Có nên nhân rộng mô hình biến rác tường thành "con đường nghệ thuật"?

15/05/2017 00:00

(TN&MT) - Không chỉ dẹp bỏ được những mẩu quảng cáo, rao vặt ... được dán chi chít trên những bức tường – một hình ảnh quen thuộc với người dân Thủ đô Hà Nội, giải pháp này còn biến những đoạn đường nhếch nhác đó thành “con đường nghệ thuật” đúng nghĩa.

 Rằng hay thì thực là hay

Cho tới bây giờ, nhiều người dân khi đi qua ngõ 78, phố Duy Tân (phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội) vẫn chưa hết ngỡ ngàng vì “con đường gốm sứ” dài hơn 200m được thiết kế rất bắt mắt ở đây. Người ta trầm trồ, thán phục không hẳn vì những bức tranh gốm nhiều màu sắc, mang khung cảnh hồn quê đất Việt mà vì trước đây không lâu, đoạn đường này vẫn nhếch nhác bởi rác tường dán chi chít khắp mọi nơi.

Rác tường là tên gọi chung của những loại hình rao vặt như: chiêu sinh, khoan cắt bê tông, cho vay ngắn hạn, thông hút bể phốt … được dán hoặc in chi chit lên bờ tường, góc cây, cột điện, lô cốt … ở những thành phố lớn. Những năm gần đây, đó thực sự là một vấn nạn mà từ các cơ quan quản lý cho tới người dân, đều rất khó đối phó và dẹp bỏ. Thế nhưng người dân ở ngõ 78, phố Duy Tân lại có giải pháp vừa độc đáo nhưng cũng không kém phần hiệu quả.

Con đường tranh gốm tại ngõ 78, phố Duy Tân hiện nay
Con đường tranh gốm tại ngõ 78, phố Duy Tân hiện nay

Theo đó, mỗi hộ dân ở đây đã tự bỏ tiền rồi thuê thợ về  gắn tranh gốm lên khoảng tường trước nhà. Hiện đoạn đường này dài khoảng 200 mét, được phủ lên bằng 22 bức tranh gốm khổ lớn, lấy cảm hứng từ cuộc sống làng quê Việt. Sau khi biết thông tin về “con đường gốm sứ” này hoàn thành, người dân ở nhiều nơi đã tìm về để tham quan, học hỏi.

Chia sẻ với PV, bác Vũ Thị Bắc (57 tuổi), một trong những người khởi xướng ý tưởng độc đáo này cho hay: “Trước đây chúng tôi rất khổ sở trong chuyện xử lý rác tường. Hàng tuần, vào ngày nghỉ là đoàn thanh niên phường lại phối hợp với người dân trong ngõ ra quân dọn rác tường. UBND phường cũng trang bị cho chúng tôi những phương tiện cần thiết. Nhưng được thời gian là việc đâu lại đóng đấy. Sau nhiều lần họp bàn với các hộ dân trong ngõ, chúng tôi đã đưa ra nhiều ý tưởng xử lý khác nhau. Người thì bảo trồng rặng trúc, người thì bảo treo hàng cây cảnh. Nhưng sau cùng tất cả thống nhất lấy ý tưởng của tôi là góp tiền vào làm những bức tranh gốm tường”.

Bác Lê Thị Thu, một hộ dân sinh sống tại ngõ 78, phố Duy Tân cho biết thêm: “Sau khi họp bàn, chúng tôi thống nhất là mỗi hộ sẽ phải chủ động lên ý tưởng thiết kế tác phẩm cho chính phần tường mà gia đình mình quản lý. Mọi người có thể tùy ý tưởng tượng, sáng tạo miễn sao phải tuân thủ theo chủ đề chung là cảm hứng quê hương đất nước. Sau đó chúng tôi cũng tự bỏ tiền ra để thuê thợ về làm. Chi phí thực hiện rơi vào khoảng 3 – 5 triệu đồng/ hộ. Chúng tôi hi vọng, hành động nhỏ này sẽ góp phần nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, văn minh đô thị của người dân trong khu vực và trên địa bàn thành phố”.

Không dễ nhân rộng mô hình?

Thực tế hiện nay nhiều ý tưởng, mô hình bảo vệ môi trường đã được áp dụng trên phạm vi toàn thành phố Hà Nội. Mới đây, ý tưởng biến bãi rác thành vườn hoa của nhóm bạn trẻ Sen trong phố cũng đã được Thành đoàn Hà Nội kiến nghị lên UBND TP. Hà Nội và được chấp nhận để nhân rộng ra nhiều quận, huyện trên địa bàn thành phố.

Bác Vũ Thị Bắc, người khởi xướng ý tưởng làm tranh gốm để dọn rác tường
Bác Vũ Thị Bắc, người khởi xướng ý tưởng làm tranh gốm để dọn rác tường

Vì thế cách làm độc đáo của tập thể người dân ngõ 78, phố Duy Tân cũng là một cách tham khảo hữu ích. Chia sẻ về mong muốn khi xây dựng dự án này, bác Vũ Thị Bắc cho hay: “Chúng tôi nghĩ rằng, muốn bảo vệ môi trường thì chính người dân phải đi đầu. Vì thế chúng tôi chỉ cố gắng chứng minh một điều là không gì là không thể. Chỉ cần mỗi người cố gắng thêm một chút thì môi trường sống của chính chúng ta sẽ được cải thiện rất nhiều. Bản thân tôi hi vọng, ý tưởng này sẽ được nhiều nơi học tập và áp dụng nhưng trên hết, nó giống như một tấm gương để mọi người nhìn vào học tập. Người chưa có ý thức bảo vệ môi trường sẽ vì đó mà ý thức hơn. Người đã có ý thức thì qua đó sẽ ý thức hơn nữa”.

Trong khi đó, chia sẻ với phóng viên, ông Tống Xuân Duy, Phó chủ tịch phường Dịch Vọng Hậu cho hay: “Khi người dân ngõ 78 phố Duy Tân đề xuất ý tưởng biến những đoàn rác tường thành các bức tranh gốm, chúng tôi rất tán thành và ủng hộ. Chúng tôi đánh giá đây là một ý tưởng hay, có ý nghĩa nhưng để thực hiện được thì người dân cần phải có nguồn kinh phí khá lớn. Bản thân phường cũng không có nhiều nguồn kinh phí để hỗ trợ nên chúng tôi cũng trao đổi lại để người dân cân nhắc. Tuy nhiên do quyết tâm và sự đồng thuận của người dân rất cao nên việc làm được triển khai khẩn trương, nhanh chóng. Sau khi hoàn thành, chúng tôi cũng nhận được phản ứng rất tích cực của nhân dân địa phương cũng như ở các phường, quận khác. Tháng 9 tới đây, sẽ có thêm một dự án tương tự được triển khai tại phường chúng tôi. Hiện người dân đã xin ý kiến và phường đã đồng ý cho thực hiện. Chúng tôi cũng ghi nhận, người dân nhiều nơi đã tìm về đây để tham quan, học tập nhằm áp dụng tại nơi họ sinh sống”.

Tuy nhiên, ông Duy cũng cho rằng mô hình này sẽ gặp khó khăn khi muốn nhân rộng ở nhiều địa bàn khác. Bởi lẽ: “Mặc dù đây là một ý tưởng rất hay trong việc bảo vệ môi trường, nâng cao mỹ quan đô thị nhưng nó đòi hỏi nguồn kinh phí lớn và sự quyết tâm của cả tập thể. Thế nên muốn nhân rộng mô hình này cũng không phải là điều đơn giản. Tuy nhiên tôi cho rằng, bảo vệ môi trường có rất nhiều cách khác nhau. Miễn là ý thức bảo vệ môi trường của người dân được nâng cao, họ sẽ có những cách riêng để thực hiện”.

Phạm Văn

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Có nên nhân rộng mô hình biến rác tường thành "con đường nghệ thuật"?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO