Cơ sở tôn giáo khi được giao đất có phải nộp tiền sử dụng đất?

Phạm Oanh | 22/07/2021, 18:50

(TN&MT) - Xin hỏi, hiện nay, nhà nước quy định đất tôn giáo thuộc nhóm đất gì? Khi giao đất cho hoạt động tôn giáo Nhà nước có thu tiền hay không? Thủ tục và hồ sơ xin giấy phép xây dựng cơ sở tôn giáo như thế nào? (Nguyễn Hải Hoà, Yên Mô, Ninh Bình).

Câu hỏi của bạn, Báo Tài nguyên & Môi trường tư vấn như sau:

Đất tôn giáo và tiền sử dụng đất tôn giáo

Theo khoản 1 Điều 159 Luật Đất đai 2013 định nghĩa về đất cơ sở tôn giáo gồm đất thuộc chùa, nhà thờ, nhà nguyện, thánh thất, thánh đường, niệm phật đường, tu viện, trường đào tạo riêng của tôn giáo, trụ sở của tổ chúc tôn giáo, các cơ sở khác của tôn giáo được nhà nước cho phép hoạt động.

Như vậy, đất được gọi là đất cơ sở tôn giáo với điều kiện là đất đó sẽ (đối với đất giao) hoặc đang được sử dụng vào mục đích xây dựng các thánh đường, chùa chiền … và người sử dụng đất đó phải là tổ chức tôn giáo được Nhà nước cho phép hoạt động (hay còn gọi là hoạt động hợp pháp). Nếu tổ chức tôn giáo đó mặc dù tồn tại nhưng không được Nhà nước cho phép hoạt động thì đất của tổ chức tôn giáo đó không được Nhà nước công nhận là đất cơ sở tôn giáo.

Ảnh minh hoạ

Theo quy định tại điểm g khoản 2 Điều 10 Luật Đất đai 2013 thì đất cơ sở tôn giáo sử dụng thuộc nhóm đất phi nông nghiệp là nhóm đất chủ yếu cho xây dựng các công trình, làm mặt bằng cho xây dựng, không phải là nhóm đất sử dụng vào mục đích nông nghiệp.

Đặc biệt, theo khoản 5 Điều 54, cơ sở tôn giáo khi được Nhà nước giao đất không phải trả tiền sử dụng đất.

Giấy phép và thủ tục xin giấy phép xây dựng cơ sở tôn giáo

Căn cứ vào quy định về áp dụng pháp luật thì việc xây dựng các công trình tôn giáo Việt Nam sẽ chia thành 2 nhóm phải xin cấp giấy phép xây dựng bao gồm:

Là công trình tín ngưỡng, tôn giáo thuộc trường hợp phải lập báo cáo kinh tế kỹ thuật. Vì vậy, cho dù các công trình này xây dựng ở bất cứ khu vực nào cũng không được miễn giấy phép xây dựng. Nếu xây dựng công trình tôn giáo trái phép (không có giấy phép) sẽ bị xử phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng theo quy định tại Điều 15 Nghị định số 139/2017/NĐ-CP

Là cải tạo, nâng cấp, xây dựng mới công trình phụ trợ thuộc cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo thực hiện như quy định của pháp luật về xây dựng đối với các công trình, nhà ở riêng lẻ xây dựng trong đô thị, trung tâm cụm xã, trong khu bảo tồn, khu di tích lịch sử – văn hóa, cách mạng.

Ngoài ra công trình tôn giáo bắt buộc phải được xây trên đất tôn giáo đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ghi rõ mục đích sử dụng nếu công trình xây dựng không phải trên đất tôn giáo thì còn bị xử phạt hành vi tự ý chuyển mục đích sử dụng đất.

Theo Điều 43 Nghị định số 15/2021/NĐ-CP, hồ sơ xin cấp giấy phép xây dựng các công trình tôn giáo, tín ngưỡng bao gồm:

Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép xây dựng công trình tôn giáo gồm các tài liệu như quy định tại khoản 1 Điều này và văn bản chấp thuận về sự cần thiết xây dựng và quy mô công trình của cơ quan chuyên môn về tín ngưỡng, tôn giáo thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh;

Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép xây dựng công trình tín ngưỡng gồm các tài liệu như quy định tại Điều 46 Nghị định này và ý kiến của cơ quan chuyên môn về tín ngưỡng, tôn giáo thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; báo cáo kết quả thẩm tra thiết kế xây dựng đối với các công trình tín ngưỡng ảnh hưởng lớn đến an toàn, lợi ích cộng đồng; Đối với hồ sơ đề nghị cấp giấy phép xây dựng công trình tín ngưỡng, tôn giáo thuộc dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử – văn hóa, danh lam thắng cảnh, ngoài các tài liệu quy định tại điểm a, điểm b khoản này, phải bổ sung văn bản về sự cần thiết xây dựng và quy mô công trình của cơ quan quản lý nhà nước về văn hóa theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO