Cơ chế đặc thù cho các địa phương phải gắn với trách nhiệm người đứng đầu

Khương Trung | 27/10/2021 14:35

(TN&MT) - Một số đại biểu Quốc hội đề nghị Chính phủ có các chỉ tiêu rõ ràng để đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết về cơ chế, chính sách đặc thù cho các địa phương.

Tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp thứ Hai, sáng 27/10, Quốc hội thảo luận trực tuyến về dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Hải Phòng và các tỉnh: Nghệ An, Thanh Hóa và Thừa Thiên - Huế.

Toàn cảnh phiên họp sáng 27/10

Theo báo cáo, Ủy ban Tài chính Ngân sách nhất trí ban hành Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hải Phòng và các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Thừa Thiên - Huế để thể chế hóa các Nghị quyết của Bộ Chính trị nhằm tạo cơ chế huy động nguồn lực, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cho các địa phương này. Tại phiên thảo luận, nhiều đại biểu Quốc hội kiến nghị Chính phủ xem xét, xây dựng các cơ chế, chính sách phù hợp với tiềm năng, lợi thế của từng địa phương, tạo động lực cho phát triển bền vững. 

Tại điểm cầu tỉnh Phú Thọ, đại biểu Cầm Hà Chung cho biết, nhiều địa phương mong muốn có cơ chế đặc thù, để tháo gỡ điểm nghẽn, thu hút đầu tư, phát huy lợi thế để phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, ông Chung cho rằng, việc giải quyết mong muốn của các địa phương nếu không ổn thỏa, không có tiêu chí cụ thể sẽ tạo áp lực lên các địa phương chưa có cơ chế đặc thù.

Theo đại biểu Chung, nếu giải quyết không thỏa đáng, sẽ dễ gây "hiểu lầm", vì sao địa phương kia được tạo cơ chế đặc thù, địa phương này được thí điểm, có chính sách riêng trong khi nhu cầu cuộc sống của người dân và cán bộ là như nhau. "Có đặc quyền, đặc lợi ở đây không, có không công bằng không? Do đó, Chính phủ, các cơ quan liên quan, các địa phương liên quan cần nghiên cứu, giải trình hoặc triển khai minh bạch, tạo sự thống nhất" - đại biểu Cầm Hà Chung nêu quan điểm và cho rằng, cần xác định rõ tiêu chí khi xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù để tránh cơ chế xin - cho. 

Góp ý về nội dung này, đại biểu Tạ Văn Hạ (đoàn Quảng Nam) kiến nghị bổ sung, mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể trong Nghị quyết để làm cơ sở giám sát, đánh giá hiệu quả triển khai trên thực tế. "Chúng ta tạo cơ chế, chính sách đặc thù, giao thêm quyền, phân cấp thì phải có chỉ tiêu, mục tiêu rõ ràng để sau này đánh giá kết quả thực hiện"- ông Hạ nói.

Đại biểu Tạ Văn Hạ (đoàn Quảng Nam) phát biểu ý kiến

Đại biểu đề nghị Chính phủ cân nhắc, nghiên cứu kỹ thế mạnh của từng tỉnh để có cơ chế cho phù hợp, đạt được hiệu quả cao nhất, đại biểu Tạ Văn Hạ cũng lưu ý cần gắn với trách nhiệm người đứng đầu khi ban hành chính sách, cơ chế đặc thù. Theo đại biểu, gắn trách nhiệm người đứng đầu để việc thực hiện Nghị quyết có hiệu quả hơn. "Có thêm quy định về trách nhiệm người đứng đầu để thể hiện đây không phải là cơ chế xin - cho, phải có bản lĩnh thì mới dám xin cơ chế đặc thù. Việc tạo cơ chế đặc thù cũng sẽ tạo cơ hội cho những lãnh đạo địa phương có năng lực, dám nghĩ, dám làm" - ông Tạ Văn Hạ nhấn mạnh.

Đại biểu tỉnh Quảng Nam cũng đề nghị Chính phủ nghiên cứu, đưa ra các tiêu chí, điều kiện thì địa phương đó được lựa chọn để thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù. Sở dĩ cần có tiêu chí, điều kiện cụ thể, bởi đại biểu Tạ Văn Hạ lo ngại sắp tới các địa phương khác cũng sẽ đề xuất cơ chế đặc thù, khi đó, không có cơ sở để cho phép tỉnh này mà không cho phép tỉnh kia.

Băn khoăn với việc ban hành cơ chế, chính sách đặc thù riêng cho từng tỉnh, đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) cho rằng, ban hành Nghị quyết về chính sách, đặc thù riêng cho từng vùng sẽ phù hợp. Ông nhấn mạnh, khi ban hành Nghị quyết cho cả vùng, sẽ tránh được sự so bì giữa các địa phương với nhau, hơn nữa, sẽ tạo động lực cho phát triển chung cả vùng.

Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa (đoàn Đồng Tháp) khẳng định ban hành cơ chế, chính sách đặc thù cho 4 tỉnh, thành lần này là hướng đi đúng và phù hợp với quan điểm bền vững. Chia sẻ với băn khoăn của một số đại biểu về "tấm chăn" ngân sách đang rất hạn hẹp, kéo bên này thì hở bên kia, đại biểu Hoa cho rằng, đó cũng là lý do cần có cơ chế đủ mạnh để các tỉnh thành thoát khỏi "tấm chăn" đó. Các cơ chế, chính sách cho 4 tỉnh đã đảm bảo được tính đặc thù, đây sẽ là cơ hội cho các địa phương đột phá và tạo sự lan tỏa trong khu vực.

Báo cáo tiếp thu, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng, nhiều ý kiến nêu sự cần thiết và chủ trương cũng đồng quan điểm có trong Báo cáo của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính, Ngân sách. Với ý kiến của các đại biểu hôm nay nêu tại hội trường cũng nói rất rõ, các địa phương là điều kiện khác nhau, trình độ phát triển khác nhau và khả năng phát triển cũng sẽ khác nhau, nếu tạo nên cú huých cho các địa phương có tiềm năng, lợi thế phát triển nhanh lên được thì cần phải có một số cơ chế, chính sách đặc thù.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, chủ trương này là nhằm khai thác, phát huy các tiềm năng, thế mạnh của các địa phương, bứt phá, phát triển tạo động lực mới, các cực tăng trưởng mới, lan tỏa, thúc đẩy các tỉnh trong vùng, đóng góp cho phát triển chung của cả nước và đặc biệt là điều tiết ngân sách lớn hơn về cho Trung ương. 

Tuy nhiên, phải đảm bảo về những nguyên tắc và quan điểm: Thứ nhất, phải phù hợp với đường lối, liên quan đến tiêu chí mà các vị đại biểu nói là lựa chọn các địa phương phải phù hợp với đường lối, phương hướng, nhiệm vụ phát triển địa phương, tính hợp hiến, hợp pháp và tính khả thi. 

Thứ hai, một số cơ chế, chính sách đặc thù thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội phải bảo đảm tính tương đồng với các tỉnh, thành phố khác đã được áp dụng các cơ chế này. 

Thứ ba, phải được nghiên cứu dựa trên các cơ sở lý luận và thực tiễn, vừa tạo điều kiện để bứt phá vừa đề cao tự lực, tự cường, vươn lên, cũng như là tính năng động, chủ động, sáng tạo của các địa phương, phù hợp với năng của cân đối ngân sách và không ảnh hưởng đến bội chi, vượt trần nợ công. Tăng cường phân cấp, phân quyền nhưng phải đi đôi với xác định trách nhiệm cũng như là các cơ chế để kiểm soát, kiểm tra, giám sát, phù hợp với năng lực, điều kiện thực tiễn của từng địa phương. 

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải

Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho rằng, hiện nay, có nhiều chính sách áp dụng thí điểm tại một số địa phương nên cần tổng kết những mặt được, chưa được làm căn cứ ban hành các nghị quyết để áp dụng tại 4 địa phương và mở rộng áp dụng cho các địa phương khác, đảm bảo tính đại diện và liên kết vùng miền. Đồng thời, có cơ chế để phát triển các vùng kinh tế trọng điểm ở phía Nam, Tây Nguyên, Tây Bắc.

Đa số ý kiến đồng ý áp dụng 11 nhóm chính sách đặc thù như Chính phủ trình. Tuy nhiên, đối với từng chính sách đều có ý kiến đề nghị đánh giá thêm trên một số mặt. Ví dụ, vấn đề nâng thêm trần nợ vay, bổ sung có mục tiêu từ nguồn tăng thu và việc quản lý đất đai, phân cấp quản lý cho địa phương chuyển đổi đất rừng, đất lúa và điều chỉnh quy hoạch và nhiều ý kiến nhấn mạnh việc quản lý, bảo vệ với đất rừng đầu nguồn, đất rừng phòng hộ cần có giám sát, quản lý chặt chẽ và có một số ý kiến đề nghị nghiên cứu về mô hình khu thương mại tự do.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, qua thảo luận, đa số ý kiến nhất trí về sự cần thiết ban hành Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù đối với thành phố Hải Phòng, Thanh Hóa, Nghệ An, Thừa Thiên Huế để thể chế hóa các Nghị quyết của Bộ Chính trị và khai thác các thế mạnh và tiềm năng của các địa phương, tạo thêm nguồn lực cho các địa phương và phát triển kinh tế vùng. Việc thông qua Nghị quyết này là đúng thẩm quyền và theo quy định.

 

Theo đề xuất của Chính phủ, các tỉnh được hưởng cơ chế về chính sách dư nợ vay, như tỉnh Thừa Thiên - Huế, Nghệ An được vay với tổng mức dư nợ vay không vượt quá 40% số thu ngân sách tỉnh được hưởng theo phân cấp; Hải Phòng, Thanh Hóa được vay không quá 60%.

Dự thảo Nghị quyết cho phép thực hiện thí điểm chính sách phí, lệ phí và ngân sách được hưởng 100% số thu tăng thêm. Cụ thể, Hải Phòng và Thanh Hóa được quyết định áp dụng các loại phí, lệ phí chưa có trong danh mục đã ban hành...

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cơ chế đặc thù cho các địa phương phải gắn với trách nhiệm người đứng đầu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO