Cổ phần hóa Hãng phim truyện VN: Khu "đất vàng" của VFS sẽ đi về đâu?

18/09/2017 00:00

(TN&MT) – Hơn một năm trôi qua sau những lùm xùm liên quan tới quá trình cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam (VFS), mới đây nhiều nghệ sỹ lại tiếp tục lên tiếng “tố” cổ đông chiến lược là Tổng công ty Vận tải thủy - công ty cổ phần (Vivaso) chỉ quan tâm tới giá trị đất đai của hãng phim mà không quan tâm tới việc làm phim.

Vàng son đâu chưa thấy?

Thời điểm cách đây hơn một năm, dư luận xôn xao thông tin Hãng phim truyện Việt Nam bị bán cho một đơn vị chuyên về lĩnh vực ... vận tải thủy với giá rẻ mạt. Thời điểm đó, nhiều ý kiến cho rằng, việc mua bán này diễn ra quá âm thầm chỉ sau 11 ngày thông báo (qua việc đăng thông tin trên báo và thông tin trên website của hãng phim). Câu hỏi đặt ra là tại sao với tài sản mà VFS hiện có, Tổng công ty Vận tải thủy - công ty cổ phần (Vivaso) chỉ phải bỏ ra 30 tỷ đồng để có thể trở thành cổ đông chiến lược (chiếm 65% cổ phần của hãng phim).

Việc cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam vẫn còn rất nhiều vấn đề cần làm sáng tỏ
Việc cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam vẫn còn rất nhiều vấn đề cần làm sáng tỏ

Bởi lẽ, theo bản công bố thông tin bán đấu giá cổ phần thì riêng tài sản là đất của VFS đã bao gồm 5.443,5 m2 đất tại số 4 Thụy Khuê (khu đất được đánh giá là đất vàng của Hà Nội), hình thức sở hữu là thuê đất của nhà nước đã hơn 50 năm qua; 904,9 m2 đất ở ngõ 151 Hoàng Hoa Thám - hình thức sở hữu là giao đất; 6.382,8 m2 đất ở Đông Anh tức trường quay Cổ Loa - hình thức sở hữu là giao đất; 1.208,72 m2 đất ở số 6 Thái Văn Lung, quận 1, TP.HCM - hình thức sở hữu là thuê đất của nhà nước.

Điều đáng nói là đơn vị tư vấn về giá trị doanh nghiệp cho hãng phim đã tính giá trị thương hiệu, giá trị đất đai, ưu thế sử dụng vị trí của Hãng phim truyện Việt Nam bằng 0 với sự đồng ý của Ban cổ phần Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Dù sau đó, ngày 28/12/2016 Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu rà soát lại toàn bộ quá trình cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam nhưng khi tiến hành cổ phần hóa, giá trị thương hiệu của hãng vẫn chưa được tính vào như sự chỉ đạo của Thủ tướng.

Nhưng gạt mọi hoài nghi, dư luận hết sức quan tâm tới lời khẳng định của ông Nguyễn Danh Thắng, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Vận tải thủy – công ty cổ phần (Vivaso) khi ông này phát biểu: “Cổ phần hóa hãng phim không phải xóa bỏ hay chuyển đổi mục đích kinh doanh của nó. Tái cấu trúc hãng phim là để chọn lọc ra những người thực sự tài năng và tâm huyết để làm ra những bộ phim chất lượng, đưa VFS trở lại thuở vàng son”.

Ấy nhưng vàng son đâu chưa thấy nhưng chỉ sau một năm tiến hành cổ phần hóa, hàng loạt nghệ sỹ gạo cội của hãng phim đã đồng loạt lên tiếng “tố” Vivaso vi phạm cam kết ban đầu.

Đạo diễn Nguyễn Quốc Tuấn
Đạo diễn Nguyễn Quốc Tuấn

Chỉ quan tâm tới đất của hãng phim?

Thông tin mà các nghệ sỹ cung cấp cho báo chí mấy ngày vừa qua cho biết, sau hai tháng cổ phần, Vivaso đã không giữ đúng cam kết về trả lương cho cán bộ công nhân viên. Mức lương không theo một căn cứ nào, gây bất bình cho cán bộ, công nhân viên của hãng; cơ sở vật chất bị xáo trộn: Sáp nhập 4 phòng vào một phòng để lấy đất kinh doanh chứ không để làm phim; công ty cổ phần yêu cầu cán bộ, công nhân viên tự đi kiếm việc, tự trả lương. Nếu muốn được nhận lương từ công ty cổ phần thì phải đi làm đủ 8h như đi làm hành chính. Điều đó thể hiện sự thiếu hiểu biết của lãnh đạo công ty cổ phần về đặc thù công việc của hãng ... cùng rất nhiều điều vô lý khác.

Đạo diễn Nguyễn Quốc Tuấn bức xúc cho biết: “Việc cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam nếu không làm sáng tỏ thì sẽ để lại nhiều hệ lụy vì còn nhiều đơn vị nhà hát khác đang nằm ở khu đất vàng, biết đâu sẽ có ngày bị như Hãng phim truyện Việt Nam. Bằng cách để mặc chúng tôi, yêu cầu chúng tôi phải tự kiếm sống nuôi nhau. Lãnh đạo công ty cổ phần những tưởng chúng tôi sẽ chán nản mà bỏ đi. Nhưng họ nhầm, chúng tôi vẫn sẽ trụ lại ở lại đây vì còn yêu hãng”.

Có một điểm mà tất cả các nghệ sỹ cùng đồng ý là Ban lãnh đạo công ty cổ phần đầu tư và phát triển phim truyện Việt Nam (tên của Hãng phim truyện VN sau khi cổ phần hóa – PV) đang tìm mọi cách để các thành viên của hãng phim chủ động bỏ việc. Bằng việc không cho nhân viên đi cửa chính, sáp nhập các phòng lại để lấy chỗ kinh doanh, bắt nhân viên làm việc theo kiểu hành chính 8h/ngày, trả lương thấp hoặc không trả lương nhân viên, không chú trọng làm phim ... liệu công ty Vivaso sẽ tiến tới việc xóa bỏ Hãng phim truyện Việt Nam?

Và nếu viễn cảnh này xảy ra thực sự thì những khu đất vàng mà hãng phim này sở hữu sẽ đi đâu về đâu? Nó sẽ biến thành những khu văn phòng, trung tâm thương mại hay chung cư cao cấp? 

Báo TN&MT sẽ tiếp tục thông tin vụ việc./.

Phạm Văn

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cổ phần hóa Hãng phim truyện VN: Khu "đất vàng" của VFS sẽ đi về đâu?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO