng lớn còn mang ý nghĩa xã hội với hiệu quả nâng cao được chất lượng, giá bán nông sản, đầu tư sản xuất và năng lực cạnh tranh của sản phẩm, góp phần phát triển bền vững ngành nông nghiệp ở địa phương. Giúp nông dân nâng cao trình độ thâm canh. Nông dân ý thức được tác hại của việc lạm dụng thuốc trừ sâu, bệnh, phân bón hóa học, tưới nước hợp lý nhằm giảm ô nhiễm môi trường, nguồn nước, giảm tích tụ hóa chất độc hại trong sản phẩm nông nghiệp, giảm khí phát thải gây hiệu ứng nhà kính, bảo vệ môi trường, sức khỏe cộng đồng.

Tại tỉnh Hà Tĩnh, nhờ công tác dồn điền, đổi thửa trên địa bàn đã xuất hiện một số mô hình Lúa - Cá, Lúa - Vịt, Lúa - Màu tập trung tại các huyện Can Lộc, Đức Thọ, Cẩm Xuyên… bước đầu làm tăng giá trị sử dụng đất. Nhiều hộ dân đã từng bước thay đổi tư duy sản xuất cá thể, manh mún và nhỏ lẻ để đồng hóa các khâu trong quá trình sản xuất, thâm canh. Đến nay, Hà Tĩnh đã có 351 mô hình kinh tế trang trại được thành lập sử dụng 3.013,0ha đất.

Ông Trần Hữu Khanh - Phó Giám đốc Sở TN&MT Hà Tĩnh cho biết: “Xác định việc thực hiện tích tụ ruộng đất nông nghiệp là một cuộc “cách mạng” trên đồng ruộng, thời gian qua, địa phương đã tập trung tháo gỡ rất nhiều vướng mắc, khó khăn. Trong đó, phải kể đến những khó khăn như diện tích đất sản xuất nông nghiệp bình quân trên hộ thấp (6.304m2); điều kiện tự nhiên địa hình dốc, đất đai không bằng phẳng, nhiều nơi ruộng bậc thang; chất lượng đất không đồng đều; thời tiết, khí hậu phức tạp, nắng hạn, mưa nhiều dễ rửa trôi…”

Đặc biệt, giới hạn về hạn điền và quy định việc nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất trong hạn mức theo quy định của Luật; Việc cho thuê lại quyền sử dụng đất, góp vốn bằng quyền sử dụng đất để sản xuất đã được Luật Đất đai quy định nhưng chưa có giải pháp thực hiện. Nhất là thủ tục giấy tờ liên quan quyền sử dụng đất góp vốn, do tâm lý người dân góp vốn bằng quyền sử dụng đất nhưng vẫn muốn giữ quyền sử dụng đất. Trong khi đó, tổ chức nhận góp vốn cần giấy tờ quyền sử dụng đất đứng tên tổ chức để vay vốn phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh và có sự bảo đảm về pháp luật để đầu tư.

PGS.TS Vũ Trọng Khải, Chuyên gia độc lập về chính sách phát triển nông nghiệp và nông thôn: Cần xây dựng chuỗi giá trị nông sản

Để đẩy nhanh tiến trình tích tụ đất nông nghiệp, Luật Đất đai và các luật, chính sách vĩ mô khác phải tạo điều kiện cho trang trại chủ động tham gia vào chuỗi giá trị nông sản ở mỗi vùng nông nghiệp sinh thái. Hiện nay, trong các trang trại hợp danh, trách nhiệm hữu hạn và cổ phần, có 2 loại thành viên gồm thành viên góp vốn và trực tiếp quản lý trang trại là các doanh nhân thuộc các thành phần kinh tế khác nhau; thứ hai là những người khác góp vốn vào các trang trại này, không tham gia quản lý trang trại. Do vậy, Luật Đất đai không thể yêu cầu những người chủ đất (chủ sở hữu hay chủ sở hữu quyền sử dụng đất) phải là những người “trực canh”. Trong kinh tế thị trường không có khái niệm này.

vu-trong-khai-chuyen-gia-doc-lap-ve-kinh-te-nn-va-ptnt.jpg
PGS.TS Vũ Trọng Khải

Mặt khác, muốn tích tụ ruộng đất diễn ra lành mạnh, hiệu quả phải hình thành và phát triển thị trường đất nông nghiệp đích thực. Có 3 yếu tố cấu thành thị trường đất nông nghiệp là nguồn cung cấp đất nông nghiệp dưới hình thức bán hay cho thuê dài hạn; nguồn cầu đất nông nghiệp dưới dạng mua hay thuê dài hạn và thứ ba là khuôn khổ pháp lý để cung - cầu đất nông nghiệp gặp nhau. Để giao dịch mua bán cho thuê đất nông nghiệp diễn ra minh bạch, nhanh chóng thì phải có khuôn khổ pháp lý rõ ràng, minh bạch với các chế tài đủ sức răn đe các hoạt động giao dịch bất minh.

Ông Châu Văn Huệ, PGĐ Trung tâm Nghiên cứu quản trị tài nguyên vùng cao (CEGORN): Nên tính đến giải pháp chuyển đổi đất nông nghiệp vùng đặc thù

Mô hình tích tụ đất đai là động lực thúc đẩy sản xuất hàng hóa, xuất khẩu… là yếu tố đầu tàu kéo chuỗi phát triển kinh tế nông nghiệp. Trong thực tế, có nhiều phương thức để hình thành nên quá trình tích tụ đất đai như “dồn điền đổi thửa”, thuê đất nông nghiệp… Tuy nhiên, cần có sự đánh giá từng phương thức phù hợp với mỗi vùng, chẳng hạn “dồn điền đổi thửa” chỉ phù hợp vùng đồng bằng, không phù hợp với miền núi vốn có điểm gần, điểm xa.

chau-van-hue-pgd-cegordv.jpg
Ông Châu Văn Huệ

Thứ nữa, những quy định thời hạn giao và chuyển nhượng quyền sử dụng đối với những loại đất đặc thù như đất lúa hay đất sản xuất rừng tự nhiên thì được chuyển nhượng hay cho thuê, hạn mức là 50 năm… là những bất cập làm chậm tiến trình tích tụ đất đai. Thực tế, có nhiều trường hợp khi chủ thể không thể sản xuất nông nghiệp trên phần đất đã nhận nhưng không được chuyển nhượng, khi cá nhân khác có nhu cầu mua lại thì hoạt động giao dịch cũng chỉ có khế ước giữa người mua và người bán, điều này là chưa đúng với luật định, có thể dẫn đến xung đột khi đất này thuộc diện đền bù giải tỏa, chuyển đổi mục đích sử dụng. Do vậy, Nhà nước cần tính đến giải pháp để đất nông nghiệp vẫn có thể chuyển đổi cho những đối tượng cần thiết với một hành lang pháp lý đầy đủ, chẳng hạn thời hạn giao đất là 30 năm, đủ để một đời người có thể phát triển sản xuất, nhưng Nhà nước vẫn có quyền thu hồi và đền bù theo đơn giá quy định và chuyển nhượng cho cá nhân khác có nhu cầu sử dụng.

Bà Nguyễn Ngọc Lan, Chuyên gia về lĩnh vực giới trong Dự án Quản trị đất đai: Làm rõ hơn tác động của tích tụ đất đai đến bình đẳng giới

Hiện nay đã có rất nhiều báo cáo về hỗ trợ xây dựng chính sách về tập trung tích tụ đất đai tại Việt Nam nhưng chưa có đề cập đến thực trạng, tác động cũng như sự hưởng dụng của quá trình tích tụ đất đai đến bình đẳng giới và sự tham gia của giới vào quá trình tham vấn lập pháp để đảm bảo quyền lợi cho các giới. Trên thế giới đã công nhận vai trò của bình đẳng giới trong sự phát triển kinh tế - xã hội của một quốc gia, đây là vấn đề xuyên suốt trong tất cả các hoạt động phát triển. Việt Nam cũng đã tham gia công ước CEDAW chống phân biệt đối với nữ giới và cũng có Luật bình đẳng giới.

ba-nguyen-ngoc-lan-chuyen-gia-ve-linh-vuc-gioi-trong-du-an-quan-tri-dat-dai.jpg
Bà Nguyễn Ngọc Lan

Bởi vậy, vai trò của giới và sự lồng ghép giới ngày càng có ý nghĩa quan trọng trong bất cứ tiến trình làm luật, chính sách nào. Do vậy, chúng ta cần làm rõ hơn tác động của tích tụ đất đai đến bình đẳng giới, vai trò của giới vào quá trình tham vấn lập pháp. Từ đó, các chuyên gia sẽ có sự nghiên cứu rộng hơn sự tác động đến các lĩnh vực khác để có sự hỗ trợ cho việc sửa đổi Luật đất đai trong thời gian tới được đồng bộ và toàn diện hơn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cởi nút thắt trong “tích tụ ruộng đất” ở miền Trung: Nhân rộng những cánh đồng mẫu lớn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO