Cơ quan nào có thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai của đồng bào dân tộc miền núi

Phạm Oanh | 20/05/2022, 06:50

(TN&MT) - Bạn đọc Nông Thanh Mai (Văn Yên, Yên Bái) hỏi: Hiện nay, gia đình tôi và hàng xóm đang tranh chấp về lối đi chung giữa hai gia đình. Gia đình tôi là người dân tộc thiểu số. Xin hỏi, cơ quan nào có thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai của hộ đồng bào dân tộc thiểu số?

Câu hỏi của bạn Báo Tài nguyên & Môi trường tư vấn như sau:

Theo quy định tại Điều 203 Luật Đất đai 2013, tranh chấp đất đai đã được hòa giải tại Ủy ban nhân dân cấp xã mà không thành thì được giải quyết như sau:

Tranh chấp đất đai mà đương sự có Giấy chứng nhận hoặc có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật này và tranh chấp về tài sản gắn liền với đất thì do Tòa án nhân dân giải quyết.

dat-khai-hoang.jpg

Ảnh minh họa

Tranh chấp đất đai mà đương sự không có Giấy chứng nhận hoặc không có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật này thì đương sự chỉ được lựa chọn một trong hai hình thức giải quyết tranh chấp đất đai theo quy định sau đây: Nộp đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp tại Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền theo quy định; Khởi kiện tại Tòa án nhân dân có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự.

Trường hợp đương sự lựa chọn giải quyết tranh chấp tại Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền thì việc giải quyết tranh chấp đất đai được thực hiện như sau: Trường hợp tranh chấp giữa hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư với nhau thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện giải quyết; nếu không đồng ý với quyết định giải quyết thì có quyền khiếu nại đến Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc khởi kiện tại Tòa án nhân dân theo quy định của pháp luật về tố tụng hành chính; Trường hợp tranh chấp mà một bên tranh chấp là tổ chức, cơ sở tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh giải quyết; nếu không đồng ý với quyết định giải quyết thì có quyền khiếu nại đến Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường hoặc khởi kiện tại Tòa án nhân dân theo quy định của pháp luật về tố tụng hành chính.

Nếu khởi kiện, đương sự phải chuẩn bị hồ sơ như sau: Đơn khởi kiện theo mẫu; Giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đất; Biên bản hòa giải có chứng nhận của UBND xã và có chữ ký của các bên tranh chấp; Giấy tờ của người khởi kiện (Sổ hộ khẩu; chứng minh thư nhân dân hoặc thẻ căn cước nhân dân; Các giấy tờ chứng minh khác).

Tùy theo yêu cầu khởi kiện của bên khởi kiện có thể phải chuẩn bị thêm: Văn bản đo đạc, xác minh về việc thửa đất bị lấn chiếm; Trích lục hồ sơ địa chính đối với thửa đất có tranh chấp… Nơi nộp hồ sơ khởi kiện là Tòa án nhân dân cấp huyện có đất đang tranh chấp.

Như vậy, thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai sẽ tùy thuộc vào thực trạng diện tích đất đang tranh chấp.

Pháp luật không có quy định nào riêng biệt về thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai đối với hộ đồng bào dân tộc miền núi. Bạn có thể căn cứ vào các quy định trên để biết được cơ quan nào có thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai hiện tại của gia đình mình.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO